Đọc sách là sở hữu túi khôn của nhân loại

Thực hiện: Nguyễn Loan| 09/10/2020 06:14

Đọc sách nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là đọc sách đúng, sách sáng". Đó là quan niệm của nhà giáo dục - doanh nhân Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE.

Đọc sách là sở hữu túi khôn của nhân loại

* Là người khởi xướng nhiều chương trình đọc sách, tặng sách, giải thưởng cho sách, ông đánh giá thế nào về văn hóa đọc của người Việt, trong đó có doanh nhân? 

- Một trong những dự án đầu tiên của tôi liên quan đến sách đó là khởi xướng và xây dựng “Tủ sách Doanh trí” cho doanh nhân và doanh nghiệp (DN) từ những năm 2006. Mục tiêu của dự án này đưa những cuốn sách kinh điển về quản trị và kinh doanh của thế giới được mua bản quyền, biên dịch và xuất bản chính thống tại Việt Nam. Từ đây những cuốn sách “gối đầu giường” của doanh nhân toàn cầu thì doanh nhân Việt Nam mình cũng có để “gối đầu giường”.

Nói là doanh nhân Việt ít đọc sách thì không hẳn, mà phải nhìn nhận từ góc độ lịch sử (trước đây hầu như không có sách để đọc); Bây giờ ngược lại, quá nhiều sách thì người đọc lại rơi vào mớ bòng bong “vàng thau lẫn lộn”, không biết nên đọc sách nào. So với mặt bằng chung, người Việt Nam ít đọc sách hơn nhiều quốc gia khác. Thực tế chỉ ra rằng: Sách bán chạy chưa chắc đã hay, sách hay chưa chắc bán chạy. Vì vậy, chúng ta cần hình thành những “màng lọc” về sách để giúp công chúng có thêm kênh chọn lọc những cuốn sách hay, đáng để đọc. 

*“Màng lọc” ở đây ý ông muốn nói đến những người làm sách?

- Ngay trong bản thân người làm sách cũng rất nhiều hình thái. Hơn 15 năm trước, trong một bài viết, tôi có tạm chia thành 5 “thể loại” làm sách: Đầu nậu làm sách (chuyên ăn cắp bản quyền, bán sách giả); Con buôn làm sách (làm sách chỉ vì tiền, sách nào bán chạy thì làm bất kể tốt xấu, dù có thể không làm giả); Doanh nhân làm sách (chỉ làm sách có bản quyền, có lương tâm, từ chối làm những sách độc hại cho xã hội, dù biết những sách đó có thể bán chạy); Nhà giáo dục làm sách (không chỉ kinh doanh sách có lương tâm mà còn làm sách gắn liền với các mục tiêu giáo dục cụ thể); Nhà văn hóa làm sách (làm sách với tầm nhìn góp phần hình thành nền tảng tri thức văn hóa mới cho cả xã hội, hướng tới một thời đại mới văn minh, tiến bộ hơn).

* Vậy thì đọc sách cũng chia thành nhiều loại? 

- Có nhiều kiểu đọc sách: Đọc để biết; Đọc để học; Đọc để làm; Đọc để phát triển năng lực văn hóa, năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn; hay Đọc để giải trí; Và thậm chí đọc chỉ để chém gió, để chứng tỏ với mọi người…

Con người muốn được khai minh, khai sáng thì không thể không đến với sách. Đọc sách có thể ví như việc đưa được những người thầy vĩ đại bậc nhất về tận nhà của mình để dạy cho mình kể cả lúc nửa đêm gà gáy với mức học phí có khi chỉ bằng vài tô phở. Internet nhiều thông tin và tri thức miễn phí nhưng không hẳn là cái nào cũng tinh hoa, muốn có được nhiều giá trị tinh hoa phải đọc sách có chọn lọc. Tại sao có người thay đổi cả cuộc đời chỉ bằng một vài cuốn sách, cũng có người đọc thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn không khá được? 

Nên có lẽ, việc đọc sách gì và đọc để làm gì mới là điều quan trọng. Đọc sách sáng thì sẽ sáng, đọc sách tối thì dù đọc nhiều cũng không sáng được mà còn u mê thêm. Và mục đích đọc cũng quan trọng: Đọc để biết, đọc để sống, đọc để trở thành. 

Ví dụ như, có một cuốn sách mà tôi vẫn thường giới thiệu cho doanh nhân đọc là cuốn “7 thói quen hiệu quả” của Stephen R. Covey. Có thể nói không ngoa rằng đây là một cuốn sách vĩ đại dành cho mọi người, mọi tầng lớp xã hội. Nếu muốn biết đâu là những thói quen làm cho mình ít hiệu quả và đâu là những thói quen giúp mình hiệu quả hẳn lên thì rất nên đọc cuốn sách này. Nhưng để chỉ biết thôi thì chưa đủ mà cần phải thực hành để hình thành những thói quen hiệu quả này cho bản thân. Và khi chúng ta sống với những thói quen này đủ lâu thì sẽ giúp chúng ta trở thành con người hiệu quả bền vững. Văn hóa “thực đọc” và “thực học” là hướng tới mục đích cao nhất, khó nhất và thiêng liêng nhất, đó là đọc để học, để sửa mình. 

Khi doanh nhân coi việc đọc sách hay, sách quý là để sở hữu túi khôn của nhân loại thì có thể đứng trên vai những người khổng lồ; Nhất là những cuốn sách giúp hình thành tầm vóc văn hóa và tầm vóc lãnh đạo. Từ đó có thể đúc kết công việc của người lãnh đạo cần làm, nên làm và trở thành những nhà lãnh đạo tầm vóc.

* Có nên khuyến khích doanh nhân viết sách không, thưa ông? 

- Tôi cho rằng viết sách không phải là đặc quyền của giới thức giả hay của riêng ai. Và viết sách là sở thích là quyền tự do của mỗi người, ai cũng có thể viết, doanh nhân cũng vậy. Thế nhưng, mỗi người mỗi nghề, kinh doanh mới là việc chính của doanh nhân, viết sách có thể là nghề tay trái, là sở thích, là niềm hạnh phúc. Thực tế có nhiều doanh nhân lớn trên thế giới viết ra những cuốn sách rất hay, bán rất chạy. Đa số họ chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau chứ đôi khi không quá nặng yếu tố chuyên môn hay tính học thuật trong các tác phẩm đó. Thông thường, doanh nhân viết sách ở vào những thời điểm đã đạt được độ chín nào đó trong sự nghiệp. Thế nên sách của họ vừa có động lực truyền cảm hứng vừa mang tính hồi ký đúc kết lại một chặng đường đời. Tôi thiết nghĩ viết sách là điều nên làm nhưng đừng đánh đồng việc này như một phong trào.

Nói đến giá trị truyền cảm hứng từ việc đọc sách có vẻ như mơ hồ thưa ông?

- Ngược lại, nó tác động rất lớn đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của con người. Khi khởi xướng "Tủ sách cho trại giam", tôi đã nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nhân. Đối với những người phạm tội, khi bị cách ly khỏi xã hội, trại giam không chỉ là nơi trừng phạt mà còn là nơi giáo dục con người. Do đó, sách là người thầy vô cùng hữu ích. Sách về pháp luật, sách nấu ăn, sách về tình yêu cuộc sống... được phạm nhân đón nhận ngoài sức tưởng tượng. Tôi đã xem những clip phát sóng trên tivi, thật sự xúc động. Có phạm nhân nói những cảm nhận rất thật: "Lâu không đọc sách không ngờ lại có những cuốn sách sách hay như vậy". Người thì tâm sự: "Hay dở gì chưa biết nhưng sách giúp chúng tôi cảm thấy gần gũi với cuộc sống, cảm giác rút ngắn được thời gian cải tạo". Vĩ nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai. Phạm tội không phải là chấm hết. Họ mắc sai lầm mà biết đứng lên làm lại cuộc đời là điều đáng quý. Chúng ta cần chung tay giúp đỡ để khi trở về họ có thêm kiến thức, niềm tin hòa nhập cộng đồng. 

Là tác giả cuốn sách “ Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” khá ăn khách trong suốt thời gian dài, ông cho biết lý do mà sách phát hành được tới hàng trăm ngàn bản?

- Tôi nghĩ, có lẽ cuốn sách đã chạm đến một số vấn đề căn cốt của nhân sinh mà những ai trăn trở, suy tư cũng quan tâm. Tôi lại mượn đôi lời đã chia sẻ trong cuốn sách: Có rất nhiều lý do, mỗi người sẽ chọn một cách lý giải, một cách giả mã riêng tùy theo góc nhìn của mình. Và “Đúng việc”, “Sai việc” cũng như chuyện định nghĩa lại mọi thứ để tìm về bản chất và chân giá trị cho mọi vấn đề là góc nhìn và cách tiếp cận tôi chọn cho mình ở trong cuốn sách này. Mục đích cuối cùng trong cuốn sách là để gợi mở, tranh luận chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra các câu hỏi nhằm tìm kiêm câu trả lời chứ không phải khẳng định một chân lý.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc sách là sở hữu túi khôn của nhân loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO