DN ngành lương thực - thực phẩm: Ngập hàng tồn kho

HOÀNG NAM| 28/08/2013 06:51

Ngành lương thực - thực phẩm (LTTP) là một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM, thời gian qua, chính quyền Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư và phát triển.

DN ngành lương thực - thực phẩm: Ngập hàng tồn kho

Ngành lương thực - thực phẩm (LTTP) là một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM, thời gian qua, chính quyền Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư và phát triển.

Đọc E-paper

Để tồn tại và phát triển, DN ngành LTTP phải đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại...

Tuy nhiên, thông tin từ Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh ngành này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể là đầu vào bị ảnh hưởng bởi việc thu mua nguyên liệu, nguồn hàng không ổn định; đầu ra như chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng cao dẫn đến tồn kho tăng 26,5% đối với thực phẩm và 38,9% đối với đồ uống.

Tồn kho là kết quả của nhiều áp lực do suy giảm kinh tế nói chung, dẫn đến sức mua giảm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ tồn kho lớn, lại yếu thế ở hệ thống phân phối, không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu, hàng tiểu ngạch.

Trước tình trạng này, lãnh đạo FFA đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) thành viên, nhờ đó các hội viên của FFA không bị phá sản, giải thể. Tuy vậy, một số DN ngoài FFA lại có nguy cơ bị phá sản.

Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế Việt Nam liên tục chuyển biến qua lại ở các trạng thái: lạm phát tăng cao, kéo theo lãi suất tăng, suy thoái kinh tế kéo dài, chuyển sang giảm phát, sản xuất, tiêu dùng sụt giảm, kinh tế suy giảm.

Từ hiện thực đó, đến nay, DN ngành LTTP cũng gặp phải những khó khăn chung như khó tiếp cận với nguồn vốn vay do lãi suất khá cao khiến các DN có đủ điều kiện vay vốn (có sản xuất ổn định, có tài sản thế chấp) không dám vay để đầu tư cho sản xuất.

Đối với các DN cần vay vốn ngân hàng thì phần lớn lại vướng các quy định về điều kiện vay (nợ cũ, nợ quá hạn, tài sản thế chấp không đảm bảo...) hay không còn tài sản thế chấp nên không vay được.

Sức mua suy giảm, DN co cụm sản xuất, hoạt động cầm chừng, sản xuất hàng rẻ tiền, dễ bán; xoay xở vốn hiện có với mục tiêu duy trì hoạt động, không dám đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị.

Ngoài ra, do chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, xăng dầu, lương... đều tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm trong khi sức mua suy giảm nên giá bán sản phẩm không tăng, lượng hàng tồn kho tăng cao...

Một số biện pháp kích cầu của TP.HCM tỏ ra có hiệu quả, mang lại sự khởi sắc cho lĩnh vực kinh doanh ngành LTTP như: chương trình bình ổn; chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; chương trình Đưa hàng hóa về các khu công nghiệp, về nông thôn.

Tuy nhiên, kinh tế TP.HCM nói chung còn tồn tại nhiều khó khăn. Nhiều chính sách hỗ trợ dành cho DN chưa thực sự hiệu quả như: chính sách kích cầu của thành phố và hỗ trợ lãi suất cho DN khi vay vốn đầu tư, nhưng việc tiếp cận sự hỗ trợ này không đơn giản, đòi hỏi DN phải có nội lực mạnh. Số DN đáp ứng được yêu cầu này là rất ít.

Bài toán nợ xấu, lãi suất vay cao, tồn kho tăng nhanh... vẫn chưa được giải quyết. Nguồn lực tài chính của DN ngày càng suy giảm khiến đa số DN chưa dám mạnh dạn đầu tư công nghệ mới.

Để góp phần thiết thực trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN trong năm 2013, TP.HCM cần xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn.

Lãnh đạo FFA đề nghị TP.HCM kiến nghị các ngân hàng cho phép DN đóng lãi suất vay hằng quý thay vì hằng tháng như từ trước đến nay để giúp DN không bị rơi vào nhóm nợ xấu nếu không trả lãi kịp thời.

Đề nghị lãnh đạo TP.HCM hỗ trợ DN thông qua các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề về tài chính, tổ chức cho doanh nghiệp gặp gỡ chính quyền, cơ quan quản lý như thuế, hải quan, ngân hàng... để chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cần trực tiếp tiếp xúc với một số DN thông qua tổ chức hội nghề nghiệp để giải quyết khó khăn theo kiến nghị cụ thể của DN và theo đặc thù ngành nghề.

Đối với các DN nhỏ và vừa hiện đang gặp khó khăn về vốn vay, cần có cơ chế tháo gỡ, khoanh nợ cũ có lãi suất cao, cho vay nợ mới có lãi suất thấp hơn để DN có thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều quan trọng nhất mà DN cần hiện nay là sự ổn định của nền kinh tế được tạo nên do các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN ngành lương thực - thực phẩm: Ngập hàng tồn kho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO