Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Kể chuyện sự sống 3,6 tỷ năm

KIỀU ANH| 22/03/2016 01:35

Một bảo tàng nhỏ về diện tích trưng bày nhưng lớn về giá trị hiện vật, đại diện cho chu kỳ tiến hóa của giới tự nhiên trên Trái đất. Có những ngày, khách đến tham quan chật kín khu trưng bày, chứng tỏ lịch sử của sự sống có sức hút mạnh đối với nhiều người trẻ.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Kể chuyện sự sống 3,6 tỷ năm

Một bảo tàng nhỏ về diện tích trưng bày nhưng lớn về giá trị hiện vật, đại diện cho chu kỳ tiến hóa của giới tự nhiên trên Trái đất. Có những ngày, khách đến tham quan chật kín khu trưng bày, chứng tỏ lịch sử của sự sống có sức hút mạnh đối với nhiều người trẻ.

Đọc E-paper

Sau Tết Bính Thân, số lượng khách tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tăng đột biến, đỉnh điểm có ngày đón tới 3.500 khách. Không gian của Phòng Trưng bày tiến hóa sinh giới đã kể với du khách câu chuyện về nguồn gốc, lịch sử sự sống và sự sống thời hiện đại.

Sự sống của 3,6 tỷ năm tiến hóa đã diễn ra theo các cấp độ: Từ tế bào nhân sơ đầu tiên phát triển và tiến hóa thành tế bào có nhân điển hình (2 tỷ năm trước), rồi nấm, động vật và thực vật, gần đây nhất là con người. Một hành trình dài đằng đẵng của tự nhiên khiến người xem tự độc thoại với chính mình: Ta là ai trên cây tiến hóa sinh giới? 

Học sinh tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Với các hình ảnh sinh động, khu trưng bày lịch sử sự sống đã minh họa được diễn biễn các thời kỳ địa chất trên Trái đất. Khởi đầu là thời Tiền Cambri (4,5 tỷ  - 541 triệu năm) là kỳ dài nhất trong lịch sử phát triển của Trái đất. Thời Đại cổ sinh (541 - 252 triệu năm) với đặc trưng là hệ động vật biển phát triển rực rỡ nhất. Thời Đại trung sinh (252 - 66 triệu năm) được xác định là đại của bò sát khổng lồ, chiếm lĩnh cả trên không, trên lục địa và dưới biển. Đại Tân sinh (66 triệu năm - ngày nay) lại ghi dấu tiêu biểu nhất là sự thống trị của động vật có vú và sự xuất hiện của con người - đỉnh cao nhất của tiến hóa sinh giới. Ở khu trưng bày sự sống thời hiện đại có đa dạng các mẫu vật về nấm, thực vật, động vật. Sự phong phú của thế giới sinh vật ngày nay là kết quả của quá trình tiến hóa hàng tỷ năm trên Trái đất.

Mẫu vật rắn hổ mang chúa trưng bày tại Bảo tàng

Với thế mạnh của một bảo tàng khoa học hệ đầu của quốc gia, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang thu thập và lưu giữ hơn 50.000 mẫu vật, trong đó có nhiều mẫu vật quý hiếm như: bò tót, hổ, báo, gấu, khỉ, vọoc, bò biển, cá mặt trăng, gạc nai cà toong, ngà voi, xương cá voi... và hàng ngàn mẫu hóa thạch cổ sinh.

Thêm nữa, mỗi năm, Bảo tàng đã bổ sung được nhiều mẫu chuẩn của các loài mới được công bố cho khoa học, phản ánh được nhiệt huyết nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học hiện đang làm việc tại đây. Nơi đây cũng đang lưu giữ nhiều tiêu bản các loài rùa. Khi rùa Hồ Gươm chết, TP. Hà Nội đã quyết định đưa xác "cụ” về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản. Truyền thông đã cho công chúng biết nhiều hơn về nơi an nghỉ cuối cùng của cụ rùa Hồ Gươm chính là ở bảo tàng này.

Cây tiến hóa sinh giới

Là cái tên mới trong hệ thống bảo tàng, nhưng học sinh, sinh viên và cả giới nghiên cứu lĩnh vực sinh học rất thích tìm đến Bảo tàng (18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Không chỉ chiêm ngắm, du khách đến bảo tàng đã tự nguyện thu nhận tri thức về sinh học, về sự sống. Điều này có lẽ tạo nên sức thuyết phục bền lâu của một bảo tàng khoa học đang theo đuổi các chiến lược hành động trên hai phương diện: thúc đẩy nghiên cứu, công bố khoa học và xây dựng, mở rộng quy mô trưng bày.

>Cách quản trị rủi ro thiệt hại do thảm họa thiên nhiên tại châu Á

>Người canh giữ tranh ở bảo tàng Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Kể chuyện sự sống 3,6 tỷ năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO