90 năm Dạ cổ hoài lang

PHƯƠNG QUYÊN| 08/10/2009 08:17

Từ 29/9 - 3/10, lễ hội Dạ cổ hoài lang với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng như quảng bá nghệ thuật cải lương đã được tổ chức tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

90 năm Dạ cổ hoài lang

Từ 29/9 - 3/10, lễ hội Dạ cổ hoài lang với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng như quảng bá nghệ thuật cải lương đã được tổ chức tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Quà tặng bất ngờ

Hoạt cảnh tái hiện bối cảnh ra đời tác phẩm Dạ cổ hoài lang

Với những hoạt động sân khấu hóa sự ra đời của bản vọng cổ "vua", tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp cho nghệ thuật cải lương và tái hiện những sinh hoạt cộng đồng truyền thống, lễ hội đánh dấu tuổi 90 của Dạ cổ hoài lang, đã thu hút đông đảo du khách và cư dân địa phương. Sau đúng một năm được xây dựng trên nền đất của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu lưu niệm người nhạc sĩ tài hoa này - được xem là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Đối lập với sự xơ xác trước đây tại nơi vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu an nghỉ, khu lưu niệm có nhà mộ, nhà trưng bày và sân khấu ngoài trời để trình diễn những chương trình văn nghệ cải lương tưởng nhớ công lao cố nhạc sĩ.

Tại buổi lễ khánh thành, ông Trần Phước Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật học tỉnh Bạc Liêu bất ngờ gửi tặng khu lưu niệm di vật đặc biệt, đó là bản chép tay bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Được bảo quản kỹ, di vật gần như vẫn còn nguyên vẹn với những nét gạch, nhịp và cả những con chữ viết sai chính tả của người đã khuất.

Trước khi viết nội dung bản nhạc, cố nhạc sĩ giới thiệu: “Bài vọng cổ trước tiên, nhiệp (nhịp) đơn... khi mới chế ra”. Không tựa bài, 18 câu nhạc do cố nhạc sĩ chép tay khá khác biệt so với nội dung lưu hành, trình diễn hiện nay. Thay vì “Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tàu khang” như hiện nay, bản chính của tác giả lại có nội dung: “Chàng dù sai (say) ong bướm/ Xin cũng đừng phụ nghĩa tàu khang”. Đặc biệt, câu 16 của bản chính: “Duyên sắc cầm tình thương với nhau” khác hẳn “Duyên sắc cầm đừng lợt phai” của bản đang phổ biến...

Với sự xuất hiện của bản chép tay này, những tranh cãi nhiều năm nay về nguyên tác Dạ cổ hoài lang của bác Sáu Lầu trong bối cảnh có đến gần 20 dị bản đã có thể chấm dứt.

Hậu thế tri ân

Ông Trần Phước Thuận, người có công lưu giữ di vật, cho biết, cơ duyên xuất phát từ việc thờ cúng tổ nghiệp là nhạc sĩ Lê Tài Khí. Đúng lý, việc thờ tổ là do huynh trưởng Cao Văn Lầu đảm nhận. Đáng tiếc, sinh thời, ông quá nghèo, nhà cửa trống trước hụt sau nên việc thờ tự phải chuyển cho người học trò nhỏ nhất của Tài Khí là ông Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ). Vốn là con rể của ông Năm Nhỏ, nên những ngày bác Sáu Lầu đến chơi nhà, thắp hương thầy, ông đã có dịp trò chuyện và xin bản chép tay quý báu này. “Năm 1974, chính tay bác Sáu Lầu viết bản nhạc này cho tôi tập ca, khi ca khúc đã rất phổ biến” - ông Thuận khẳng định.

35 năm lưu giữ bên mình, thi thoảng lại đem khoe con cháu để nhắc nhớ thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của đờn ca tài tử Nam bộ, ai đến xin hay ngỏ ý mua, ông cũng không cho hay bán. Sau đám tang của bác Sáu Lầu, đã có khá nhiều nhà sưu tầm tìm đến, xin mua lại với giá tính bằng trăm triệu. “Bán di bút của bác Sáu là bán đi cái tình, cái nghĩa. Tôi không làm được chuyện đó” - ông Thuận khẳng định. Kiên quyết khước từ tiền bạc dù gia cảnh chẳng khá giả gì, vậy mà, đúng dịp kỷ niệm này, ông lại quyết định đem tặng cho nhà lưu niệm.

Theo chân ông Trần Phước Thuận đến tham quan khu trưng bày hiện vật liên quan đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chứng kiến sự ít ỏi của các hiện vật nơi đây, mới hiểu vì sao người thầy giáo này lại bấm bụng cho đi vật quý mà mình dày công lưu giữ. Cả khu nhà rộng mà chỉ có vài tập ghi chép của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vài nhạc cụ, mấy bức ảnh chân dung những nghệ nhân đã phát triển bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 lên nhịp 4, nhịp 8... rồi nhịp 64, cùng vài bộ áo mão các nghệ sĩ cải lương đã dùng. “Việc sưu tầm hiện vật về bác Sáu Lầu chưa có nhiều kết quả, chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm và kêu gọi mọi người trao tặng” - bà Bùi Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chia sẻ.

Mộ của bác Sáu những ngày qua lúc nào cũng ấm nhang khói. Khép lại năm ngày lễ hội, hàng ngàn lượt du khách đã dừng chân tại nơi này, chiêm ngưỡng và tưởng nhớ về cuộc đời và cống hiến của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Khách tham quan có quyền hy vọng, lần lễ hội sau, số lượng di vật, tư liệu về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của chủ nhân bản Dạ cổ hoài lang sẽ phong phú hơn. 

Trao giải thưởng Cao Văn Lầu đợt 1

Nhiếp ảnh gia Võ An Khánh nhận giải thưởng Cao Văn Lầu

Nhân lễ hội Dạ cổ hoài lang, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chính thức công bố giải thưởng văn học, nghệ thuật mang tên Cao Văn Lầu. Trong đợt xét tặng giải thưởng đầu tiên, UBND tỉnh đã chọn ra bốn gương mặt có đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu: soạn giả Trọng Nguyễn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, nhạc sĩ Thế Phương, họa sĩ Văn Bình. Mỗi cá nhân được trao tặng giấy chứng nhận, bằng khen và 15 triệu đồng. Dự kiến, giải thưởng mang tên cố nhạc sĩ tài danh này sẽ xét tặng 5 năm/lần.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
90 năm Dạ cổ hoài lang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO