Địa phương hóa toàn cầu

Đại Nghĩa (Theo The Economist)| 15/04/2010 04:48

Đối với các công ty có mô hình phát triển theo hướng toàn cầu hóa, thấu hiểu văn hóa địa phương là một điều sống còn và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với quản trị trong thế kỷ này.

Địa phương hóa toàn cầu

Đối với các công ty có mô hình phát triển theo hướng toàn cầu hóa, thấu hiểu văn hóa địa phương là một điều sống còn và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với quản trị trong thế kỷ này.

Xuyên qua các nền văn hóa

Glocal (tạm dịch là địa phương hóa toàn cầu) là sự kết hợp của hai từ global (toàn cầu) và local (địa phương). Trong cuốn sách mới đây Leading with Cultural Intelligence (Lãnh đạo bằng hiểu biết văn hóa), tác giả David Livermore cũng là một chuyên gia quản trị nổi tiếng đã giải thích tại sao các công ty đa quốc gia cần phải địa phương hóa toàn cầu. Ông cũng giải thích tại sao họ cần phải hiểu rằng “thật sự không có chuyện văn hóa toàn cầu đồng nhất”. Theo tác giả, không chỉ quan tâm tới tiếp thị, mà công ty còn phải tuyển dụng và quản lý đội ngũ nhân viên trong những khu vực khác nhau trên thế giới.

Ảnh: Quý Hòa

Trong cuốn sách, một khảo sát với các chuyên viên cao cấp từ 68 quốc gia cho thấy: có khoảng 90% hiểu được “lãnh đạo xuyên các nền văn hóa” (cross-cultural leadership) là sự thách thức lớn nhất về mặt quản trị trong thế kỷ này. Bên cạnh đó, những nghiên cứu khác nhau cho thấy từ 16 - 40% các giám đốc được phái đi công tác nước ngoài đã phải ngậm ngùi kết thúc công việc sớm. Trong đa số trường hợp, thất bại là do sự khác biệt văn hóa nảy sinh, chứ không phải thiếu kỹ năng làm việc.

Để giải quyết cho vấn đề, tác giả Livermore đã đưa ra khái niệm “thấu hiểu văn hóa” và tiêu chuẩn để đánh giá nó là chỉ số thấu hiểu văn hóa CQ (Cultural-intelligence Quotient). Livermore đã định nghĩa nó là “khả năng hoạt động hiệu quả xuyên qua những nền văn hóa quốc gia, dân tộc và có tổ chức”. Livermore cho rằng, các công ty cần ưu tiên phát triển sự thấu hiểu văn hóa.

Đó cũng là cách thức mà một số công ty hàng đầu đòi hỏi các giám đốc cần có “sự thấu hiểu cảm xúc” và đánh giá nó thông qua chỉ số thấu hiểu cảm xúc EQ (Emotional-intelligence Quotient). Vậy CQ và EQ khác nhau như thế nào? CQ là sự mô phỏng EQ nhưng để áp dụng cho những vấn đề đặc biệt dành cho sự toàn cầu hóa của công ty.

CQ: Mạnh hơn IQ và EQ?

Nhiều công ty đã thất bại trong khi nỗ lực huấn luyện nhân viên hiểu được những vấn đề văn hóa bởi vì họ chỉ dừng lại ở những lý thuyết suông, còn mơ hồ về tôn trọng tính đa dạng văn hóa. Để vượt qua trở ngại này, các công ty đó phải nhận diện và giải quyết được những vấn đề văn hóa cụ thể. Khi tuyển dụng nhân viên để đi nước ngoài hay nhân viên từ những nước khác, công ty cần cố gắng xác định được nhân viên nào có chỉ số CQ cao và nên đưa CQ vào chương trình huấn luyện và hệ thống bậc lương.

Hầu hết những công ty đa quốc gia đều đang theo đuổi CQ và những hãng nhỏ hơn kinh doanh với thị trường nước ngoài thông qua internet cũng càng ngày càng quan tâm tới CQ. Cách tiếp cận của Livermore là một trong những cách được một số công ty áp dụng. Chẳng hạn, Yum! Brands, công ty mẹ của KFC và Pizza Hut, hiện đang sử dụng mô hình ABR (Achieving Breakthrough Results: Đạt được kết quả đột phá) để hợp nhất và địa phương hóa văn hóa công ty. Đây là mô hình do John O’Keeffe, một chuyên gia về quản trị, phát triển.

Ngay cả chính phủ Obama cũng đang nhận ra rằng để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu trong 5 năm tới, giới doanh nhân Mỹ cần nhanh chóng nâng cao hiểu biết về những nền văn hóa khác. Bộ Thương mại Mỹ đã kết hợp với Trung tâm Học tập Toàn cầu của Livermore để phát triển các chương trình huấn luyện CQ. Như Livermore đã mô tả, nhiều công ty nhỏ và vừa đang cố gắng phát triển xuất khẩu sẽ gặp thất bại trừ phi họ nâng cao sự thấu hiểu văn hóa.

Livermore nhận định tình hình: “Hầu hết các công ty vẫn đang tập trung chủ yếu vào các chính sách thương mại hợp pháp và thờ ơ với nhu cầu suy nghĩ thông qua việc thương lượng, tiếp thị, phân phối... dưới góc độ văn hóa”. Chính vì vậy, thấu hiểu văn hóa luôn luôn là vấn đề sống còn đối với các công ty trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Địa phương hóa toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO