Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), quý III năm nay, Petrolimex đạt doanh thu thuần gần 73.700 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ năm trước.
Ở các lĩnh vực như vận tải, nhiên liệu bay, các công ty con của Petrolimex hoạt động ổn định trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Do đó, lợi nhuận từ những lĩnh vực này tăng 400 tỷ đồng.
Tuy vậy, Petrolimex lại báo lỗ ở mảng hoạt động kinh doanh xăng dầu, với mức lợi nhuận giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Theo đó, nguyên nhân được cho là vì giá xăng dầu giảm bất thường, trong khi khâu tạo nguồn, lưu thông tạo chi phí cao hơn định mức theo quy định trong giá cơ sở.
Trong khi đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) ghi nhận mức doanh thu thuần quý III đạt 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, công ty này lỗ hơn 373 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi 57 tỷ đồng.
Mặc dù lỗ lớn trong quý III nhưng nếu tính luỹ kế 9 tháng, PV OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng, PV OIL đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Với Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP Thalexim, quý III/2022, công ty đạt doanh thu 7.631 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lỗ gộp gần 25 tỷ đồng. Trong 9 tháng, dù doanh thu thuần vẫn tăng tới 123% (đạt 18.572 tỷ đồng) nhưng vì kinh doanh dưới giá vốn nên Thalexim lỗ ròng hơn 76 tỷ đồng.
Giải thích về kết quả lỗ trong quý III, đa số các doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân chung là do giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường, Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ. Trong khi đó, nguồn hàng lại khan hiếm, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, từ nhà máy lọc dầu về cảng và phí lãi vay, tỷ giá ngoại tệ đồng loạt tăng cao đã tạo nên rào cản cho hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành xăng dầu.