Đội bảo vệ ông Abe đã phạm những sai lầm 'chí mạng'

Tùy Phong| 11/07/2022 01:08

Dù là lực lượng tinh nhuệ của Nhật, song đội an ninh bảo vệ ông Abe lại phạm nhiều sai lầm 'chí mạng' khi cựu Thủ tướng Nhật bị ám sát.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) ngày 9/7/2022 cho biết sẽ điều tra các sai sót trong công tác đảm bảo an ninh cho cựu thủ tướng Abe Shinzo sau khi ông bị ám sát 1 ngày trước đó. NPA cũng tuyên bố xem xét nghiêm túc việc các cận vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ ông Abe không thể ngăn chặn một tay súng áp sát và nổ liên tiếp 2 phát súng vào cựu thủ tướng.

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Nara trước khi bị ám sát, ngày 8/7/2022. Ảnh: CNN

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Nara trước khi bị ám sát, ngày 8/7/2022. Ảnh: CNN

Theo Nikkei, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo an toàn cho ông Abe là các sĩ quan cảnh sát an ninh (SP), đơn vị bảo vệ yếu nhân thuộc Sở cảnh sát đô thị Tokyo. Lực lượng này được cảnh sát Nhật xây dựng theo mô hình Mật vụ Mỹ, sau sự kiện cựu thủ tướng Takeo Miki bị thành viên một nhóm cực hữu hành hung trong đám tang người tiền nhiệm Eisaku Sato năm 1975.

SP được giao bảo vệ Thủ tướng Nhật và các cựu thủ tướng, bộ trưởng, chánh án Tòa án Tối cao, Chủ tịch Thượng và Hạ viện, thống đốc Tokyo, quan khách nước ngoài như nguyên thủ và đại sứ, cũng như khách quý được chỉ định bởi giám đốc NPA. Đây là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của cảnh sát Nhật, với tiêu chuẩn đầu vào rất khắt khe.

Họ phải cao trên 1,73 m, đạt đai đen tam đẳng trong ít nhất một môn võ và phải có khả năng bắn súng thuần thục. Sĩ quan SP làm nhiệm vụ mặc thường phục và mang áo chống đạn, được trang bị vũ khí đạt chuẩn của NPA, gồm súng ngắn ổ quay S&W Model 37 hoặc bán tự động SIG P230, cùng dùi cui, đèn pin và bộ đàm. Một số người sử dụng những loại súng ngắn khác như Beretta 92, Glock 17 và HK P2000.

Tuy nhiên, vụ ám sát ông Abe cho thấy lực lượng này vẫn tồn tại nhiều hạn chế và sai sót trong công tác đảm bảo an ninh.

Các sĩ quan Cảnh sát An ninh Nhật Bản trong một cuộc huấn luyện. Ảnh: Kantei.

Các sĩ quan Cảnh sát An ninh Nhật Bản trong một cuộc huấn luyện. Ảnh: Kantei.

Mắc ít nhất 4 sai lầm

Thông qua phân tích video hiện trường, giới chuyên gia an ninh đã chỉ ra các sai lầm của đội an ninh bảo vệ ông Abe. Theo đó, chính những sai lầm này đã cho phép Tetsuya Yamagami dễ dàng tiếp cận từ phía sau và nã liên tiếp 2 phát súng vào cựu thủ tướng.

"Sai lầm đầu tiên là không lập hàng rào ngăn ông Abe với đám đông. Cách này đôi khi không thể làm được nếu yếu nhân muốn tiếp xúc với đám đông, nhưng các cuộc phát biểu của VIP thường cần được bảo vệ bởi hàng rào vật lý hoặc hàng rào cận vệ, để răn đe và cản các mối đe dọa tiềm ẩn", chuyên gia an ninh Tom Rogan viết trên Washington Examiner.

Sai lầm thứ hai là sĩ quan chỉ huy - người quản lý nhóm cận vệ, đứng quá xa ông Abe, dù là người có trách nhiệm che chắn và sơ tán yếu nhân khi bị tấn công. Các thành viên khác trong đội đáng lẽ cũng phải ở gần cựu thủ tướng để che chắn. "Nếu làm vậy, họ đã bảo vệ được ông ấy khỏi phát đạn chí mạng", Rogan nhận xét.

Sai lầm thứ ba là nhiều sĩ quan cận vệ đã thể hiện sự lưỡng lự rõ ràng. Nghi phạm tiếp cận ông Abe từ phía sau, đứng cách 5 mét và nổ phát súng đầu tiên. Ông Abe lúc này dường như không trúng đạn, quay lại nhìn về phía tiếng nổ, trong khi các cận vệ dường như cũng giật mình. Chỉ đến khi nghi phạm nổ phát súng thứ hai khiến ông gục xuống, các cận vệ mới lao vào quật ngã Yamagami.

Trong vụ ám sát ông Abe, 2 cận vệ đã phản ứng bằng cách lao ra chắn giữa ông và tay súng, song họ hành động đơn độc. "Hai sĩ quan thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời khi lao vào làn đạn, nhưng chỉ hai người tìm cách cản phát đạn thứ hai, cũng như hỗ trợ ông Abe sau khi phát hiện ông ngã gục. Ít nhất 7 giây trôi qua từ khi nghi phạm nổ phát súng đầu tiên đến khi cận vệ tiếp cận ông ấy", Rogan nói, đánh giá sai lầm thứ tư của các cận vệ là hành động quá chậm.

Ảnh chụp camera cho thấy

Ảnh chụp camera cho thấy Tetsuya Yamagami (áo xám, đeo khẩu trang) đứng vỗ tay ngay sau lưng ông Abe, trong khi không ai cố gắng ngăn y lại.

Theo Rogan, "mật vụ Mỹ, Cơ quan An ninh Ngoại giao và lực lượng cận vệ thuộc Đơn vị Điều tra Hình sự Lục quân Mỹ luôn đào tạo nghiệp vụ rất kỹ để loại bỏ sự lưỡng lự". "Họ được huấn luyện để xây dựng phản xạ cơ bắp chuyên đối phó với các mối đe dọa. Điều này cho phép họ lập tức phản ứng theo các kịch bản được huấn luyện khi xảy ra hỗn loạn, thay vì đứng một chỗ suy nghĩ về hành động tiếp theo", vị chuyên gia an ninh người Mỹ cho hay.

Trên thực tế, vào năm 1992, cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng bị một người biểu tình tiếp cận khi dự sự kiện ở Las Vegas. Các đặc vụ mất 4 giây để vây lấy ông, nhưng Mật vụ Mỹ vẫn coi đây là thất bại an ninh nghiêm trọng.

Lỗ hổng lớn trong công tác an ninh

Theo các video hiện trường, những sĩ quan SP đã đứng xung quanh khi ông Abe phát biểu trước đám đông hàng trăm người tại một giao lộ ngoài ga tàu điện, nhưng không có động thái cấm đường hay hạn chế giao thông nào. Trong lúc ông phát biểu, xe buýt, xe tải vẫn thoải mái chạy ở con phố ngay sau lưng ông. Khi một chiếc SUV di chuyển qua trước mặt cựu thủ tướng, người bên trong xe có động tác vẫy tay đầy hào hứng, nhưng các cận vệ không có bất kỳ phản xạ nào.

Chỉ đến khi Tetsuya Yamagami nổ phát súng khiến ông Abe gục xuống, cận vệ mới lao vào quật ngã hắn. Không một khiên chắn đạn nào được triển khai trong suốt quá trình này. "Bất kỳ ai cũng có thể bắn ông Abe từ khoảng cách đó. Tôi nghĩ lực lượng an ninh quá mỏng", Masazumi Nakajima - cựu thám tử cảnh sát Nhật, cho hay.

"Mục tiêu cần được bao bọc từ mọi hướng. Rất tồi tệ nếu điều này không được thực hiện triệt để", Koichi Ito - chuyên gia bảo vệ yếu nhân, nêu quan điểm. Theo Nikkei, giới chức NPA từ chối công bố số lượng và vị trí triển khai lực lượng bảo vệ ông Abe, với lý do điều này có thể ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an ninh trong tương lai.

do-i-an-ninh-ba-o-ve-o-ng-abe-da-pha-m-n

"Bảo vệ yếu nhân tại Nhật dường như xoay quanh việc đối phó với các vũ khí lạnh như đao kiếm và dùi cui. Trong khi đó, cận vệ châu Âu và Mỹ được huấn luyện kỹ càng để phát hiện những vật thể nghi vấn, cũng như giám sát cử động tay của người xung quanh để đề phòng những vụ nổ súng. Tôi nghĩ luật súng đạn nghiêm ngặt ở Nhật khiến họ không đề phòng đầy đủ với loại vũ khí này", Hideto Osanai - quan chức Hiệp hội Vệ sĩ Quốc tế, nhận định.

Theo Rogan, "thất bại của lực lượng cận vệ trong vụ ám sát ông Abe thể hiện tầm quan trọng của duy trì các quy tắc bảo đảm an ninh". "Một cựu tổng thống Mỹ có thể sống sót nếu đối mặt với tình huống tương tự. Trong trường hợp này, những sai lầm chỉ trong vài giây ngắn ngủi đã đi vào lịch sử", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ông Abe Shinzo lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 ở tuổi 52 - người trẻ nhất từng đảm nhiệm công việc này ở Nhật. Tại thời điểm nhậm chức, ông được coi là biểu tượng của tuổi trẻ và sự thay đổi. Ngày 8/7/2022, ông bị ám sát khi đang phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) trên một con phố đông đúc ở thành phố Nara, miền tây Nhật Bản. Ông qua đời chiều cùng ngày tại Bệnh viện Đại học Y Nara do vết thương quá nặng.

Kẻ đã nã hai phát súng vào cựu thủ tướng là Tetsuya Yamagami 41 tuổi. Cảnh sát Nhật Bản đã mở cuộc điều tra sâu rộng sau khi Yamagami thừa nhận đã bắn ông Abe. Thông tin về quá khứ nhiều hận thù của người đàn ông này cũng dần được hé lộ qua lời khai của Yamagami tại cơ quan điều tra và lời kể của những người quen biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đội bảo vệ ông Abe đã phạm những sai lầm 'chí mạng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO