Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi gia đình mở quán đã viết, vợ ông phải về tận nhà trong quê để đặt riêng dầu phụng không pha lẫn tạp chất, để dùng cho việc nấu các món Quảng Nam.
Mấy tô mì Quảng, cháo lòng thả mà không có dầu phụng đi kèm, thì nó là thứ mì, cháo của cả thiên hạ. Người Quảng ăn vào là chê ngay, nhất là mấy cái miệng bảo thủ dù xa quê nhưng vẫn biết rõ hương vị của dầu phụng, một thứ dầu ép nguyên chất từ hạt đậu phụng.
Đậu phụng là thứ nông sản rẻ tiền, vẫn trồng rất nhiều, nhưng người thành phố bây giờ phải ăn dầu công nghiệp của các hãng sản xuất. Thứ dầu quê, dầu phụng như bị tuyệt chủng, chẳng ai muốn mua vì ai cũng biết người làm dầu đã trộn vào đó nhiều thứ tạp khác để tăng lợi nhuận.
Nếu người ta trộn tạp chất vào chén yến sào thì đã đành, do lời quá không kìm được lòng tham, nhưng đến chai dầu phụng nấu ăn xuất xứ thôn quê bình dị cũng phải độn tạp chất thì hình như cái thói gian dối đã ăn sâu vào con người chân chất.
Vì cái sự "gian vặt" mà dầu phụng trở thành thứ không đáng tin, và ngay ở Đà Nẵng, Tam Kỳ cũng khó tìm được một quán mì thật chuẩn nhờ hương vị của dầu phụng, vì có ai muốn sử dụng loại dầu pha linh tinh mà giá đắt gấp ba lần một chai dầu công nghiệp?
Chuyện về mì Quảng và dầu phụng rất điển hình của lối làm ăn "không uy tín" của những người muốn khởi nghiệp nhưng không bỏ được thói "tham vặt", không giữ chữ tín, rồi lại đặt câu hỏi "không hiểu tại sao người ta khởi nghiệp thành công, còn mình thì nghèo hoài?".
Một người đưa thiết kế túi vải mang từ Nhật về cho một tiệm may ở Hội An, và đặt 30 chiếc để làm quà trong một cuộc họp. Vì thiết kế đặc biệt, người đặt hàng dặn dò phải cẩn thận không để lọt sản phẩm ra ngoài.
Thế nhưng đến ngày giao hàng, một cuộc điện thoại từ tiệm may thông báo đã may 100 chiếc, chủ hàng vô chọn đi, còn thừa cái nào thì tiệm sẽ đem bán! Người đặt hàng đành bấm bụng thanh toán luôn 100 túi, hạn chế mẫu thiết kế bị sao chép. Làm như vậy chứng tỏ người gia công sẵn sàng làm ăn với nhau... một lần, còn khách một đi không trở lại!
Cứ tưởng chuyện tương tự chỉ xảy ra với người làm ăn nhỏ, nhưng nó vẫn đang là chuyện hằng ngày với những đơn vị có thương hiệu. Các đơn vị thiết kế, hoặc tư vấn sợ nhất là bị khách hàng chơi "kèo trên", để cho đối tác lập toàn bộ dự án thiết kế, hoặc tư vấn, rồi phòng xét duyệt dự án đổ thừa cấp trên không duyệt, và đem thiết kế đưa cho đơn vị khác thực hiện để "quịt" tiền.
Sự gian dối, lừa đảo này là chủ trương của một đơn vị, chứ một phòng ban không thể làm nổi. Ngay với các doanh nghiệp tư vấn nước ngoài cũng bị các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đặt tư vấn quảng bá resort 4 sao rồi.. ôm đề cương và im lặng!
Một triệu phú Nhật Bản muốn tài trợ dự án y tế nên đã trực tiếp khảo sát tại một thành phố của Việt Nam. Đáp lại lời mời đối tác dự tiệc tối của ông này, những người Việt đi dự không đủ số lượng khách tham dự đã đăng ký, đến không đúng giờ, thái độ giao lưu suồng sã không đúng phép tắc xã giao của người Nhật. Dự án cần có hỗ trợ của một đại học uy tín, nhưng ông lại được giới thiệu vào một đại học dân lập vừa ra đời chưa đủ tiềm lực nhân sự.
Buồn nhất là khi chuẩn bị về nước, ông ấy bảo với các phiên dịch đã đi theo ông suốt một tuần thế này: "Tôi không thể triển khai các dự án này được. Những người đứng đầu về trách nhiệm mà không có phép tắc, không tôn trọng đối tác như vậy thì dự án sẽ không thể đạt được hiệu quả. Tôi xin lỗi!".
Một dự án quan trọng cho cộng đồng mà hỏng chỉ vì... thái độ không phép tắc của những người có trách nhiệm? Chuyện tưởng như đùa mà vẫn diễn ra. Ông người Nhật Bản không biết nhân vật "Cuội" trong văn học dân gian Việt Nam, nên không có bất cứ so sánh nào.
Nhưng còn chúng ta, không lẽ nào hình ảnh vô phép tắc, bất tín, nói dối cứ lan rộng, trở thành hình ảnh đậm nét trong những hành xử thường nhật? Nhưng trong một thế giới phẳng, cái xấu sẽ nhanh chóng bị lan truyền trên "bia miệng Google". Sự tẩy chay vì thế cũng gầp ngàn lần.
>Tiền chùa và tiền đi vay
>Người gian bây giờ… lịch sự
>Khẩu vị riêng
>Người ta chê người mình