Để liên kết hiệu quả: Nông dân phải tự thay đổi

LÊ QUỐC PHONG Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền| 03/09/2009 09:28

Hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nền nông nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ và nhịp nhành giữa “các nhà”...

Để liên kết hiệu quả: Nông dân phải tự thay đổi

Hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nền nông nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ và nhịp nhành giữa “các nhà”, gồm nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà DN và người nông dân thì mới đảm bảo thành công.

Trong đó, nông dân với vai trò là chủ thể trong sản xuất nông nghiệp cần phải chủ động thay đổi cách nhìn, cách làm và cách nghĩ.

Trước hết, nông dân phải biết điểm mạnh, điểm yếu của mình trong điều kiện cụ thể ở từng địa phương để có thể sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn và chất lượng ổn định.

Ảnh: Nguyễn Bá Hào

Để phát triển, không có cách nào khác là người nông dân phải chủ động tổ chức lại hệ thống sản xuất, thị trường và đặc biệt phải tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế được tuyển chọn ngay từ khâu đầu tiên là giống, đến áp dụng kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến. Người nông dân cần phải biết rõ sản phẩm của mình sẽ bán ở đâu, với phương thức thế nào, giá cả bao nhiêu, yêu cầu chất lượng sản phẩm ra sao. Đây là vấn đề rất quan trọng, thiết thực để nông dân chủ động trong hoạch định và tổ chức sản xuất.

Muốn vậy, điều tất yếu là nông dân phải được thông tin về dự báo tình hình thị trường, được trang bị kiến thức về thị trường và những tiến bộ kỹ thuật mới để từ đó áp dụng vào sản xuất. Người nông dân thời hội nhập cần phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tốt. Có kiến thức sẽ giúp nắm bắt thông tin thị trường, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn giống cây, con phù hợp và áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, chế biến. Kết quả của quá trình này sẽ làm cho năng suất tăng cao, chất lượng nông sản tốt, phương pháp sơ chế đúng, bảo quản phù hợp sẽ giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Về phía DN, cần phải trang bị cho nông dân những kiến thức và kỹ năng để áp dụng mô hình sản xuất GAP (Good Agricultural Practices). Áp dụng GAP, nông dân sẽ có được nông sản với chất lượng cao, giá bán cao hơn, đồng thời hạn chế sử dụng hóa chất nhằm từng bước sản xuất ra sản phẩm sạch và góp phần bảo vệ môi trường.

Để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, không còn cách nào khác là chúng ta phải hỗ trợ để nông dân thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ manh mún, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong việc liên kết trong sản xuất để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, chuyển đổi chậm, không đồng bộ, chưa liên kết thành chuỗi đang diễn ra. Người nông dân cần tham gia trong tiến trình đổi mới hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện nay và tiến tới hình thành các DN nông nghiệp. HTXä phải giúp nông dân trong việc nắm bắt thông tin kịp thời về thị trường, kỹ thuật sản xuất.

Thông qua HTX và các mô hình liên kết sản xuất, nông dân có thể được áp dụng chính sách tín dụng vay vốn với phương thức phù hợp để quyết định quy mô sản xuất một cách có hiệu quả.

Điệp khúc “được mùa mất giá” luôn thường trực trên đôi vai người nông dân nước ta. Những hàng rào kỹ thuật dựng lên ngày càng nhiều ở các nước nhập khẩu đang là rào cản đối với hàng nông sản xuất khẩu. Điều đó càng đòi hỏi cần có chiến lược đồng bộ từ khâu lập chính sách, sự phối hợp giữa các ngành đến quy hoạch, đào tạo cho người nông dân.

Nhà nước cần chủ động trong việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyển đổi sang công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch tổng thể xác định cơ cấy cây trồng, vật nuôi phù hợp sẽ giúp cho  nông dân chủ động trong sản xuất, bố trí trồng cây gì, nuôi con gì. Cùng với những chính sách của Nhà nước, các đoàn thể, các nhà khoa học, hiệp hội ngành nghề và DN cần hỗ trợ nông dân trong quá trình liên kết và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Khi nông dân đã liên kết với nhau thì dễ dàng tiếp cận được với tiến bộ kỹ thuật mới, các giống cây trồng, vật tư, phân bón và biện pháp thâm canh mới. Khi tạo thành tổ liên kết sản xuất, HTX hay DN, người nông dân sẽ có được lợi thế cạnh tranh từ việc được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... với giá hợp lý (vì mua với số lượng lớn).

Họ cũng được lợi thế trong việc triển khai sản xuất vì qui mô lớn sẽ giảm suất đầu tư và thuận lợi trong việc tiêu thụ do có thể ký được hợp đồng trước với các doanh nghiệp. Kết quả của quá trình này là nông dân có chi phí sản xuất thấp, năng suất cao, sản lượng đủ lớn, chất lượng ổn định và đầu ra thuận lợi từ đó có đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để liên kết hiệu quả: Nông dân phải tự thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO