Nhu cầu về đồng phục cho hơn 11,8 triệu lao động đang làm việc tại hơn 400.000 doanh nghiệp (DN) là rất lớn và đây chính là thị trường tiềm năng để các DN may mặc tăng cường thị trường nội địa.
Vinatex chuyển hướng
Từ đầu tháng 7, những bộ trang phục của phi công, tiếp viên Vietnam Airlines được thay mới hoàn toàn mà nhà cung cấp là các thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Trong đó, đồng phục cho phi công và tiếp viên nam do Tổng công ty Đức Giang, Tổng công ty May 10 thực hiện. Áo dài và đồng phục nữ tiếp viên do Công ty CP May Tiền Tiến (DN thành viên của Tổng công ty CP May Việt Tiến) may.
Vinatex và các đơn vị thành viên còn cung cấp đồng phục nhân viên check-in, điều phối viên, nhân viên phòng chờ, lái xe văn phòng và xe đặc chủng của Vietnam Airlines.
Với khoảng 8.000 người của Vietnam Airlines, chỉ cần một người hai bộ thì các thành viên của Vinatex đã có đơn hàng đến 16.000 bộ trang phục trong đợt này. Đi kèm trang phục là cà vạt, tất, găng tay, khăn, áo khoác...
>>Thái Lan "để mắt" tới dệt may Việt Nam
Tính chung, các thành viên của Vinatex có hợp đồng đến 79.000 sản phẩm với Vietnam Airlines trong lần thay đổi nhận diện thương hiệu của hãng này.
Đặc biệt trong hợp tác giữa hai đơn vị, Vinatex là đối tác cung ứng đồng phục cho Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên từ nay đến năm 2020.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Vinatex, cho biết, năm nay, các thành viên của Vinatex sẽ tập trung cho thị trường may đồng phục vì đây là phân khúc mới, rất tiềm năng. Có 3 mảng mà tập đoàn sẽ hướng đến là đồng phục dịch vụ, cơ quan và bảo hộ lao động.
Số lượng đơn hàng dự kiến sẽ tăng 30-40% so với năm trước.
Theo chia sẻ của ông Dũng, mặc dù hiện nay thị trường nội địa đã có nhiều hãng thời trang tư nhân nhưng Vinatex vẫn tiếp tục khai phá.
Trong phân khúc đồng phục, thị trường này rất cạnh tranh, DN nào đáp ứng được yêu cầu, đa dạng mẫu mã, tìm được cách đi riêng sẽ chiếm lĩnh thị trường.
>>Dệt may thay mô hình đón chào TPP
Và cách đi của Vinatex là "không chỉ bán quần áo đơn thuần mà còn kết hợp quảng bá rộng rãi thương hiệu. Đó là một trong những hướng đi mới giúp Vinatex ổn định và tăng trưởng", ông Dũng nói.
Tay trái đỡ tay phải
Việc khai thác phân khúc khách hàng mới này không chỉ một mình Vinatex mà ngay cả những thương hiệu thời trang được xem là cao cấp như An Phước cũng triển khai.
Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Giày An Phước, cho biết, bên cạnh những bộ trang phục mang thương hiệu An Phước và Pierre Cardin bán tại 83 cửa hàng của công ty, An Phước còn gia công đồng phục cho nhiều công ty trong nước.
Xác định đây là mảng phụ trong kinh doanh nội địa nhưng nhờ những hợp đồng này mà An Phước vẫn có nguồn thu ổn định vào những tháng thấp điểm và góp phần giúp công ty tăng trưởng đều đặn mỗi năm 10-15%.
Hiện đang có nhiều DN lớn trong nước đặt hàng An Phước làm đồng phục và công ty xác định đây là hướng đi không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển.
Trong các thành viên của Vinatex, Công ty CP May Nhà Bè là một trong những đơn vị đẩy mạnh việc sản xuất đồng phục cho các công ty, trường học.
>>Ấn Độ đầu tư 300 triệu USD vào dệt may Việt Nam
Trong thư gửi khách hàng, Công ty CP May Nhà Bè, cho biết "có đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, sẵn sàng cung cấp và thiết kế những trang phục hợp thời trang với từng lứa tuổi, đặc biệt là đồng phục theo đặc trưng của từng công ty, cơ quan với giá hợp lý”.
Điều đáng nói là công ty dành riêng một xí nghiệp may đo để phục vụ nhu cầu may đo đồng phục của các cơ quan, xí nghiệp với máy móc hiện đại, công nghệ từ Ý.
Cũng như thế, bên cạnh những dòng sản phẩm cốt lõi là sơ mi, quần tây, Việt Tiến mở rộng các dòng đồng phục học sinh, đồng phục công sở để tăng tiêu thụ nội địa.
Tổng công ty May Đức Giang cũng quan tâm đến lĩnh vực sản xuất quần áo đồng phục, bảo hộ lao động cho các DN. Nhiều DN lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty vận tải Hà Nội... là khách hàng của May Đức Giang.
Theo đại diện của Vinatex, với khả năng cung ứng của chuỗi khép kín từ bông, sợi, vải, quần áo đến thương mại dịch vụ, các DN thành viên của tập đoàn đáp ứng tốt nhu cầu về đồng phục và quần áo bảo hộ lao động cho các DN.
Đồng phục đang góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu DN với đối tác và người tiêu dùng. Và hiện nay, xu hướng đầu tư vào trang phục, tạo hình ảnh thương hiệu đang được nhiều DN quan tâm.
Với hơn 11,8 triệu người lao động tại hơn 400.000 DN sẽ là kênh khác thác mới đầy tiềm năng cho các DN khi quay về thị trường nội địa.
Và mặc dù sản phẩm dệt may Việt Nam vẫn đang cạnh tranh tốt với Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh..., nhưng khai thác kênh này cũng như việc tập trung cho thị trường nội địa là một giải pháp quan trọng giúp DN ổn định kinh doanh.
>>5 tháng đầu 2015, ngành dệt may chi 712 triệu USD nhập khẩu bông