Doanh nghiệp vượt cơn bĩ cực
2023 là năm doanh nghiệp (DN) gặp sóng gió khi có đến hàng trăm ngàn DN rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, trong vòng xoáy khó khăn, vẫn có không ít DN bằng sự nỗ lực, bằng chiến lược kinh doanh uyển chuyển, linh động phù hợp với xu hướng thị trường nên đã vượt qua cơn bĩ cực.
Chia sẻ tại tọa đàm “Doanh nghiệp chạy đua về đích mùa cuối năm” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 19/12 vừa qua, ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thương mại - Dịch vụ Thép Khương Mai cho biết, năm 2023 thị trường tiếp tục giảm đến 40-50% nhu cầu so với năm trước. Đơn cử, mỗi tháng Công ty Thép Khương Mai chỉ bán được 2.000 tấn thép, giảm 50% so với trước. Trong bối cảnh ấy, chúng tôi chấp nhận bù lỗ, lấy nguồn thu cho thuê bất động sản bù vào khoản hụt doanh thu kinh doanh”.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony cho biết, từ quý IV/2022, doanh thu của Công ty tụt dốc không phanh khi chỉ còn 10% so với trước. Dony tập trung vào việc cung cấp giá trị cốt lõi cho khách hàng và phát triển thị trường mới, nhờ vậy mà doanh thu tăng và dự kiến đến hết năm 2023 sẽ tăng trưởng 20% so với kế hoạch.
Ông Quang Anh chia sẻ thêm: “Cùng đó, thị trường Mỹ khó chúng tôi chuyển qua thị trường Trung Đông, ASEAN và mới đây là thị trường Nga. Chúng tôi vừa có đơn hàng 20.000 áo thun đi Campuchia và trong tháng 12 này sẽ xuất đi Nga 45.000 chiếc.
Ở lĩnh vực gỗ, ông Trịnh Hữu Kiên - Tổng giám đốc Tập đoàn KES cho biết, từ cuối năm 2022, DN tập trung phát triển thị trường nội địa, tiếp cận khách hàng, đưa ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách cùng việc đầu tư mạnh công nghệ sản xuất.
Là một thương hiệu cà phê rang xay “sinh sau đẻ muộn”, Công ty CP Trà - Cà phê An Nhiên (Anni Coffee), bà Đỗ Thanh Yến Nhi - Giám đốc Điều hành Anni Coffee cho biết, nhờ đưa hàng lên sàn thương mại điện từ và các kênh bán hàng sỉ cho khách sạn, quán cà phê lớn, kênh sỉ B2B nên năm 2023 sản lượng cà phê chúng tôi cung cấp ra thị trường tăng 20%” và đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm 2024.
Ông Quán Quang Diệu - Giám đốc Sagomi cho biết, liên tiếp 2021, 2022 và cả năm 2023 Công ty không có lợi nhuận.
Sagomi đang tập trung đầu tư vào mạng xã hội, TikTok, fanpage, kích thích tiêu dùng. “Chúng tôi sẽ dành 7% ngân sách để đầu tư cho mạng xã hội vì đây là xu hướng không thể thay thế nếu muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay. Cùng với đó, chúng tôi mở hai công ty sản xuất thực phẩm chế biến đóng gói và nhượng quyền cửa hàng thực phẩm”, ông Quang Diệu cho biết về kế hoạch kinh doanh cuối năm 2023 và trong năm 2024.
10 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 61.600 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, số doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh là 26.550 đơn vị, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Duy Tân - Giám đốc Kinh doanh Sato Group cũng cho biết, năm 2023 mở thêm mấy cửa hàng nữa, phát triển thêm mạng lưới đại lý ủy quyền, phát triển thêm dịch vụ quà tặng cho kênh B2B. “Trong bối cảnh còn dự báo khó khăn, DN phải linh động, uyển chuyển theo nhu cầu khách hàng và chúng tôi sẽ phát triển thêm mảng cửa hàng tiện lợi, tập trung vào tạp hóa, cửa hàng thực phẩm”.
Không bị ảnh hưởng nhiều từ những biến động của kinh tế thế giới khi 70% doanh thu đến từ việc xuất khẩu sang 12 quốc gia, ông Phan Đình Quân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất lọc khí Việt cho biết, Công ty mở thêm nhà máy ở Thái Nguyên, ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với Samsung cũng như nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như LG, Panasonic…
Ông Phan Đình Quân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất lọc khí Việt:
“Thời gian qua, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại cơ hội rất lớn cho DN. Vì thế, kiến nghị TP.HCM thúc đẩy hợp tác, mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, như vậy vừa sử dụng nguồn nhân lực Thành phố vừa sử dụng nguồn nhân lực địa phương”.
Ông Quán Quang Diệu - Giám đốc Sagomi:
“Nên thành lập các đoàn kiểm tra cùng nhau, đừng chia nhỏ kiểm tra như hiện nay để DN đỡ mất thời gian và như vậy cũng giúp giảm chi phí cho DN”.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony:
“Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc gia thân thiện, an toàn, và chính sách ngoại giao của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho DN. Tuy nhiên, về cơ chế, chính sách, mong Nhà nước tạo thuận lợi cho DN trong các thủ tục hành chính, và các chính sách liên quan đến DN phải được sự phản biện từ thực tiển DN”.
Ông Mai Đức Hòa - CEO Công ty CP Truyền thông Meta - Meta Corp Media:
“Xu hướng bán hàng qua mạng xã hội phát triển rất mạnh, vì vậy, cần cân nhắc cán cân giữa thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống. Hiện nay, Trung Quốc đang rất mạnh mảng này và họ xây dựng nhà máy dọc biên giới, bán trực tiếp hàng hoá cho người tiêu dùng các nước chung biên giới. Trong khi hàng của Trung Quốc chỉ cần 2-3 ngày đã giao tận tay khách Việt thì DN Việt phải mất 3-4 ngày mới làm được điều đó. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN phát triển kênh thương mại điện tử, nếu không Việt Nam sẽ mất một lượng khách tiêu dùng rất lớn”.
Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thương mại - Dịch vụ Thép Khương Mai:
“Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế và mọi thứ đang tốt dần lên, nên đẩy mạnh đầu tư công, sớm khơi thông nguồn vốn đầu tư cho DN, đặc biệt là phát triển hạ tầng. Hiện TP.HCM đang thiếu nhà ở công nghiệp, trung tâm thể thao, quần thể văn hóa, giải trí nên khách nước ngoài đến đây không biết chơi gì. Nghị quyết 98 của Quốc hội tạo cho TP.HCM nhiều cơ hội để phát triển. Vì vậy, mong chính quyền đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Thành phố phải quyết liệt hơn nữa để “gỡ khó” cho DN, đặc biệt là phải đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội”.