Tuy cao hơn so với mức tăng 4,61% của quý IV/2020, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng UOB, mức này vẫn thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức trung bình 6,77% của quý IV trong giai đoạn 2011-2019. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực dịch vụ, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, ngành dịch vụ chỉ tăng 1,22% trong năm 2021, chậm hơn so với mức tăng 2,34% hồi năm 2020. Trong đó, phân khúc dịch vụ lưu trú và thực phẩm giảm gần 21%, còn ngành giáo dục, viễn thông và các dịch vụ tài chính tăng trưởng tốt trong năm nay. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục hoạt động khởi sắc hỗ trợ mạnh mẽ cho tổng thể GDP cả nước với mức tăng 6,4% trong năm 2021, cao hơn mức tăng 5,8% hồi năm 2020.
Lĩnh vực ngoại thương như thương mại và đầu tư nước ngoài tiếp tục hoạt động tốt hơn so với các lĩnh vực khác.
Xuất khẩu tăng 24,8% trong tháng 12 (tháng 11 là 26,3%) trong khi nhập khẩu tăng 14,6% (tháng 11 là 24,1%), xuất siêu 2,54 tỷ USD (tháng 11 là 1,26 tỷ USD). Trong cả năm, việc tăng tốc nhập khẩu cho đến hết năm 2021 đã làm giảm thặng dư thương mại xuống còn 4,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức thặng dư lớn ở mức 19,9 tỷ USD hồi năm 2020.
Sản lượng các ngành sản xuất tháng 12/2021 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong tổng mức tăng cả năm là 6% (năm 2020 là 4,9%). Trong đó, sắt thép tăng 22%, vật tư thiết bị y tế tăng 16,4%, cơ khí vận tải tăng 12,9%, điện tử tăng 12,4%, may mặc tăng 7,6% và giày dép tăng 5,2%…
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, khi dòng vốn FDI đăng ký cộng dồn tăng 9,5%, lên 31,2 tỷ USD năm 2021, so với 28,5 tỷ USD hồi năm 2020, được thúc đẩy bởi cả dòng vốn đầu tư vào các dự án hiện hữu và dòng vốn đầu tư gia tăng mới.
Cũng theo đánh giá của Ngân hàng UOB, khu vực ngoại thương từ sản xuất, thương mại quốc tế và nguồn vốn FDI là các điểm mạnh hỗ trợ tăng trưởng GDP trong 2 năm vừa qua. Xu hướng tích cực này có thể sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2022 với dòng vốn FDI được tích lũy trong những năm qua sẽ hỗ trợ năng lực sản xuất.
Một số lĩnh vực như bán lẻ và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng khi đại dịch tiếp tục làm gián đoạn các hoạt động này trong nước. Tuy nhiên, với khoảng 70% người dân đã được tiêm ít nhất hai mũi vaccine và đang triển khai các mũi tiêm tăng cường cho người trưởng thành sẽ giúp các hoạt động bán lẻ và du lịch nội địa của Việt Nam tốt hơn trước, hỗ trợ đà tăng trưởng trong năm 2022, đặc biệt khi các hạn chế hoạt động xuyên biên giới được nới lỏng hơn.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron tiếp tục là một thách thức, làm gia tăng những rủi ro ảnh hưởng phục hồi kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là trong quý I/2022. Do đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 từ 7,4% xuống còn 6,8%.