Doanh nghiệp đề xuất xây cao tốc, mở lối ra biển cho vùng núi phía Bắc
Chiều ngày 1/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng, là vùng địa đầu, cội nguồn, phên dậu và lá phổi của Tổ quốc với hơn 9,5 triệu ha, tiếp giáp 2 tỉnh của Trung Quốc.
Theo đó, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang đối diện với nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển khi địa hình bị chia cắt, kết nối giao thông kém. Thời gian di chuyển nội dùng và tới các trung tâm kinh tế còn lớn, liên kết với các cửa khẩu còn khó khăn. Trong đó, thời gian di chuyển trung bình đến Hà Nội là trên 6 giờ, chậm nhất ở khu vực phía Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu), tốc độ di chuyển tối đa theo hướng Đông Tây chỉ 30 - 40km/h.
Ngoài ra, sự đa dạng về văn hoá Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 31 dân tộc với sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống đòi hỏi một mô hình phát triển phù hợp. Chất lượng lao động thấp và chênh lệnh giữa các địa phương; tăng trưởng kinh tế không đều, nhiều tỉnh tăng trưởng giảm…
Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại diện Công ty CP Tư vấn quốc tế EnCity, đơn vị tư vấn quy hoạch vùng, cho biết Trung du và miền núi phía Bắc đang đối diện với nhiều thách thức liên quan đến địa hình chia cắt, kết nối giao thông kém.
Cụ thể, tình hình di chuyển giữa nội vùng và từ vùng này tới các trung tâm kinh tế còn lớn, liên kết cửa khẩu còn khó khăn. Chẳng hạn như để đến Hà Nội, việc di chuyển sẽ mất trên 6 giờ, trong đó, khu vực phía Tây Bắc (gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) là chậm nhất. Tốc độ di chuyển tối đa theo hướng Đông - Tây cũng chỉ 30-40 km một giờ.
Vì thế, EnCity đề xuất một số định hướng tổng thể trong công tác lập quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó định hướng cấu trúc tổng thể vùng gồm: 4 tiểu vùng, 4 hành lang kinh tế chính, 3 vành đai và 1 vùng động lực.
Theo đó, về vấn đề định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, EnCity đề xuất đến trước năm 2030 cần ưu tiên cho các tốc Bắc - Nam, mở thêm lối ra biển. Trong đó, tiếp tục nâng cao các tuyến đường kết nối cửa khẩu, các liên kết hướng tâm. Đầu tư cao tốc Bắc-Nam đoạn nối Hòa Bình-Thanh Hóa; tuyến Quốc lộ 16 kết nối với Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ. Ưu tiên nâng cấp, kết nối đường Vành đai 1 (QL.4) và đường Vành đai 3 (QL.37) để đẩy nhanh tốc độ kết nối Đông Tây. Nâng cấp và đầu tư các sân bay Điện Biên, Lai Châu, Nà Sản, và Sa Pa. Tuyến đường tốc độ cao (80km/h) kết nối Hòa Bình đến Ninh Bình.
Còn sau năm 2030 sẽ tập trung vào tăng cường kết nối Đông Tây - nghiên cứu đầu tư bổ sung Đường cao tốc Sơn La - Yên Bái (dọc QL37); thực hiện cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên để mở thêm lối ra biển.
Sau giai đoạn 2030, sẽ tăng cường kết nối đông tây, nhằm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng quy mô các trung tâm chế biến/sản xuất, đưa nông sản tới gần hơn các thị trường quốc tế và liên kết hệ sinh thái du lịch. Xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Điện Biên, nâng cao liên kết nội vùng và quốc tế, bảo vệ cơ hội phát triển trong tương lai.
Tiếp nhận đề xuất đầu tư đường cao tốc nối Hòa Bình - Thanh Hoá của EnCity, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là đề xuất đáng lưu tâm bởi đây là giải pháp để kết nối vùng này với cảng biển Nghi Sơn. Khi hình thành các tuyến đường sẽ liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng.
Với vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý đơn vị tư vấn cũng như các tỉnh phải chú trọng kết nối với thị trường Trung Quốc.