Vì sao nông dân chưa giàu?

09/06/2009 00:56

Sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế thì nhà nông với nhà doanh nghiệp mới gắn bó. Song nhà nông phải được tổ chức thành nhà doanh nghiệp (chủ trang trại hoặc hợp tác xã), như bài toán phân số phải được “quy đồng mẫu số” trước khi cộng...

Vì sao nông dân chưa giàu?

Sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế thì nhà nông với nhà doanh nghiệp mới gắn bó. Song nhà nông phải được tổ chức thành nhà doanh nghiệp (chủ trang trại hoặc hợp tác xã), như bài toán phân số phải được “quy đồng mẫu số” trước khi cộng. Nghĩa là doanh nghiệp thương mại hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp chớ không thể với quá nhiều đầu mối là nông dân cá thể.

Đổi mới hơn 20 năm mà đặt câu hỏi này là hơi khó nghe. Nhưng đó là sự thật! Bài viết này chỉ nói ở khía cạnh sản xuất và tổ chức sản xuất. Vấn đề giàu nghèo còn có công tác giáo dục - dạy nghề, đầu tư cho nông thôn (chớ không phải để dân đóng góp) và tài trợ cho nông nghiệp (dù chỉ trong khuôn khổ WTO).

Sau đổi mới 10 năm, nhất là 5 năm đầu, sản xuất phát triển vượt bậc, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Đây là thời “cởi trói”, “bung ra” theo chiều rộng; từ đói đến no, từ thiếu đến đủ, từ rách đến lành và có tích luỹ tái sản xuất giản đơn.

Ngay như năm 1997, khủng hoảng kinh tế châu Á, khởi đầu từ Thái Lan rồi đến Hàn Quốc..., hậu quả rất nặng nề, mà Việt Nam có sao đâu. Đó là do ta chưa mở cửa. Nay trong hoàn cảnh tương tự, chỉ có điều khác là Việt Nam mới hội nhập, còn theo lộ trình, nhưng cũng đã nếm mùi khủng hoảng kinh tế thế giới “cay” hơn lần trước! Đây là điều để ta suy ngẫm.

Nông nghiệp Việt Nam có sản lượng lớn với các nhóm hàng lúa gạo, cá tra, cá ba sa, tôm sú, cà phê, cao su, trà, hạt tiêu, hạt điều, thuộc tốp đầu thế giới, năm 2008 xuất khẩu thu về 16,2 tỷ USD, trong đó thủy sản và gạo trên 7 tỷ. Vậy mà nông dân không giàu, càng ngày càng phân hóa mạnh.

Một số mặt hàng đã và đang có nguy cơ xuất khẩu chậm lại, giá thấp, như tôm sú, cá tra, cá ba sa và lúa gạo thì thường là được mùa rớt giá. Đó là do nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, ở đâu, bao nhiêu, bán cho ai, lời bao nhiêu... gần như không biết, chỉ biết mùa trước người ta làm bán lời to nên làm theo.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp thì như làm công tác khuyến nông. Ngay như tháng 5/2009 này mà còn nói trên báo, đài là “đang thiếu cá nguyên liệu”.

Sự thật là nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa và cũng có thể có anh sẽ phá sản, nhưng đâu phải do thiếu nguyên liệu; trong khi người nuôi cá kêu trời vì chất lượng con giống và dịch bệnh không ai giúp kiểm soát; giá thức ăn một tháng lên ba, bốn lần; còn giá cá thì ngang ngữa giá thành.

Lúa liên tiếp hai năm được mùa, được giá, tuy giá có trồi sụt là do điều hành xuất khẩu không tốt, nhưng lấy mặt bằng giá bình quân 4.200 đồng/kg, năng suất 6,5 tấn/ha và 1ha/hộ (thực tế bình quân khoảng 0,5ha/hộ ở An Giang) thì lợi nhuận vụ đông - xuân từ 12 đến 15 triệu/ha, nếu trừ tiền thuê đất thì còn lãi ròng khoảng 3 - 5 triệu/ha.

Lâu nay ta không tính tiền thuê đất, cứ nói tỷ lệ phần trăm lãi hay tăng doanh thu trên một héc-ta nên nông dân bị thiệt, nên năm nào tính cũng lãi mà nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí bán đất không phải là số ít.

Đó là chưa nói các dịch vụ làm đất, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển, tồn trữ... không do hợp tác xã đảm nhận nên tư nhân cũng “chia sẽ” một khoảng lớn của nông dân vì thế giá thành mới cao. Các cây, con khác cũng có tình hình tương tự. Làm ăn theo kiểu này thì phân hóa giàu nghèo là không kiểm soát nổi.Một bộ phận nông dân đang bị bần cùng hóa là sự thật!.

Sản xuất tự cấp, tự túc thì quan hệ giữa nông dân với chợ phiên, chợ làng là chính. Sản xuất hàng hóa nhỏ, dựa vào thiên nhiên và lao động thủ công thì quan hệ giữa nông dân với thương lái (chủ vựa, chủ chành) và chợ đầu mối tại vùng sản xuất là chính.

Sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế thì nhà nông với nhà doanh nghiệp mới gắn bó. Song nhà nông phải được tổ chức thành nhà doanh nghiệp (chủ trang trại hoặc hợp tác xã), như bài toán phân số phải được “hóa đồng mẫu số” trước khi cộng.

Nghĩa là doanh nghiệp thương mại hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp chớ không thể với quá nhiều đầu mối là nông dân cá thể.

Nhưng để khắc phục bước quá độ do trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân còn hạn chế và tình trạng chấp hành luật pháp trong sản xuất, kinh doanh còn quá mới lạ và nhiều hợp tác xã, trang trại còn là hình thức, nên cần có sự liên kết “bốn nhà”, mà Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ chỉ mới là gợi mở ban đầu, chứ chưa mang tính hiệu lực pháp luật.

Trong khi chờ hoàn thiện các luật có liên quan, làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong hệ thống chính trị đối với nông dân - nông nghiệp - nông thôn trong cơ chế thống nhất, lợi ích hài hòa, xử phạt cụ thể, thì vấn đề cần làm ngay để vượt qua khủng hoảng và cũng là tạo tiền đề về sau là Nhà nước phải làm “nhạc trưởng” để gắn kết doanh nghiệp với nông dân thông qua hình thức tổ chức trang trại và hợp tác xã.

Phải có chế tài cho cả hai phía, sòng phẳng, đúng luật. Các cơ quan chức năng nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ đến khi nào giữa nông dân và doanh nghiệp gắn kết nhau thành nề nếp.

Muốn làm được phải bắt đầu từ những mặt hàng có tính đặc thù như cá, tôm, rau củ, lúa gạo đặc sản; sản lượng lớn từ những doanh nghiệp có thị trường ổn định và từ những trang trại, hợp tác xã biết làm ăn.

Thà ít mà tốt và từ ít tới nhiều, vững chắc. Nhưng cần phải khẳng định trước là nếu nông dân và nền sản xuất không tổ chức lại cho hợp cách làm của thế giới - tức “quy đồng mẫu số” thì càng hội nhập càng thua. Nông dân thua tại ruộng, doanh nghiệp thua tại chợ, nông nghiệp - nông thôn sẽ tiêu điều.

NGUYỄN MINH NHỊ
(Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Chỗ đứng của người nông dân ở đâu?

Nông dân hiện nay chỉ có một “đặc ân” duy nhất là được miễn thuế nông nghiệp. Họ đang bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Từ năm 2000 đến 2008, cả nước có hơn 500.000ha đất nông nghiệp bị thu hồi, bình quân mỗi năm nông dân phải giao 74.000ha đất canh tác cho việc phát triển khu công nghiệp và đô thị.

Sau khi ruộng đất bị thu hồi, chỉ có 5-6% nông dân tìm được việc làm, 94% còn lại phải xoay xở rất vất vả để kiếm sống.

Chính quyền địa phương nhiều nơi không có hướng đi rõ ràng cho người nông dân mất ruộng. Không nghề nghiệp, không trình độ, họ biết phải làm gì hơn ngoài việc đổ về các thành phố lớn làm đủ mọi nghề để mưu sinh.

Họ không được đóng bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội, cũng không được nhận trợ cấp hay lương hưu. Con cái của họ sẽ ra sao và tương lai họ về đâu nếu cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn vô gia cư và thất học nối tiếp?

Thực tế, ngành công nghiệp hiện nay chưa sản xuất được bao nhiêu máy móc và vật tư cho nông nghiệp. 70% phân bón, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu, trong khi một nửa sản phẩm làm ra của nông nghiệp cung cấp cho xuất khẩu và khu vực đô thị.

Nông thôn đang đuối sức, đất đai ngày một giảm xuống trong khi dự báo 20 năm tới sản lượng nông nghiệp không tăng. Một khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn thì không thể giải được bài toán phát triển nông nghiệp - nông thôn. Và nếu không tính toán kỹ thì còn làm cho nông dân ngày càng nghèo thêm.

Chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị sẽ không bị thu hẹp, trái lại còn gia tăng. Và như vậy, doanh nhân và nông dân dù rất cần nhau cũng khó mà giúp nhau phát triển sản xuất - kinh doanh.

nguyeen@gmail.com (Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông nghiệp - nông thôn Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao nông dân chưa giàu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO