Doanh nhân hiến kế chặn đà suy giảm kinh tế - Bài 3: Ý kiến chuyên gia

DNSG| 10/04/2023 07:00

Mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, nhiều doanh nhân đã lý giải nguyên nhân và đề xuất giải pháp để góp phần vực dậy nền kinh tế TP.HCM.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Kích thích đầu tư tư nhân để nguồn vốn luân chuyển vào nền kinh tế

TP.HCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Những thách thức, khó khăn trước mắt là có, đồng thời sẽ tiếp tục lộ diện trong hai quý giữa năm 2023. Tuy nhiên, theo tôi, dự báo tình hình quý IV/2023, kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực, tạo đà cho tăng trưởng vào năm 2024.

Để huy động sức mạnh của đội ngũ doanh nhân và lực lượng doanh nghiệp (DN) nhằm đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, theo tôi, thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi, cởi mở để DN phát triển. Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một khi minh bạch thông tin, thể chế, chính sách thì rất dễ dàng tạo niềm tin cho DN. DN có niềm tin thì mới tái đầu tư, kinh tế mới tăng trưởng, người lao động có việc làm.

Theo tôi, vấn đề cấp thiết nhất là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, nhất là giai đoạn cấp bách để khơi thông điểm nghẽn các kênh vốn. Thị trường trái phiếu DN, chứng khoán rơi vào tình trạng "đóng băng" cùng áp lực thanh khoản khiến nhiều DN gặp rất nhiều khó khăn. Việc vực dậy thị trường BĐS không chỉ là mối quan tâm của DN trong ngành mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội, bởi đây là ngành tác động lớn đến tốc độ phục hồi nền kinh tế. Pháp lý và tín dụng là vấn đề mà bất cứ DN, nhà đầu tư nào cũng quan tâm. Nếu được tháo gỡ, tôi tin chắc rằng những khó khăn sẽ được khắc phục. Cần phải kích thích đầu tư tư nhân để nguồn vốn luân chuyển vào nền kinh tế.

Trong quý I/2023, TP.HCM chỉ giải ngân vốn đầu tư công được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ năm trước giải ngân được 1.604 tỷ đồng. Theo tôi đây là con số quá thấp. Bước sang quý II, kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nhân, DN rất mong muốn được sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, các cấp chính quyền để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM: Cần thu hút người lao động trở lại TP.HCM

Theo tôi, để tạo động lực tăng trưởng, cần tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, tài chính. Vật giá ở TP.HCM đắt đỏ, thuê đất công nghiệp phải từ 80-150 USD/m2, trong khi ở các tỉnh, họ "trải thảm" để mời DN quay trở về hoặc đến địa phương của họ để thành lập nhà máy với giá thuê đất rẻ hơn nhiều lần. Từ sau đại dịch Covid-19, quan điểm, tư duy của người lao động đã thay đổi. Họ không nhất định phải làm việc tại TP.HCM nữa. Với mức lương 10 triệu đồng/tháng cho vị trí kế toán mới ra trường thì họ sẵn sàng về quê làm kế toán với mức 8 triệu đồng.

Link bài viết

Hiện các khu công nghiệp đang giảm công nhân. Không có việc làm thì người lao động về quê. Do đó, tôi nghĩ cần phải có chính sách để người lao động quay trở lại TP.HCM, trước tiên là điều chỉnh các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho phù hợp thực tế để người lao động có chỗ ở ổn định. Trước giờ, TP.HCM luôn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhưng làm sao phải minh bạch. Nhiều người mua nhà ở xã hội nhưng lại dùng làm thương mại, trong khi người có nhu cầu an cư lại không chạm đến được. Ví dụ, công ty tôi có 4 lao động cần nhà ở xã hội nhưng họ không thể mua do thủ tục rất nhiêu khê. Công nhân viên của tôi đang phải thuê nhà ở dù thu nhập đã trên dưới 20 triệu đồng/tháng, không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội. Nhưng với mức lương 8-9 triệu đồng/tháng, làm sao họ nuôi nổi hai con, làm sao trả tiền mua nhà ở xã hội, trừ khi làm hồ sơ gian dối. Thay vì như vậy, tại sao không cho DN đứng ra đăng ký mua nhà ở xã hội cho người lao động?

Với tình hình khó khăn hiện nay, kế hoạch kinh doanh của chúng tôi phải thay đổi. Không chỉ thành phố mà cả DN cũng phải kích cầu tiêu dùng. Muốn thế, điểm mấu chốt là phải thu hút được người nước ngoài vào du lịch, đồng thời thu hút người dân các tỉnh quay trở lại TP.HCM làm việc, tiêu xài thì mới tăng được sức mua. Phải có những hoạt động văn hóa - xã hội giống như lễ hội bánh mì vừa rồi để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khi thu hút đông người quay trở lại, thành phố lại vướng kẹt xe, liên quan đến hạ tầng. Do đó, thành phố cần có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tiến độ thi công và sớm vận hành tuyến metro cũng như các tuyến giao thông kết nối vào metro.

Liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa, DN và các hiệp hội DN đang tìm cách gánh hàng ra nước ngoài, nhưng do suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua của các nước vẫn thấp. Chúng ta có rất nhiều tuyến xúc tiến thương mại ở nước ngoài nhưng vẫn chưa được khởi sắc. Giải pháp mà DN đang cần hiện nay là khơi thông dòng vốn. Hiện một số DN thuê đất ở các khu công nghiệp vướng pháp lý về đất đai, phải trả tiền thuế đất hằng năm nhưng lại không vay được vốn ngân hàng khiến họ bế tắc, mất niềm tin. Theo tôi, cần có chính sách dành cho các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp bị vướng tiền thuê đất hằng năm, để có thể vay vốn ngân hàng.

Điều quan trọng nhất vẫn là các chính sách phải được điều chỉnh kịp thời, hoặc có cơ chế riêng cho TP.HCM để kinh tế phát triển. 

Bà Mã Thanh Loan - Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ DN tư vấn TP.HCM (HOCA), Tổng giám đốc Auxesia Holdings: Huy động sức mạnh của đội ngũ doanh nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chính quyền TP.HCM nên tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho DN và doanh nhân bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí "ngoài luồng". Chính quyền TP.HCM cũng nên khuyến khích sự liên kết và hợp tác giữa các DN trong và ngoài thành phố, cũng như giữa các DN và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.

Chính quyền TP.HCM nên có những chương trình đào tạo thiết thực cho đội ngũ doanh nhân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và kỹ năng lãnh đạo, quản trị. Đồng thời, chính quyền TP.HCM cũng nên hỗ trợ DN hiểu rõ về chính sách, định hướng của thành phố về kinh tế. TP.HCM cần đánh giá và có giải pháp tăng tốc kinh tế trong những năm sau và cần tận dụng các chính sách đặc thù để mở ra hướng hồi phục kinh tế nhanh hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM: Sức khỏe của DN được cải thiện thì kinh tế mới có thể tăng tốc

Nếu tính trên thang điểm 10 thì hiện sức khỏe của DN đang ở mức hơn 5 điểm. Như vậy có nghĩa là đáng báo động. DN hiện rất khó khăn, đòi hỏi sự hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan quản lý. Trong bối cảnh này, Nhà nước có thể cân nhắc việc thành lập quỹ tín dụng mạo hiểm để rót vốn cho DN đang trong tình trạng "hấp hối".

Thực tế, chủ DN khi xác định kinh doanh là họ đã phải chấp nhận rủi ro, thậm chí thế chấp nhà cửa, bản thân họ không hề muốn lâm vào tình trạng bên bờ vực phá sản. Do đó, chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro, có thể sẽ mất ít vốn, nhưng nếu cứu được DN, có nghĩa là cứu được công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động. Tuy nhiên, khi xác định cứu các DN trong tình trạng này, Nhà nước có thể phân loại DN để cấp vốn.

Chỉ khi sức khỏe của DN được cải thiện thì tăng trưởng kinh tế tại TP.HCM mới được cải thiện. Và chỉ khi TP.HCM được trao quyền tự quyết thì thành phố mới có thể linh động trong việc giải quyết các vấn đề của DN, cũng như các vấn đề của thành phố, từ đó mới có thể kéo kinh tế của thành phố tăng tốc để đạt mục tiêu tăng GDP từ 7,5-8% trong năm 2023.

Ông Đỗ Hòa - Giám đốc Tinh Hoa Quản trị: Lãnh đạo thành phố phải đủ quyền hạn

Khi kinh tế tăng trưởng nóng, Nhà nước có xu hướng siết để kiểm soát, để không có hệ lụy tiêu cực. Nhưng khi kinh tế sụt giảm thì phải làm ngược lại, tức là nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Thành phố có thể rà soát những quy định đang siết chặt thương mại, dịch vụ và du lịch để tháo gỡ trước khi DN tìm đến các tỉnh, thành tạo điều kiện cho họ phát triển.

Cụ thể, trước đây khi kinh tế nhộn nhịp, đường quá đông xe cộ nên chỗ nào có biển cấm đỗ, cấm dừng, rồi cấm xe chạy theo giờ. Nhưng bây giờ kinh tế èo uột, đường vắng theo, tại sao không tháo bớt các biển cấm đó? DN mở văn phòng ở đường Lê Lợi, hay đường Đồng Khởi không có chỗ cho xe vào, xe đậu. Việc hạn chế giờ xe chạy có thể giảm bớt. Ví dụ, trước kia cấm 8 giờ thì nay có thể cấm 4 giờ. Đường thông thoáng, địa điểm giao thương thuận lợi thì DN dễ giao dịch, mới có hợp đồng mới. Có khách hàng thì cửa hàng mới bán hàng được.

Nếu nói du lịch thành phố tắc vì visa là chưa đủ, còn du lịch nội địa, lãnh đạo thành phố đã thực sự tạo điều kiện chưa? Những điểm tham quan của thành phố có giao thông thuận lợi chưa? Khu trung tâm Nguyễn Huệ và Lê Lợi đã có đủ chỗ đỗ xe chưa? Sở Du lịch thì mở nhiều chương trình, lễ hội nhưng xe khách 50 chỗ từ miền Tây lên tham quan dừng, đậu xe lại lo ngay ngáy bị phạt. Nới lỏng những điểm tắc này có thể làm ngay, làm sớm và sẽ phát huy hiệu quả liền.
Thủ tục hành chính vẫn cần phải cải tiến, phải số hóa nhiều hơn để tạo thuận lợi cho DN.

Tuy nhiên, các nhà quản lý thành phố cũng có cái khó. Họ cần khoảng không để có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Vừa rồi, Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải là tổ trưởng tổ công tác trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Đây là điều rất đáng hoan nghênh vì lúc này môi trường kinh doanh rất cần sự năng động. Cho nên lãnh đạo thành phố phải được trao đủ quyền để dễ dàng ứng phó với diễn biến tình hình. Còn nếu việc gì cũng bám theo chỉ đạo ở trên hay chờ thay đổi luật thì không biết đến lúc nào mới giải quyết được.

Ông Phùng Hưng - Phó giám đốc Công ty Bảo Việt TP.HCM: Chính quyền TP.HCM nên làm bạn thực sự với DN

Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 quá thấp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là con người. Lãnh đạo thành phố thời gian qua có nhiều quyết sách để đẩy lùi khó khăn của nền kinh tế, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp xu hướng thị trường, điều hành chưa tốt trong giai đoạn mới. Thứ hai, do Nhà nước siết chặt vốn tín dụng. Dòng tiền có vận hành tốt thì nền kinh tế mới khởi sắc. Tuy nhiên, năm vừa rồi, Nhà nước siết tín dụng khiến bất động sản (BĐS) suy giảm, ngân hàng hạn chế cho người dân vay tiền mua nhà, mua đất. Từ đó BĐS và nhiều ngành khác không phát triển, ít giao thương, nền kinh tế đi xuống.

Thứ ba, do lực lượng lao động giảm. Kinh tế khó khăn, không ít công nhân bỏ việc về quê, từ đó tiêu dùng tại thành phố giảm sút. Thứ tư, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù dịch đã giảm hẳn nhưng người tiêu dùng vẫn có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Trải qua cơn đại dịch, người dân nghĩ nhiều đến việc tiết kiệm, không còn tiêu xài nhiều như trước. Thứ năm, do các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố giảm sút. Đơn cử như TP.HCM có thế mạnh về du lịch, nhưng thời gian qua, người dân ít đi du lịch, khách nước ngoài đến thành phố ít hơn trước. Người dân sống nhờ ngành công nghiệp không khói này bị mất thu nhập, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Link bài viết

Bên cạnh đó còn một số yếu tố khác như công nghệ, kỹ thuật, chính sách quản lý nhà nước, quy định thuế, việc quản lý xuất nhập khẩu... còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp.

Việc có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm cũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế hiện nay. Do người dân không vay được tiền mua nhà, vay tiền kinh doanh BĐS, không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng thì họ giữ tiền mặt hoặc chuyển qua kênh đầu tư khác, thậm chí không giao thương. Từ đó hàng hóa không còn luân chuyển nhiều, vận tải không còn như trước. Khi đại dịch được kiểm soát, nhiều DN chuyển hướng kinh doanh, nhiều hộ chuyển sang kinh doanh online dẫn đến vận tải, kho bãi giảm. Từ đó kéo theo sự suy giảm của các ngành khác như thông tin - truyền thông, kinh doanh BĐS, y tế và cứu trợ xã hội.

Để giải quyết những vướng mắc trên, theo tôi việc quan trọng nhất là phải gỡ nút thắt về dòng tiền, khơi thông dòng chảy tiền tệ. Đây là một việc khó. Tôi từng tham gia nhiều cuộc họp của chính quyền thành phố với ngân hàng, DN, thấy mỗi ngành đều có cái lý của họ, do đó mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở đề xuất trên giấy. Đơn cử, TP.HCM muốn ngân hàng nới room tín dụng cho DN nhưng thành phố chỉ là một địa phương, không thể chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, mà chỉ có thể đề xuất. Từ khi thành phố đề xuất đến khi ngân hàng trung ương chấp nhận là cả một quãng thời gian dài. TP.HCM cũng từng xin cơ chế đặc thù riêng song hiện vẫn chờ Quốc hội quyết.

Để huy động sức mạnh của đội ngũ doanh nhân và lực lượng DN đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, theo tôi, thành phố nên làm bạn thực sự với DN. Làm bạn để biết DN cần gì để hỗ trợ, chứ không phải là bạn trên danh nghĩa, thi thoảng đến thăm, hỏi han vài câu về khó khăn rồi hứa sẽ giải quyết thì không được gì. Hiện có một số đơn vị quản lý không giúp gì được cho DN mà còn hành, sách nhiễu DN. Do đó, để nền kinh tế TP.HCM vực dậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó yếu tố công chức, viên chức vô cùng quan trọng. 

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng (SACA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin: DN không thể vượt khó, tăng trưởng nếu chính quyền "ì ạch"

Mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, theo tôi, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế chung, thị trường BĐS bị "đóng băng", người dân và DN thắt chặt chi tiêu nên giảm dòng tiền lưu thông.

Trong sự suy thoái chung, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng bị suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng (SACA), hiện 40% DN trong ngành tê liệt, nhiều DN đã phải ngừng hoạt động và rơi vào tình trạng phá sản. Những DN giảm doanh thu 30-35% được đánh giá là có "sức khỏe tốt" mới trụ được như vậy.
Để giải quyết khó khăn cho DN, theo tôi, chính quyền thành phố nên gỡ nút thắt cho các dự án BĐS, đẩy mạnh đầu tư công (các dự án như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, các tuyến đường cao tốc, metro). Khi thành phố đẩy mạnh xây dựng các dự án này, ngành xây dựng sẽ chuyển hướng từ BĐS thương mại sang các công trình của Nhà nước. Từ đó, cơ hội tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ mở ra, nút thắt của ngành sẽ được cởi bỏ.

Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu,
xây dựng thành phố thông minh, đáng sống, giải quyết triều cường, giải quyết tắc nghẽn giao thông. Khi giải quyết được những vấn đề đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy tiềm năng để đầu tư.

Một trong những vấn đề cấp bách khác mà lãnh đạo thành phố cần thực hiện là xây dựng cơ chế cho bộ máy chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Rất nhiều ý kiến cho rằng tại sao TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam lại ít được đầu tư các tuyến đường cao tốc so với một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh? Theo tôi, không phải do Trung ương không ưu ái TP.HCM và các tỉnh phía Nam bởi ngân sách năm 2022 chưa tiêu hết. Điều quan trọng là nội tại TP.HCM đã thực sự quyết liệt, dám làm, dám chịu hay chưa? Tuyến metro vẫn ì ạch, nhiều tuyến giao thông khởi công rồi treo tại đó, bộ máy chính quyền còn cồng kềnh, nói nhiều mà chưa thực hiện được nhiều.

Chúng ta cứ kêu gọi DN vượt khó, nhưng DN vượt khó trên nền tảng nào, nếu với bộ máy hành chính ì ạch như hiện tại thì sao vượt khó nổi? Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì DN Việt bị DN nước ngoài thôn tính chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí nhiều DN còn nói là mong được DN nước ngoài mua lại. Đó là điều vô cùng nguy hiểm với nền kinh tế. Nếu không giải quyết được điều này thì chỉ các số kinh tế của TP.HCM vẫn tiếp tục thấp. 

Ông Trần Vũ Thông - Phó giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển VSC: Cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp để DN thoát tình trạng phá sản

Trước mắt, để hỗ trợ DN vượt khó, TP.HCM cần cung cấp gói hỗ trợ vốn. Hiện tại, nhiều nhà máy không có đơn đặt hàng để sản xuất, đặc biệt một số ngành hàng như may mặc, nội thất, dẫn đến tình trạng không cầm cự được lâu. Dự báo, thị trường may mặc, nội thất tại Mỹ và EU sẽ khôi phục từ năm 2024, do chính sách lãi vay đang giảm dần.

Như vậy, khi lãnh đạo TP.HCM hỗ trợ DN vượt qua được giai đoạn khó khăn này, đồng nghĩa với DN có cơ hội để phát triển. Cụ thể, thành phố phải có cơ chế giảm thuế và làm việc với các tổ chức tài chính để hỗ trợ giảm lãi vay, gia hạn nợ cho DN. Bên cạnh đó, tạo kênh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm các ngành hàng với các quốc gia phát triển. Về lâu dài, thành phố cần đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối tới cảng biển để giảm chi phí vận tải cho DN.

Bài 1: Cần động lực mới

Bài 2: Thành phố nên đứng ra thu xếp vốn cho doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân hiến kế chặn đà suy giảm kinh tế - Bài 3: Ý kiến chuyên gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO