Yêu phố

THIÊN THANH| 07/03/2015 03:25

Giao thừa, các bạn về quê...

Yêu phố

Giao thừa, các bạn về quê. Các bạn tôi đã định cư ở phố trên chục năm, kịp xây dựng gia đình, có nhà cửa con cái, đã lập bàn thờ Phật, đã tìm được ngôi chùa riêng cho không gian tâm linh của mình. Vậy mà ra ngoài 20 tháng Chạp là lục tục đùm con, dắt vợ về quê. Người quyến luyến lắm thì cũng mùng Hai là lên đường.

Đọc E-paper

Gần giao thừa, có bạn gọi, hỏi góc đường Mạc Thị Bưởi chỗ gần bờ sông Sài Gòn năm nay người ta có xả hàng gốm sứ? Hỏi cà phê trước cửa cơ quan năm nay mở đến mấy giờ, mấy anh em có kịp giao cặp bánh tét cho ông chủ xe cà phê đẩy ngày ngày tận tụy phục vụ nhóm mình?

Hỏi năm nay có đi chơi đường hoa Nguyễn Huệ không? Rồi bỗng nhớ, nó bảo năm nay đường Nguyễn Huệ làm công trình metro, không có bày hoa.

Rồi qua mùng Một, mùng Hai, đứa khác đã về tới Quảng Nam còn gọi trở vô, cũng một giọng nhớ Sài Gòn, bảo đường quê nông thôn mới trải bê tông, đi giữa hai bờ ruộng lúa non vụ Đông Xuân, hương đồng thơm ngát, bỗng thương phố, thương hẻm, rồi thương bạn Sài Gòn thắt ruột. Rồi nó đoán đường Lê Lợi chừ chắc thênh thang phóng xe.

Rồi lên mạng, lướt web, thấy cũng chia hai phe, kẻ khoe quê kiểng, người mong mỏi ngày gặp lại anh em chiến hữu giữa đô thành. Có đứa bạn tận ngoài Quảng Trị cũng nhắn trong hộp thư, này sao tao về nhà mà bỗng nhớ thế cái ban trưa nóng nảy của phố, lúc người ta hối hả chạy tìm một bữa trưa trong quán cơm văn phòng hay cơm bụi, kẹt xe, kẹt trong làn khói.

Rồi đến buổi chiều dài lê thê trong văn phòng, chỉ là để chờ con phố nó vãn vãn cái đám đông khổng lồ tan tầm. Cậu ấy còn nhớ cả cái cảm giác buồn buồn mỗi khi đi qua mấy cái nhà hàng sang trọng đầu đường Lê Quý Đôn, vì nghĩ rằng chưa biết bao giờ mới đủ tiền vào đó tiệc tùng.

Rồi bảo, sao giờ tui không thấy buồn như thế, mà chỉ muốn qua đó, ngắm nhìn những vạt cỏ xanh hiếm hoi trồng trên một vài con phố yên tĩnh cũng rất hiếm hoi giữa trung tâm.

Dòng người về quê đón Xuân đã để lại sau lưng cái nôi đô thị chở che cho họ trong những tháng ngày mưu sinh, cho thành phố được nghỉ ngơi chút đỉnh sau hơn ba trăm sáu chục ngày vật lộn quá tải. Để sau đó đô thị lại tiếp nhận dòng sinh lực của người khắp nơi đổ về hồi sinh, phát triển cùng Xuân mới.

Mùng Bốn, mùng Năm Tết, ra ngoài quốc lộ, ra mấy đường cao tốc nối về miền Tây, miền Trung, những đoàn xe đầu tiên chở dòng người về lại, bắt gặp gương mặt tươi tắn nhất lấp ló ngoài cửa xe háo hức nhìn phố. Đừng buồn họ, dẫu họ tha gánh hàng rong, những sinh hoạt luộm thuộm về lại phố.

Hãy nhớ cái tiếng rao "Chai bao dép đứt, bán hông?", nghe nằng nặng ngang đầu hẻm, lần đầu tiên ta thấy mừng quá vì cả đống đồ thải loại cuối năm rất cần một gánh ve chai dọn dẹp hộ.

Rồi đến đầu năm mùng Sáu Tết, chị ấy đã rụt rè gõ cửa nhà bạn, hỏi có lon bia, nước ngọt uống Tết chị mua. Đến cuối Xuân chị ấy lại ghé nhà, lúng túng gửi bao đậu phộng đã bóc hết vỏ, nói chịu khó làm ít kẹo đậu phộng cho em nó ăn.

Hỏi đậu ở đâu mà đem cho, chị bảo thỉnh thoảng vẫn chạy về nhà tranh thủ lo mấy công đất vườn, đậu phộng vừa thu hoạch tháng 4 ngon lắm! Lại cắc cớ hỏi sao không ở luôn dưới đó cho khỏe mà cứ chạy ra phố cơm hàng cháo chợ, nhà trọ hai trăm ngàn mỗi tháng cực lắm, có chi sướng mà lên phố.

Bất ngờ nghe chị ấy nói, lâu lâu ra chút cho đỡ nhớ phố, nhớ mấy người quen như tụi em. Nghe vậy nhìn ra con đường xe đông nghẹt chốn thị thành khổ sở này bỗng thấy trở nên dễ chịu hơn. Dù sao mùa Xuân cũng đã chín trên con đường đông nghẹt thở ta qua mỗi ngày!

>Truyền thống
>Lão Mai trong vườn cũ
>
Nén hương Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Yêu phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO