Đo lường năng lực hội nhập của các nền kinh tế địa phương

24/03/2011 05:38

Mục tiêu là để so sánh, đối chiếu mức độ và chất lượng hội nhập của mỗi địa phương, từ đó đưa ra các điều chỉnh hoặc cải thiện cần thiết cho việc gia tăng hiệu quả hội nhập.

Đo lường năng lực hội nhập của các nền kinh tế địa phương

Mục tiêu là để so sánh, đối chiếu mức độ và chất lượng hội nhập của mỗi địa phương, từ đó đưa ra các điều chỉnh hoặc cải thiện cần thiết cho việc gia tăng hiệu quả hội nhập.

Ngày 25/3, Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) thông qua chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Hậu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sẽ công bố Báo cáo Đánh giá Năng lực Hội nhập Kinh tế của các địa phương. Nhịp Cầu Đầu Tư phỏng vấn Tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (gọi tắt là Ủy ban), Phó Giám đốc dự án “Chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương”, xung quanh báo cáo này.

Tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.

Tại sao lại là “Chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương”?

Bước sang năm thứ 5 Việt Nam trở thành thành viên của WTO, một đòi hỏi cấp thiết đặt ra là làm thế nào để đánh giá được năng lực hội nhập của một ngành/địa phương là cao hay thấp, có hiệu quả hay không hiệu quả, có chất lượng hay không có chất lượng. Nhu cầu này kéo theo việc phải nghiên cứu xác định lại vai trò của hội nhập kinh tế và xây dựng thang đo lường cho vấn đề hội nhập.

Sau khi tiến hành tham vấn các chuyên gia và các thành viên ban hội nhập tại các địa phương, nhiệm vụ xây dựng một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hội nhập kinh tế cấp địa phương đã được đặt ra. Mục tiêu là thông qua công cụ này để so sánh, đối chiếu mức độ và chất lượng hội nhập của mỗi địa phương, từ đó đưa ra các điều chỉnh hoặc cải thiện cần thiết cho việc gia tăng hiệu quả của hội nhập.

Ông có thể giải thích rõ hơn chỉ số để đánh giá đối tượng là “năng lực hội nhập kinh tế quốc tế” cấp địa phương?

Trước hết, phải hiểu thế nào là hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được giới hạn bởi biên giới địa lý, hội nhập kinh tế thể hiện qua việc dịch chuyển của các dòng vật chất từ địa phương có biên giới này đến địa phương có biên giới khác. Dưới góc độ kinh tế, các dòng vật chất này bao gồm (1) sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) thể hiện ở thương mại xuất nhập khẩu hoặc thương mại nội địa từ vùng này đến vùng khác; (2) con người thể hiện ở việc đi du lịch, đi lao động tại nơi khác, hoặc đến sống và định cư ở một vùng đất mới; (3) dòng tiền mặt thể hiện thông qua đầu tư, viện trợ (không tính dòng tiền thực hiện cho thanh toán quốc tế vì việc này gắn trực tiếp với thương mại).

Địa phương được cấu tạo bởi một loạt các yếu tố cố định tại thời điểm quan sát. Các yếu tố này không dịch chuyển một cách tương đối. Bởi lẽ lúc quan sát, con người sống tại địa phương là không dịch chuyển, nhưng họ có thể sang vùng đất khác vào thời điểm khác.

Các yếu tố này thường gồm có: thể chế, cơ sở hạ tầng, con người sống và làm việc tại địa phương, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp kinh doanh tại địa phương. Các yếu tố tĩnh này cấu trúc và kết hợp với nhau theo những quy tắc nhất định tạo ra lực hấp dẫn cho địa phương đó. Địa phương hấp dẫn có trọng lực sẽ thu hút được các dòng vật chất dịch chuyển vào địa phương đó. Nếu lực hấp dẫn yếu, các dòng vật chất này sẽ dịch chuyển đến các địa phương khác hấp dẫn hơn.

Vậy chính quyền địa phương sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình nếu họ nắm rõ vấn đề này?

Vai trò của chính quyền địa phương là phải tạo ra một trường không gian có trọng lực hấp dẫn đối với loại vật chất mà họ mong muốn lựa chọn như trung tâm kinh doanh hoặc trung tâm văn hóa.

Báo cáo này căn cứ vào trụ cột nào và mức độ tin cậy đến đâu?

Chúng tôi đã xác định 8 trụ cột cấu thành mô hình năng lực hội nhập kinh tế của một địa phương. Trong đó, có 4 trụ cột tĩnh và 4 trụ cột động; các trụ cột động có sự giao thoa với phần còn lại của thế giới (địa phương khác và nước ngoài).

Bốn trụ cột tĩnh gồm (1) thể chế, (2) văn hóa, (3) cơ sở hạ tầng và (4) đặc điểm tự nhiên. Bốn trụ cột động là (5) thương mại, (6) du lịch, (7) đầu tư và (8) con người. Các trụ cột này tương tác với nhau tạo lực đẩy, nếu biết cách vận hành tốt, địa phương sẽ có thể phát triển một cách nhanh chóng.

Kết quả chính thu được từ nghiên cứu là gì?

Mỗi địa phương đều có sự khác biệt trên từng trụ cột. Các địa phương lớn như Hà Nội và TP. HCM có chỉ tiêu kinh tế xã hội nằm ở vị trí cao, tuy nhiên cũng có sự khác nhau nhất định. Điểm đặc biệt là trong khi điểm thể chế của TP. HCM đạt thứ hạng cao thì Hà Nội chỉ ở mức trung bình. Việc tổng hợp điểm theo 8 trụ cột cho phép so sánh các địa phương về năng lực hội nhập kinh tế về tổng thể.

Tuy nhiên, xét điểm theo từng trụ cột thứ hạng lại có sự thay đổi nhất định. Điều này cho thấy mỗi địa phương đã có sự đóng góp khác nhau của các trụ cột vào kết quả cuối cùng. Việc xem xét điểm này và thứ hạng là không cần thiết. Điều cần thiết là so sánh với các tỉnh có đặc điểm tương đồng nhưng lại tạo ra năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế xã hội tốt hơn để thay đổi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì thế, phân tích từng nhóm địa phương để đưa ra các đề xuất chính sách sẽ quan trọng hơn việc xem xét kết quả cuối cùng tổng hợp.

Chẳng hạn, nhóm các địa phương có năng lực hội nhập kinh tế quốc tế kém gồm Bắc Kạn, Hậu Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai. Tuy nhiên, trong phần 2 của báo cáo phân tích, một số địa phương trong nhóm này lại có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác về một số nhân tố nền tảng cho phát triển. Cải cách thể chế kém đã kéo năng lực hội nhập của Hậu Giang đi xuống.

Nhóm địa phương có năng lực hội nhập kinh tế quốc tế khá gồm có Bình Định, Long An, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Giang. Đây là nhóm địa phương có sự đa dạng nhất về các đặc điểm đồng thời xét theo từng trụ cột có khoảng cách đánh giá khác nhau xa. Nhóm các địa phương có năng lực hội nhập kinh tế quốc tế tốt là Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Dương, Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đo lường năng lực hội nhập của các nền kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO