Doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam: Chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại

KIẾN QUỐC| 01/06/2018 06:00

Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) ngành giấy trong những tháng đầu năm 2018 được ghi nhận là khá ổn định.

Doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam: Chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại

Song nếu không chủ động được vùng nguyên liệu, ngành giấy Việt Nam sẽ rất chật vật khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tình hình sản xuất của ngành giấy những tháng đầu năm 2018 khá ổn định, phần lớn do DN trong ngành chủ động và linh hoạt trong sản xuất. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2018, ngành giấy đã sản xuất được 1.181.815 tấn giấy các loại, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2017, là nhờ các nhà máy có công suất lớn, hoạt động mạnh từ quý IV/2017 kéo dài đến đầu quý II/2018.

Tuy nhiên, để phục vụ cho việc sản xuất và nhu cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước và xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2018, ngành giấy Việt Nam đã nhập khẩu 465.000 tấn nguyên liệu, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng nguyên liệu nhập khẩu này chủ yếu cung ứng cho các DN sản xuất bao bì cao cấp phục vụ thị trường trong nước và giấy phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Vấn đề đáng nói ở đây là hiện nay trên thị trường thế giới, giá giấy các loại đang có chiều hướng tăng, mức tăng được cho là chưa có dấu hiệu dừng do giá bột giấy và hóa chất sử dụng trong ngành giấy đều tăng. Hơn thế nữa, từ cuối năm 2017 đến nay, DN trong ngành còn bị các DN Trung Quốc tranh mua nguyên liệu và cả giấy thành phẩm.

Bởi hoạt động sản xuất giấy tại Trung Quốc đang được tinh giảm theo hướng chọn lọc dự án đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, khiến nguồn cung của ngành giấy nước này rơi vào tình trạng căng thẳng. Các DN dự báo, giá nguyên liệu và giấy nhập khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Thời điểm hiện tại, ngành giấy cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm do chuẩn bị cho việc sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tập vở cho năm học mới và hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng các loại bao bì cũng tăng lên do hoạt động sản xuất của các ngành hàng phát triển đã tạo cơ hội cho ngành giấy các tông, kéo theo nhu cầu nguyên liệu tăng cao.

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc trên 600 triệu USD. Việc DN Trung Quốc thu mua nguyên liệu và giấy thành phẩm cũng đã đẩy kim ngạch xuất khẩu của ngành lên cao đột biến. Bốn tháng đầu năm 2018, ngành giấy xuất khẩu 187.056 tấn giấy các loại, tăng 400% so với cùng kỳ năm 2017 (4 tháng đầu năm 2017 chỉ xuất được 47.350 tấn).

Lý giải lượng nguyên liệu nhập khẩu ngày một tăng, các DN ngành giấy cho biết, phần lớn nguyên nhân là do các DN chưa chủ động được nguồn bột giấy vì chưa có đủ dây chuyền sản xuất bột giấy từ gỗ nguyên liệu thô. Để đáp ứng nhu cầu hiện tại, đa số DN phải xuất gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm. Thêm vào đó, nguồn gỗ nguyên liệu thô dù đã được bổ sung với các loại rừng trồng nhưng vẫn không đủ đáp ứng, và còn phải "chia sẻ” cho ngành chế biến gỗ.

Theo đại diện của Tập đoàn Tân Mai, đầu tư cho các nhà máy giấy là nỗ lực của các DN giấy trong việc cạnh tranh với DN nước ngoài tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc này cũng còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của từng DN. Đơn cử như tại Tân Mai, trong năm 2018 và 2019, DN đang và sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư thêm nhà máy giấy bao bì có công suất 200.000 tấn/năm tại Long Thành (Đồng Nai) và nhà máy sản xuất bột giấy tại Kon Tum sau khi dự án nhà máy tại Quảng Ngãi phải hủy bỏ do gặp khó khăn về mặt bằng.

Được biết, Tân Mai đang quản lý, chăm sóc và trồng rừng tại nhiều khu vực như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, khu vực miền Đông Nam bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum với tổng diện tích 31.105ha. Năm 2017, Tân Mai đã trồng được 542,36ha và mục tiêu trong năm 2018 là trồng thêm 1.187ha.

Mặc dù tự lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trồng rừng, song DN vẫn nhìn nhận để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ và sản xuất thì cần có sự hỗ trợ từ chính sách và công nghệ trong sản xuất đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường. Bên cạnh đó là sự hợp tác giữa người dân với DN, và các DN trong ngành phải liên kết với nhau để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Vì giấy của các thương hiệu ngoại có chất lượng trội hơn hẳn giấy sản xuất trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra, có thể thấy giấy của các thương hiệu ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản được nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, khiến các DN ngành giấy trong nước không tránh khỏi áp lực. Nếu không sớm được đầu tư bài bản, DN ngành giấy Việt Nam sẽ khó phát triển và cạnh tranh với DN nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam: Chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO