Trong đại dịch Covid-19, anh cũng là hình ảnh của một doanh nhân trẻ luôn nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng và được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn trong Top 10 "Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021".
Doanh nhân Đặng Hồng Anh, hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: "Tôi và gia đình theo đạo Phật nên việc chia sẻ với cộng đồng, sống có trách nhiệm với xã hội, với những người khó khăn đã ngấm vào máu. Quan niệm sống của tôi là làm việc tử tế thì điều tử tế cũng sẽ đến. Mỗi ngày, nhìn thấy còn rất nhiều người khó khăn xung quanh mình, tôi luôn suy nghĩ phải làm gì, cần làm gì, có thể làm gì để giúp họ. Chỉ cần mình cố gắng một chút là giúp thêm được một người đỡ khổ... Cứ thế, việc này cuốn việc kia, giúp được càng nhiều người, tôi lại muốn giúp thêm nhiều người khác nữa".
* Đó là trách nhiệm với cộng đồng trong đại dịch, còn trách nhiệm của anh với cộng đồng doanh nhân với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ...
- Ông Đặng Hồng Anh: Sau đại dịch là giai đoạn doanh nghiệp "hồi phục" sức khỏe để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn này, đóng góp mà tôi cho rằng hết sức quan trọng là đã đề xuất cho lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành ý tưởng ứng phó với đại dịch. Đặc biệt, với vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phản ánh các nhu cầu, nguyện vọng của doanh nhân trẻ đối với các cấp có thẩm quyền về những vướng mắc khó khăn như việc cho phép lùi thời hạn trả nợ gốc và lãi khoản vay đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.
Hay việc đề xuất Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đủ điều kiện thêm 6 tháng đến hết ngày 30/4/2022. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh tác động của đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ thi công của các dự án.
* Phong trào khởi nghiệp đang trở thành động lực cho nhiều bạn trẻ dấn thân vào con đường kinh doanh. Khó khăn nào lớn nhất mà các bạn đang phải đối mặt, theo anh?
- Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện nhờ các nỗ lực của Chính phủ đã tạo tiền đề và cơ hội thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khó cạnh tranh được khi doanh nghiệp nước ngoài đã có thời gian phát triển, mạng lưới quan hệ, đối tác rộng khắp thì doanh nghiệp nội địa sẽ mất dần thị trường.
* Có nghĩa là các startup đang cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ?
- Đúng. Trước hết, cần đầu tư để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện mà ở đó, các cơ chế, chính sách cho khởi nghiệp cần phải được thông thoáng, tạo điều kiện để khuyến khích và thu hút người tài, tránh tình trạng "chảy máu chất xám".
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ban hành hướng dẫn cụ thể cho việc vận hành các quỹ đầu tư và khởi nghiệp; đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những khoản đầu tư của doanh nghiệp hay cá nhân vào khởi nghiệp.
Thứ ba, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất sắc.
Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, thổi vào thanh niên và sinh viên khát vọng lập thân, lập nghiệp và ý chí làm giàu vì một Việt Nam ngày một phát triển và hội nhập; phát động nhiều chương trình, chiến dịch để khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm và trách nhiệm cộng đồng của thanh niên như chiến dịch "Tôi yêu Tổ quốc tôi" với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực.
Thứ năm, tổ chức được nhiều hơn hoạt động, chương trình phối hợp với đoàn trường giúp nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên thay vì việc hiện nay các em chỉ biết học và học nhưng thiếu rất nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Thứ sáu, nhân rộng mô hình các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên và học sinh để các em có thể thể hiện bản thân mình, khuyến khích sự sáng tạo trong thanh niên và học sinh.
* Được xem là người truyền cảm hứng cho các startup trẻ, nếu gửi đến các bạn một câu truyền cảm hứng, anh sẽ truyền đạt điều gì?
- Tuổi trẻ luôn gắn liền với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và không ngừng học hỏi để biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng các bạn cần biết mình là ai, đang ở đâu trong thế giới rộng lớn này và khả năng của mình đến đâu để nỗ lực học hỏi và kiên trì không bỏ cuộc. Sự kiên trì và quyết tâm chính là chìa khóa cho mọi chiến thắng, dù là trong khởi nghiệp hay trong lĩnh vực khác.
Việc nỗ lực không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức, liên tục đổi mới sáng tạo trong quản trị và điều hành doanh nghiệp cũng như sản xuất kinh doanh không chỉ tạo ra được nhiều sản phẩm, dịch vụ mang tính cạnh tranh cao, mà đó còn là tiền đề để tiến tới xây dựng được nhiều thương hiệu vươn tầm khu vực và quốc tế. Muốn vậy, ngay từ khi khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải nắm bắt và tận dụng thời cơ để đưa ra được những chiến lược cụ thể, mục tiêu rõ ràng cho doanh nghiệp mình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra và bắt kịp với tốc độ thay đổi nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0.
* "Trong nguy có cơ” là câu nói mà nhiều doanh nhân đã đúc kết sau giai đoạn khó khăn chung vừa qua, chắc anh cũng đúc kết được một điều gì đó?
- Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần vượt khó không bỏ cuộc, đặc biệt là đã thể hiện được sức bền và sự kiên trì chống chịu trước mọi thử thách, khó khăn. Trong số đó, cũng rất buồn vì nhiều doanh nghiệp lại không trụ được và phải tạm "chia tay" đồng đội.
Riêng Tập đoàn TTC, suốt thời gian vừa qua cũng đã thể hiện được sự kiên trì, ý chí vượt qua khó khăn thông qua việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại hầu hết lĩnh vực. Đơn cử như việc TTC vận hành thương mại ba nhà máy điện gió tại Gia Lai, Tiền Giang, Bến Tre với tổng công suất 130MW theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm tròn trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Tôi ngộ ra, nếu trong "nguy" mà chúng ta bình tĩnh, kiên trì, có nội lực đủ mạnh và một chiến lược xoay trở, thích ứng tỉnh táo thì vẫn có nhiều "cơ hội". Nhờ tầm nhìn dự báo sớm được khó khăn nên từ đầu năm 2019, TTC đã tái cấu trúc mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc đó thì trước những cơn khủng hoảng như hiện nay, chỉ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng chứ không suy kiệt.
Với chiến lược đã dự báo cùng với việc mở rộng kinh doanh, TTC không chỉ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn phát huy lợi thế về quy mô của một doanh nghiệp, góp phần tăng mức độ nhận diện thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, chiến lược này còn giúp TTC giảm bớt, san sẻ rủi ro khi một ngành, một lĩnh vực kinh doanh trong hệ sinh thái đa ngành gặp phải sự cạnh tranh, hoặc những khó khăn nhất thời...
* Nhưng việc mở rộng kinh doanh đa ngành cũng sẽ có khó khăn...
- Đúng. Không có chiến lược kinh doanh nào là tối ưu và thuận lợi 100%. Chiến lược mở rộng kinh doanh đa ngành cần phải rất thận trọng và phải phù hợp, gắn liền với hình thức kinh doanh cốt lõi của mình; phải có bộ máy quản trị, kiểm soát điều hành các hoạt động kinh doanh một cách chặt chẽ và khách quan để có thể quản lý hiệu quả theo ngành dọc...
* Gần đây nhất, anh đã tham gia gầy dựng AI.CARE nhưng đây không phải dự án kinh doanh...
- Với vai trò và sứ mệnh của một doanh nhân, đặc biệt là thế hệ doanh nhân trẻ tiên phong trong mọi hoạt động, luôn đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần tạo đà cho nền kinh tế phát triển, chúng tôi không chỉ trăn trở về sự phát triển của kinh tế đất nước mà còn quan tâm đến sức khỏe của mỗi người dân Việt Nam. Do đó, chúng tôi mong muốn đóng góp bằng sức lực, trí tuệ của mình giúp cho mỗi người dân nhanh chóng vượt qua nỗi lo âu sức khỏe này.
AI.CARE - trợ lý sức khỏe thông minh với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ theo dõi và quản lý các chỉ số sức khỏe hằng ngày, không những giúp mỗi cá nhân an tâm có một trợ lý sức khỏe của riêng mình mà còn là định hướng của DHA GoTRUST hướng đến phát triển một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe và dịch vụ chất lượng, toàn diện và thiết thực, dựa trên nền tảng công nghệ số được cá nhân hóa nhằm tạo quyền chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.
Chúng tôi cũng ký kết hợp tác chiến lược với Fullerton Health - tập đoàn quốc tế về chăm sóc sức khỏe y tế. Đây là dịch vụ hứa hẹn sẽ tạo sự đột phá và là giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho việc mở cửa lại ngành du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
* Sau biến cố gia đình cách đây gần 10 năm, anh có thay đổi nào về quan điểm quản trị...
- Những biến cố đã trôi qua, nhìn thấy sự quyết tâm và nghị lực, tinh thần "không bỏ cuộc" và sẵn sàng đứng lên, làm lại của ba mẹ (doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc), tôi thấy mạnh mẽ hơn, tự xốc lại tinh thần. Ba tôi luôn động viên: "Dù thế nào cũng không được từ bỏ những điều mong muốn làm, phải có tinh thần cầu tiến và đặt niềm tin vào ngày mai sẽ tươi sáng hơn".
Qua biến cố, tôi rút ra được bài học: phải nắm quyền chi phối một cách tuyệt đối để đảm bảo an toàn trong điều hành doanh nghiệp. Phải xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự chân thành để khi khó khăn sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy. Song bài học lớn nhất và cũng là giá trị lớn nhất mà tôi thấm được, đó là gia đình. Chưa bao giờ tôi cảm nhận tình yêu thương, sự gắn bó thiết thân của mỗi thành viên trong gia đình lại giúp tôi có thêm sức mạnh tinh thần, sự động viên, ấm áp và mạnh mẽ như thế.
* Nhưng chắc chắn còn một bài học kinh nghiệm về quản trị mà anh sẽ học được từ ba mình?
- Tôi thấy mình may mắn vì kế thừa và học ở ba cách nghĩ, kinh nghiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp, nghị lực và tác phong làm việc. Tôi học từ mẹ sự tỉ mỉ, chu toàn trong mọi việc. Ba là một người rất nghiêm khắc, nghiêm khắc với chính bản thân mình, với đội ngũ nhân sự. Và đặc biệt với anh em chúng tôi - lớp kế cận, ba càng nghiêm khắc hơn rất nhiều với mong muốn gầy dựng nên những doanh nghiệp có tầm khu vực, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong phương pháp quản lý, ba tôi luôn khuyến khích phản biện và cho tranh luận thoải mái. Nhưng để đi đến thống nhất và ra được quyết định thì cần có quá trình thảo luận để các thành viên đều được giải tỏa tâm lý và cảm xúc. Ba tôi luôn tạo mọi điều kiện để các thành viên nói ra suy nghĩ của mình. Và đây cũng là phương pháp mà tôi đã học hỏi và áp dụng cho đội ngũ nhân sự của mình.
* Dưới cái bóng lớn của ba mẹ, anh có thấy áp lực...
- Dù bóng của ba mẹ rất lớn nhưng tôi không bị áp lực. Có chăng là khi thành công thì nhiều người cho rằng nhờ ba mẹ mà có được. Còn lỡ thất bại thì tôi cảm thấy áp lực vì chưa xứng đáng với những gì ba mẹ đã làm, chưa làm được điều ba mẹ mong muốn và áp lực lớn nhất vẫn là với nhân viên và với chính bản thân mình.
* Thời đại công nghệ, cạnh tranh thương trường, cuộc sống hiện đại cũng khiến con người sống vội hơn, quan niệm của anh về giá trị sống?
- Với tôi, điều quan trọng nhất của mỗi người là phải tìm được niềm vui, ý nghĩa, mục đích sống, phải tìm được giá trị của chính mình và niềm vui trong vòng quay của cuộc sống và công việc. Thế hệ doanh nhân đi trước thường chỉ lao vào công việc, ít có thời gian dành cho bản thân và gia đình nhưng hiện tại, tư duy và cách sống đó thay đổi nhiều, nhất là doanh nhân trẻ.
Điều quan trọng nhất là phải cân bằng, hài hòa được các mục tiêu trong cuộc sống, tránh để công việc làm chúng ta bỏ quên gia đình, sức khỏe thể chất, tinh thần và đời sống riêng...
* Hạnh phúc lớn nhất của anh lúc này?
- Đó là mỗi khi về nhà được nghe tiếng cười đùa của hai con, sự ân cần chăm sóc từ người vợ lắng nghe chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống, hay cuối tuần cả gia đình cùng ra sân đánh golf...
Gia đình tôi vốn có truyền thống yêu thích thể thao. Ba đã đưa tôi đi chơi quần vợt từ lúc tôi 10 tuổi. Ba lý giải đam mê thể thao sẽ hạn chế những cám dỗ khác ngoài xã hội. Vì thế, tôi cũng rất mê thể thao và đã chinh phục thành tích cao nhất tại các giải thi đấu golf.
Ngoài ra, điều mà tôi nể trọng, tự hào, chắc là hiếm có trong giới doanh nhân ở Việt Nam, đó là ba đã xây dựng được văn hóa gia đình yêu thương, đoàn kết và hạnh phúc. Gia đình tôi có những hình ảnh, văn hóa gia đình sum vầy rất đặc biệt. Tôi luôn tâm niệm, những điều tốt đẹp nhất cần được duy trì và phát huy. Gia đình lớn sẽ là bản sao hoàn hảo cho gia đình nhỏ và đây cũng là động lực để tôi phấn đấu, làm gương cho con cái của mình. Tôi cũng đang giữ gìn truyền thống này cho đời con cháu chúng tôi nữa.
* Nhiều người cho rằng, đến sân golf không chỉ là để thể thao mà còn là nơi để... quan hệ kinh doanh?
- Chính xác. Sân golf không chỉ là nơi để thư giãn, rèn luyện sức khỏe mà còn có thể tạo dựng mối quan hệ cũng như trao đổi về công việc kinh doanh. Và đây còn là môn thể thao mà tôi thực sự đam mê. Khi tham gia thể thao một cách chuyên nghiệp, mình sẽ hoàn thiện được tư duy vận hành cuộc sống. Vào một trận đấu phải nhìn đối thủ của mình ra sao, đeo bám chiến thuật thế nào và quan trọng nhất là bỏ cuộc xem như thất bại. Golf là môn thể thao nâng cao trí lực, giúp cho tôi khá nhiều thuận lợi khi chuyển sang kinh doanh vì những điểm tương đồng như sự khổ công, ý chí, bản lĩnh và thủ thuật chiến đấu, nghiên cứu từng chiến thuật khác nhau cho từng đối thủ khác nhau. Tố chất của một vận động viên là không bỏ cuộc và điều này cũng đã góp phần mang lại thành công trong công việc kinh doanh của tôi.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị và cởi mở.