![]() |
Việc xin rút khỏi sàn niêm yết của Công ty SaiGonTel (Mã CK: SGT) và Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (Mã CK: SQC) có tác động tích cực hay tiêu cực đến TTCK là đề tài gây nhiều tranh cãi nhất trên thị trường tháng 4 vừa qua.
Bên cạnh quan điểm cho rằng việc doanh nghiệp xin rút khỏi sàn niêm yết là hoàn toàn bình thường cho dù việc này chưa từng có tiền lệ, thì cũng có nhiều quan điểm lo ngại sẽ có trào lưu xin hủy niêm yết vào thời điểm hiện nay. Lo ngại này cũng không phải không có cơ sở, bởi sau SGT, đến lượt Đại hội cổ đông của Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn ngày 21/4/2011 cũng thông qua việc xin rút niêm yết cổ phiếu trên sàn và ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm rút niêm yết; giá và số lượng cổ phiếu mua từ các nhà đầu tư cá nhân để làm cổ phiếu quỹ cho công ty.
Hợp lý và bất hợp lý
![]() |
Sự èo uột kéo dài của thị trường chứng khoán đang làm nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nản lòng |
Những ý kiến trái chiều về tác động tích cực hay tiêu cực của câu chuyện doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn chưa có hồi kết. Bởi đứng ở mỗi góc độ khác nhau là những lý lẽ khác nhau.
Nếu đứng trên góc độ thị trường, đây là trường hợp đầu tiên xin tự hủy niêm yết và lý do mà doanh nghiệp đưa ra là để tái cấu trúc lại doanh nghiệp và do việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán không còn đạt hiệu quả cao như mong đợi. Đồng thời, các nhà đầu tư chưa đánh giá đúng giá trị cổ phiếu SGT. Tuy nhiên, theo ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế ứng dụng, lý do này chưa thật thuyết phục. Bởi, “điều này không hẳn phụ thuộc vào các nhà đầu tư mà còn phụ thuộc vào xu hướng chung của thị trường.
Trong lúc thị trường khó khăn, cổ phiếu SGT cũng như nhiều cổ phiếu khác khó tránh khỏi giảm giá, nhưng cũng không có nghĩa là các nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu SGT không đánh giá đúng giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ”. Ông Hiển cho rằng vẫn có nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu, không bán, chờ đợi thị trường tốt lên để có tính thanh khoản tốt hơn. Và các cổ đông khi đầu tư vào một doanh nghiệp niêm yết họ cũng có kỳ vọng thanh khoản vốn như thế. Do đó, việc rút niêm yết vô hình trung đã hạn chế thanh khoản vốn của các cổ đông, mất cơ hội thanh khoản cổ phiếu doanh nghiệp khi thị trường tích cực hơn.
Đồng tình với quan điểm này, trưởng phòng phân tích đầu tư của một công ty chứng khoán bày tỏ, nói rằng hủy niêm yết do thị trường kém và do định giá doanh nghiệp quá thấp chỉ là một trong số những lý do mà thôi. Trên TTCK hiện nay có rất nhiều cổ phiếu nằm dưới giá trị thực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn thị trường đánh giá công bằng về giá trị cổ phiếu của mình thì phải minh bạch thông tin của doanh nghiệp để nhà đầu tư thấy được giá trị thực của cổ phiếu. Doanh nghiệp cần phải có cái nhìn dài hạn, chiến lược, bởi thị trường có lúc lên lúc xuống. Có thể năm nay giá trị cổ phiếu ở mức thấp nhưng sang năm lại khác… Do vậy, theo quan điểm của vị này thì cách tốt nhất để nâng đỡ giá cổ phiếu là doanh nghiệp phải nâng cao tính minh bạch.
Nếu thoạt nhìn vào vài chỉ số cơ bản của cổ phiếu SGT thì thị trường lại có những lý lẽ khác, không phải là không có lý. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SGT vào khoảng 4,3%, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản có (ROA) dưới 1,5%. Đây là tỷ lệ rất thấp nếu so với mặt bằng lãi suất ngân hàng hiện nay. So sánh với tỷ lệ tương ứng trong ngành viễn thông là 29,7% và 10% thì những chỉ số trên của SGT quả là không đẹp chút nào. Chính vì thế, thị giá cổ phiếu của SGT đến ngày 25/4 là 7.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản bình quân 50 phiên gần nhất khoảng 6.000 cổ phiếu mỗi ngày. Với lượng lưu hành tới 74 triệu cổ phiếu thì mức thanh khoản này là thấp khó tưởng tượng.
Đánh giá qua về những chỉ số tài chính của SGT, ông Chu Đức Tuấn, Phó phòng phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Phố Wall lại cho rằng, việc xin rút niêm yết để tái cơ cấu lại doanh nghiệp là hợp lý. Bởi nếu doanh nghiệp tính chuyện niêm yết trở lại, có thể lúc đó cổ phiếu sẽ có mức giá tốt hơn. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc Công ty Đầu tư và Tư vấn S&D nhận xét: “Lý do hủy niêm yết là hoàn toàn có cơ sở. Vì hiện nay thanh khoản trên thị trường kém, nếu định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn trong bối cảnh thị trường thế này cũng là một khó khăn lớn với chính doanh nghiệp. Mặt khác, có thể doanh nghiệp tìm thấy cơ hội đầu tư ngoài thị trường hoặc cho ra một sản phẩm mới…”.
Cho dù đứng ở góc độ nào nhưng việc SGT xin hủy niêm yết rõ ràng đã tác động đến toàn thị trường gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý. Trước mắt, SGT có thể giải quyết được những “bức xúc” với thị trường. Nhưng đồng thời doanh nghiệp này cũng sẽ tạo nên một “vết đen” trong hồ sơ của mình. Họ sẽ bị mất uy tín trong con mắt của cả cơ quan quản lý và các nhà đầu tư, và đây sẽ là trở ngại không nhỏ, đặc biệt trong trường hợp làm việc hoặc đặt vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chưa kể, có thể họ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định nếu muốn quay trở lại sàn niêm yết. Còn đối với nhà đầu tư, họ sẽ mất cơ hội kỳ vọng giá lên đối với cổ phiếu này (bởi hiện SGT chưa được đánh giá đúng giá trị). Với cơ quan quản lý, đây là một sự việc chưa có tiền lệ, do đó xử lý như thế nào để không ảnh hưởng quyền lợi của bất kỳ một thành viên nào trên thị trường, cũng như không tạo ra những tiền lệ xấu, cũng là điều đáng phải quan tâm.
Học cách thích ứng với lũ
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 28/4, số mã chứng khoán có thị giá dưới mệnh giá trên sàn TP.HCM là 142, trên sàn Hà Nội là 85. Nếu nhìn vào những con số này, không ít nhà đầu tư lo ngại rằng SGT và SQC sẽ không phải là những cổ phiếu duy nhất xin hủy niêm yết.
Tuy nhiên, theo trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán thì nhà đầu tư cũng không nên quá lo ngại rằng một làn sóng xin hủy niêm yết cổ phiếu sẽ xuất hiện. Theo phân tích của vị này, SGT là cổ phiếu có đặc thù riêng. Phần lớn cổ phiếu của công ty này do các cổ đông lớn nắm giữ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Do đó, việc thông qua ý kiến đại hội cổ đông cũng không quá khó khăn. Còn đối những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trên thị trường hiện nay đều có cơ cấu cổ đông loãng, trong trường hợp muốn huy động phiếu để thông qua việc hủy niêm yết cũng không hề dễ dàng.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư đang trực tiếp tham gia giao dịch trên sàn chứng khoán vẫn cần cân nhắc thận trọng và học cách “chung sống với lũ”. Theo tư vấn của ông Chu Đức Tuấn, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp được đánh giá là có hoạt động kinh doanh tốt mà giá cổ phiếu bị giảm theo xu hướng chung của thị trường; doanh nghiệp buộc phải xin hủy niêm yết, trong trường hợp này không nên bán ra cổ phiếu, mà nên đồng hành cùng doanh nghiệp, hưởng cổ tức và đợi thời cơ. Còn đối với những doanh nghiệp có “sức khỏe tài chính” thực sự yếu, xin hủy niêm yết, nhà đầu tư cũng nên bán cổ phiếu để chuyển hướng đầu tư.