Ảnh minh họa: Quý Hòa |
Thực tế cho thấy gần đây không ít doanh nghiệp sau khi chào sàn với định giá khủng dựa trên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh đã gần như bất khả thi, cùng với việc phát hành thêm cổ phiếu với giá chào bán rất cao nhưng khi sử dụng nguồn tiền này mua các công ty liên quan thì cũng với mức giá cao gấp nhiều lần so với vốn điều lệ. Thậm chí có những công ty dự kiến được mua vào thời điểm công bố còn chưa thành lập.
Điều này gây ra không ít khó hiểu cho các nhà đầu tư. Tại sao doanh nghiệp lại dễ dàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào những doanh nghiệp quy mô nhỏ, triển vọng tăng trưởng chưa rõ ràng, thành lập chưa lâu hoặc thậm chí chưa thành lập, tài sản chủ yếu chỉ là các khoản phải thu hay những tài sản mập mờ, thiếu minh bạch?
Tuy nhiên, nếu biết rằng những doanh nghiệp được mua có những mối quan hệ với công ty đi mua hoặc cổ đông của các công ty đi mua thì mọi chuyện sẽ rõ.
Cách kinh doanh như vậy thật ra không mới. Việc một công ty niêm yết trên sàn phát hành cổ phiếu cho cổ đông rồi dùng tiền đó mua một công ty khác với định giá cao ngất được giới đầu tư gọi là Back Door Listing, tức niêm yết cửa sau. Theo đó công ty được niêm yết trở thành một công cụ thu hút vốn từ các nhà đầu tư trên sàn để sau đó đổ tiền vào những doanh nghiệp khác không được niêm yết thông qua đầu tư góp vốn.
Vấn đề là những công ty được góp vốn có những mối quan hệ thiếu minh bạch với các cổ đông lớn của công ty niêm yết như đã nói, trong khi kết quả kinh doanh "bèo nhèo" so với mức định giá. Thậm chí có trường hợp công ty được mua vốn đăng ký góp còn chưa đủ.
Theo nguyên tắc kế toán, việc mua những công ty như trên sẽ tạo ra khoản lợi thế thương mại rất lớn cho công ty đi mua, tuy nhiên lợi thế thương mại này sẽ được phân bổ dần vào chi phí (trường hợp lỗ) trong 10 năm.
Một công ty trên sàn đi mua một công ty khác với mức giá khủng và chấp nhận lỗ, khoản lỗ này sẽ được hạch toán dần trong 10 năm, vì vậy gần như không gây chú ý nhiều cho nhà đầu tư, do đó doanh nghiệp có thể ít gặp phải sự thắc mắc hay phản đối từ các cổ đông nhỏ lẻ.
Chính vì vậy, một số ý kiến cho rằng chuẩn mực kế toán hiện nay cần có sự thay đổi theo chuẩn quốc tế, theo đó quy định lợi thế thương mại cần được đánh giá chính xác và hạch toán ngay vào cuối kỳ kế toán thay vì phân bổ dần vào chi phí trong 10 năm.
Khi đó, nếu công ty nào đẩy khống giá trị những công ty được mua lên thì phải ghi lỗ ngay lập tức vào báo cáo tài chính. Như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư, từ đó doanh nghiệp khó có thể thu hút thêm vốn trên thị trường niêm yết để thực hiện những chiến lược kinh doanh hay đầu tư gây thiệt hại cho cổ đông.
Làm được như vậy không chỉ giúp ngăn ngừa những hành vi đầu tư sai trái vào những doanh nghiệp định giá khống trên thị trường, mà còn góp phần tạo ra công cụ cho các cơ quan quản lý và giám sát thị trường tốt hơn, trong khi nhà đầu tư được cung cấp thông tin trung thực hơn.
Trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với nhiều rủi ro như hiện nay, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm thì việc thắt chặt các quy định giám sát thị trường, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, cũng như những chính sách kế toán phù hợp hơn càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.