Doanh nhân Trần Văn Mười: Văn hoá gia đình tạo nên văn hoá quốc gia

Lữ Ý Nhi| 30/06/2022 01:56

Trong cuộc đời, doanh nhân sẽ phải trải qua ít nhiều khủng hoảng, khó khăn khiến họ rối trí. Khi có một gia đình hạnh phúc, doanh nhân sẽ có thêm sức mạnh tinh thần, sự bình yên để vượt qua giông bão và bước tới".

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười đã chia sẻ như vậy trong buổi trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn. 

Theo ông, khi có gia đình, doanh nhân sẽ nhận thức được mục tiêu và động lực làm việc. Ông nhấn mạnh: "Gia đình là nguồn sức mạnh để doanh nhân vượt qua mọi trở ngại. Một trong những yếu tố để gia đình trở thành điểm tựa cho doanh nhân vững bước trên con đường kinh doanh, đó là ngoài tình thương yêu, trách nhiệm, các thành viên trong gia đình phải có sự thông hiểu, tin tưởng và sẻ chia".

* Ông dành thời gian cho gia đình và các con thế nào?

- Là người coi trọng văn hóa truyền thống, tôi xem văn hóa gia đình là yếu tố quan trọng để tạo nên văn hóa quốc gia. Vậy nên, tôi luôn dành những ngày nghỉ cuối tuần để sum họp, ăn uống, đi chơi, trò chuyện và thư giãn cùng vợ và các con.

Những buổi như thế, ngoài chuyện hỏi thăm, sẻ chia rất nhiều thứ cùng nhau, tôi còn dạy các con phải sống đạo đức, có hiếu thuận với gia đình, ông bà, cha mẹ. Tôi có thể để lại cho con của cải và nhiều thứ vật chất khác, nhưng nếu không dạy con văn hóa, không dạy lễ nghĩa, đạo đức, không dạy con sống có ý chí thì của cải dẫu có nhiều đến mấy cũng sẽ dần dần ra đi.

* Nhiều doanh nhân cho rằng, càng lên đỉnh của sự thành công thì càng cô đơn, ông có nghĩ như thế?

- Chọn con đường trở thành doanh nhân, chắc chắn sẽ đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn, cả thất bại và nhiều áp lực khác. Nhưng có một thử thách còn lớn hơn thế mà doanh nhân phải chịu đựng, đó là nỗi cô đơn.

Ví dụ, ngay khi chọn con đường kinh doanh cho riêng mình thay vì tìm việc nào đó an phận hơn nơi công sở, thoải mái vô ưu thì tất cả người thân, bố mẹ, anh chị em, có khi cả họ hàng, bè bạn đều tỏ ra lo lắng, hoài nghi, có khi còn cho rằng mình đi sai đường. Không ai hiểu và chia sẻ. Khi đó, sự lẻ loi đơn độc trên hành trình khởi nghiệp chính là nỗi cô đơn. 

Tiếp theo sự "cô đơn" là hành trình bắt đầu từ con số 0, dò dẫm, tròng trành như con thuyền đi giữa biển khơi. Kể cả khi thành công vẫn cảm thấy cô đơn vì rất nhiều tình huống khác phải đối mặt. Khi ở đỉnh cao của sự thành công, doanh nhân còn bị bao vây bởi những mối quan hệ. Dù có nhiều đối tác, bè bạn nhưng nếu chỉ là những mối quan hệ xã giao thì cũng sẽ làm mình cô đơn.

-1163-1656303138.jpg

* Ông quan niệm thế nào về sự thành công, giàu có? Dân gian có câu: "Có tiền mua tiên cũng được", ông có thấy đúng?

- Tôi rất tâm đắc lời dạy của Đức Phật: "Tri túc (biết đủ) mới là sự giàu có thật sự chứ không phải nhiều tài sản". Tài sản cá nhân không phải dùng để đo lường sự giàu có của một người. Chúng ta ai cũng phải ăn, phải sống và có các nhu cầu của cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là khi chúng ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên hết thì sẽ quên mất mục tiêu quan trọng nhất của đời mình. Vì vậy, mình phải dọn dẹp bớt những thứ bừa bộn, cản trở khiến mình bị tắc nghẽn trên đường hướng đến mục đích quan trọng của đời mình như sức khỏe, tình thân gia đình, đóng góp phần mình cho cộng đồng.

Tiền tài có thể giúp chúng ta có điều kiện sống tốt hơn, giúp được nhiều người hoặc làm cái này cái kia, hay giúp cho công ty phát triển tốt hơn, nhưng có tiền không phải mua được tất cả. Ví dụ tình cảm chân thật thì không thể mua bằng tiền, hay văn hóa của mỗi quốc gia, của mỗi con người cũng không thể mua được bằng mọi giá. 

* Ông có ngại khi ai đó nói mình giàu. Quan điểm của ông về sự giàu có? Liệu nhiều tiền có làm thay đổi con người, chẳng hạn như thay đổi  tính cách, nhân cách...

- Thực tế cuộc sống cũng có không ít người bị đồng tiền làm thay đổi nhiều thứ. Có người vốn xưa nay giản dị, hòa đồng, nhưng khi có tiền lại trở nên quan cách với mọi người. Có người bị đồng tiền làm thay đổi cả nhân cách, lý trí, tình cảm... Quan điểm của tôi, đồng tiền chỉ là phương tiện sống. Vật chất, tiền bạc chỉ là bề nổi, không làm nên "giá trị thật" của con người. Giá trị thật của một người, nhất là một doanh nhân thành đạt, chính là giá trị mà họ đem lại cho cộng đồng, xã hội, là cách đối nhân xử thế và những giá trị để lại cho đời và thế hệ con cháu mai sau.

* Gắn nghiệp với lĩnh vực bất động sản và được xem là thành công, ông nghĩ mình may mắn hay thiên thời địa lợi? 

- Ngoài may mắn, thiên thời địa lợi, muốn kinh doanh thành công bền vững, ngoài việc chịu khó học hỏi, nắm bắt cơ hội và tầm nhìn thì phải có triết lý kinh doanh rõ ràng. Với tôi, triết lý đó là thượng tôn pháp luật, thận trọng trong từng quyết định, có thể đi chậm, đi sau nhưng đi chắc và biết lượng sức mình. 

Trong khi các công ty lớn hay tập đoàn nước ngoài có nhiều tiền hơn thì chọn kinh doanh khu trung tâm, còn công ty mình còn nhỏ, ít tiền thì phải đi xa, chịu khó tìm tòi những khu đất rẻ nhưng quy hoạch dân cư rõ ràng, khai thác đất trước để chuyển giao cho các nhà đầu tư, mỗi người một phân khúc.

Kinh doanh địa ốc ngoài yếu tố may mắn thì quan trọng là phải nắm bắt được chiến lược và phân tích tình hình lợi thế từng khu vực. Ví dụ lúc trước là quận 9, bây giờ là thành phố Thủ Đức chỉ là cánh đồng lúa mênh mông. Trong khi đó, khu vực TP.HCM dân cư đã kín chỗ và tôi dự đoán khu vực này trong tương lai sẽ phát triển nên mạnh dạn đầu tư. Sau tầm nhìn và nhận định thì phải đi khảo sát đất, nắm chắc quy hoạch và pháp lý thì đầu tư mới bền vững và hiệu quả. Đó là lý do tôi đã mua nhiều khu đất rẻ, nhiều dự án có quỹ đất lớn nhưng chưa bao giờ tính toán sai và bị lỗ.

-1972-1656303138.jpg

* Trong khi các công ty địa ốc đều xây dựng nhiều dự án gắn với thương hiệu của họ, nhưng Nhân Mười lại không thực hiện dự án nào, vì sao vậy thưa ông?

- Tôi cũng mong muốn làm như các doanh nghiệp lớn, nhưng tham vọng còn phải phụ thuộc vào thực lực của mình. Tôi không muốn vươn tay quá sức để rồi phải đi vay ngân hàng hoặc sống trong tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng. Vì thế, tôi chọn cách làm nhỏ nhưng chắc và an toàn. Đặc biệt, phải biết chọn đối tác kinh doanh phù hợp, phải hợp tác với nhau thì mới phát triển được, ví dụ anh này thì có tài chính, anh kia có đất thì công ty sẽ lớn mạnh. Đó cũng là nghệ thuật kinh doanh.

* Thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ông có hiến kế gì cụ thể về cách làm?

- Thủ tục hành chính là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp kinh doanh nhanh và hiệu quả hơn. Riêng lĩnh vực bất động sản thì mức độ quan trọng còn gấp 5-6 lần, ví dụ bên Mỹ làm sổ đỏ chỉ mất 2 ngày, còn mình thì có thể đến một tháng, các thủ tục giấy tờ khác, người ta chỉ làm mất 2 tháng thì mình mất từ 1-2 năm hoặc rất nhiều năm. 

Từ bất cập đó khiến sản phẩm không ra được thị trường, thậm chí có người đi vay tiền mà vay tiền 5 năm thì tiền lãi đã gấp đôi, nếu không có đủ giấy tờ thì sản phẩm không bán được và không hợp tác được với các đối tác. Rất nhiều người phá sản là vì vậy. Vừa rồi đất sốt, Nhà nước muốn hạ giá đất xuống để bình ổn giá, tuy nhiên làm mạnh quá thì chưa phù hợp. Theo tôi, nên điều tiết bằng chính sách thuế, nếu mua nhiều đất thì đánh thuế bằng lũy tiến. Thứ hai là tất cả loại đất không nên bỏ hoang. Để dân sản xuất thì thu thêm nguồn thuế đó, như vậy Nhà nước cũng sẽ thu lại được rất nhiều. 

Có rất nhiều biện pháp để tăng ngân sách cho Nhà nước, không nên dội nước quá lạnh vào doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng đến nền kinh tế khác, Nhà nước phải điều tiết thế nào để vẫn thu được thuế mà doanh nghiệp vẫn phát triển, người dân vẫn có điều kiện mua nhà ở. Phải có những khu quy hoạch dành cho người nghèo, người thu nhập thấp để bình ổn giá ở tất cả tỉnh, thành.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Mặc dù có nhiều điều kiện phát triển, nhưng năng lực cạnh tranh lại đứng thứ hạng sau các tỉnh, thành khác. Đặc biệt là thủ tục hành chính còn chậm. Kế đến là hạ tầng giao thông. Chỉ riêng xe bus từ chợ Bến Thành về Long Phước, tôi thấy đang lãng phí. Thực tế có những chuyến chỉ có 1-2 người đi xe mà một năm, Nhà nước phải bù lỗ từ 1.000-2.000 tỷ đồng. Trong khi số tiền đó có thể xây được bệnh viện ở Củ Chi hay các tỉnh miền Tây... 

Một trăn trở nữa là hiện nay, dòng sông tại khu vực quận 8 vẫn còn đen ngòm, nhà dân lụp xụp, làm thế nào để khu vực này sạch đẹp, khang trang cũng là điều thành phố cần làm sớm. Hiện các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện trong nội đô đang quá tải và chật chội, để giải quyết tình trạng kẹt xe, cần giải tỏa bớt ra ngoại thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có phương án nào khả thi là điều cần phải chung tay hành động. 

-6321-1656303138.jpg

* Ngoài việc kinh doanh, ông còn dành thời gian sáng tác nhiều bài thơ và phổ nhạc rất công phu, điều gì thôi thúc ông sáng tác và dành tâm huyết đến vậy? 

- Ngoài việc kinh doanh, tôi mong muốn mình phải làm gì đó cho quê hương đất nước. Và tôi chọn sáng tác thơ ca để lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn cầu, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người Việt Nam. Với bài thơ Con cháu vua Hùng toàn cầu, tôi không chỉ tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ mà còn mong muốn góp phần gìn giữ, phát huy, lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Qua sáng tác của mình, tôi cũng muốn mọi người hiểu thêm, doanh nhân ngày nay không chỉ biết sản xuất, kinh doanh, mà còn có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, biết gìn giữ, phát huy truyền thống dân tộc cho thế hệ sau cũng như lan tỏa những giá trị văn hóa phong phú của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Là một doanh nhân, tôi cũng muốn gửi gắm nhiều hoạch định về kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế đất nước. Ví dụ như phải phát triển kinh tế biển vì Việt Nam chúng ta có lợi thế đường biển rất dài. Tôi cũng đưa vào bài thơ hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị vua nhân từ, hiền đức của Việt Nam, đã được Trường Đại học Harvard vinh danh. Tôi muốn mọi người hiểu thêm, học thêm trí tuệ của con người Việt Nam để cùng nhau đóng góp, xây dựng quê hương giàu mạnh hơn.

Sau bài thơ Con cháu vua Hùng toàn cầu được tôi chuyển thể thành 18 loại hình âm nhạc, được xác lập kỷ lục bài thơ được chuyển thể thành các thể loại âm nhạc và nhạc dân gian truyền thống nhiều nhất Việt Nam, tôi vừa sáng tác thêm bài thơ Chung sức xây dựng trái đất xanh, mong muốn kêu gọi sự đoàn kết của tất cả mọi người trên thế giới. Bởi hiện nay, một số nước trên thế giới vẫn còn xảy ra chiến tranh. Tôi mong mọi người, kể cả lãnh đạo các quốc gia không nên tranh giành, gây chiến tranh thù hận, để tất cả mọi người và muôn loài được sinh sống bình yên và trái đất mãi xanh, không bị hủy diệt. 

* Điều gì khiến ông hạnh phúc nhất lúc này?

- Tôi là người cho đi rất nhiều và cũng nhận lại rất nhiều sự ưu ái và tử tế từ mọi người và đồng nghiệp, xã hội. Đến giờ này, tôi cảm thấy hài lòng vì mình đã sống rất đàng hoàng tử tế. Điều hạnh phúc nhất bây giờ là tôi được rất nhiều người tôn trọng, tôi cũng giúp đỡ được nhiều đồng bào, cũng như sáng tác được nhiều bài thơ rất nhiều ý nghĩa. Triết lý sống mà tôi tâm đắc nhất là mong muốn giúp được nhiều người.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Trần Văn Mười: Văn hoá gia đình tạo nên văn hoá quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO