Bảo vệ phim Việt trước livestream

XUÂN HƯƠNG| 24/11/2017 06:39

Việc một loạt phim Việt ra rạp không bao lâu đã bị livestream (phát trực tiếp) trái phép trên mạng đang dấy lên câu hỏi phải làm sao để giải quyết nạn vi phạm bản quyền này.

Bảo vệ phim Việt trước livestream

Mới nhất, bộ phim Cô Ba Sài Gòn vừa ra rạp đã bị livestream trái phép từ một rạp chiếu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân của Công ty VAA đã chính thức gửi đơn nhờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Trước đó không lâu, bộ phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng bị một nữ khán giả phát trực tuyến từ một cụm rạp ở Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm, mặc dù ekip sản xuất Em chưa 18 rất "cảnh giác" với nạn quay lén và đã thực hiện hẳn một clip tuyên truyền phát vào thời điểm trước khi phim chính thức công chiếu.

Ngoài ra còn có Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân), Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân), Vòng eo 56 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu (đạo diễn Luk Vân)... đều từng bị quay lén trong rạp khi vừa công chiếu.

Quay trở lại hàng chục năm trước khi băng, đĩa còn ăn khách, từng có nhiều phim Việt bị quay lén rồi sản xuất đĩa lậu bán trên thị trường. Vì nạn đĩa lậu này mà không ít bộ phim bị lỗ nặng, nhà sản xuất không tiếp tục làm phim nữa. So với quy trình làm đĩa lậu thì hình thức livestream hiện nay diễn ra rất nhanh, ngay lập tức đã có thể thu hút được hàng ngàn lượt xem.

Như Cô Ba Sài Gòn chỉ trong thời gian livestream gần 60 phút đã thu hút hơn 5.700 lượt xem realtime với gần 200.000 lượt view. Nếu quản lý rạp và nhà phát hành không kịp thời phát hiện và ngăn chặn thì con số này sẽ rất lớn. Đem nhân lượt xem với trung bình 45.000đ/vé sẽ thấy bộ phim mất một khoản doanh thu lớn từ lượng khán giả thay vì đến rạp lại ngồi nhà xem phim lậu qua điện thoại hay máy tính.

Tất nhiên, ở tất cả các cụm rạp hiện nay đều quy định rõ người xem không được quay phim, chụp ảnh trong phòng chiếu. Thông báo này được phát đi phát lại nhiều lần trước khi phim bắt đầu, được nhân viên của rạp nhắc nhở tận nơi, nhưng vẫn có những khán giả, đa số là giới trẻ, khi xem phim đã cố tình livestream trên Facebook với mục đích câu like, khi bị phát hiện thì ngụy biện là vô tình hoặc không biết việc này bị cấm.

Một nhà sản xuất kiêm chủ rạp bày tỏ, do những lần trước, khi bắt được người livestream trái phép chỉ xử lý theo kiểu răn đe, cảnh cáo và bắt cam kết không tái phạm rồi tha nên tệ nạn này vẫn tiếp diễn, và mỗi khi có phim Việt ra rạp là ekip làm phim lại lo bị livestream trái phép.

Ngay khi phát giác sự việc, Ngô Thanh Vân bức xúc bày tỏ trên Facebook: "Tôi cảm thấy bất lực trước ý thức kém cỏi của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ekip của mình... Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy!".

Từng gặp sự việc tương tự với phim Vòng eo 56, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng lên tiếng: "Tôi nghĩ nên phạt tù và phạt tiền ở mức cao nhất của hình thức vi phạm để răn đe. Vì lần nào bắt được cũng chỉ cảnh cáo rồi tha nên nhiều người không sợ".

Đang chuẩn bị công chiếu bộ phim Lôi báo, đạo diễn Victor Vũ nói: "Gần như lần nào phim tôi làm được công chiếu, từ Quả tim máu, Scandal, thậm chí cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh..., thì chỉ sau một tuần hoặc nửa tháng là bị quay lén, phát tán trên mạng. Tôi nghĩ tệ nạn này tồn tại lâu rồi và rất khó tránh được. Nhưng đây quả thật là điều rất đáng tiếc, tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn khách quan và thương nhà làm phim hơn. Bởi mỗi sản phẩm chúng tôi đưa ra trình chiếu phải mất hàng tháng hoặc cả mấy năm trời để sản xuất, tốn biết bao kinh phí và đổ vào đó bao nhiêu tâm huyết mà bị vi phạm bản quyền như thế thì rất đau lòng".

Rõ ràng, ngoài có thể bị mất đi một số tiền bán vé thì chất lượng bản quay lén không tốt sẽ ảnh hưởng đến giá trị và quan điểm của khán giả về bộ phim. Tiếc thay, vẫn còn có nhiều người lại bênh vực nạn quay lén khi cho rằng chỉ là giúp những người không có điều kiện đến rạp được xem phim, hoặc không thể đến rạp xem phim sớm để khỏi phải đợi rất lâu phim mới chiếu lại trên truyền hình. Nhưng hiện nay, thời gian để bản phim chất lượng được chiếu lại trên mạng hay truyền hình sau khi chiếu ở rạp không còn quá lâu. Như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa... được chiếu trên K+ chỉ sau 2, 3 tháng chiếu ngoài rạp.

Sau sự việc livestream, Cô Ba Sài Gòn lại tiếp tục bị tung lên YouTube, bởi vậy, Ngô Thanh Vân đã nghe theo ý kiến và sự ủng hộ của nhiều người trong ngành, báo chí, khán giả..., quyết tâm nhờ cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc cá nhân vi phạm để tạo thành tiền lệ về sau. Được biết, từ 1/1/2018, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (quay phim trong rạp chiếu, livestream chương trình đá bóng, phim, vi phạm bản quyền phần mềm) có thể bị xử lý hình sự. Đây là quy định mới về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).

Trên hết, Ngô Thanh Vân muốn truyền đi thông điệp "Nói không với livestream trong rạp" để lan tỏa hơn ý thức xem phim văn minh và nâng cao nhận thức tôn trọng công sức của những người làm phim, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ phim Việt đến cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ phim Việt trước livestream
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO