Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang EU: Dò dẫm tìm đường

13/11/2014 06:37

Không sản xuất nổi ốc vít cho Samsung ngay trên sân nhà, nhưng DN công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.

Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang EU: Dò dẫm tìm đường

Không sản xuất nổi ốc vít cho Samsung ngay trên sân nhà, nhưng DN công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU. Bởi với khoản tiền tài trợ lên đến 412.839 euro theo Dự án công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu (EU) mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, DN Việt Nam sẽ rộng đường hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và tìm kiếm đối tác.

Trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu thép và gia công cơ khí cho nhiều đối tác của Nhật Bản, điển hình là hợp tác với Tập đoàn Taisei để triển khai Dự án nhà ga T2 Nội Bài, hoặc một số nước như Hà Lan, Na-Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản… song Công ty Cổ phần Cơ khí Savidaxin lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin hỗ trợ.

DN tự “bơi” tìm đơn hàng


Ông Nguyễn Thế Hiệu, Phụ trách kinh doanh công ty Cổ phần cơ khí Savidaxim, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là vốn và nguồn việc, tiếp cận được các dự án của EU và Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi thiếu rất nhiều thông tin về vấn đề này. Những yêu cầu về chất lượng DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, kể cả thiết kế, chế tạo và khâu hoàn thiện. Nhưng việc tiếp cận thông tin của đối tác, thông tin hỗ trợ là gần như không có, các DN phải tự đi tìm tòi, không nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, chúng tôi chỉ mong muốn được hỗ trợ về nguồn thông tin, các dự án đầu tư vào Việt Nam để DN Việt Nam tiếp cận được dự án đó và triển khai”.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI - Bộ Công Thương), DN sản xuất các sản phẩm linh kiện, phụ tùng trong nước đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu của DN FDI, nên việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh XK ra nước ngoài, đặc biệt là những nước tiên tiến như EU là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo khảo sát của IPSI, khả năng tiếp cận thị trường EU của các DN Việt Nam, đặc biệt là DN trong ngành công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế.

Hiện Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,22% tổng giá trị nhập khẩu linh kiện, phụ tùng của EU. Theo điều tra hơn 200 DN trong lĩnh vực linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa, cao su và điện – điện tử cho thấy, thị trường XK chủ yếu của DN vẫn là Đông Á và Asean, và chỉ có 28,4% DN có sản phẩm XK vào EU.

Trong đó, có đến 90% DN chưa có chiến lược XK sang EU, chưa xác định được sản phẩm chiến lược có lợi thế cạnh tranh, hình thức XK chủ yếu của DN công nghiệp hỗ trợ sang EU là gián tiếp, DN XK trực tiếp chiếm khoảng 25%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của IPSI, khó khăn lớn nhất của DN để XK vào thị trường EU là do những sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, thiếu thông tin thị trường, nắm bắt đầy đủ những quy định về tiêu chuẩn sản phẩm mà EU quy định, cũng như thiếu vốn và kênh phân phối.

Trong khi đó, DN lại hạn chế trong việc đàm phán và thương thảo hợp đồng, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu cơ sở dữ liệu về các DN sản xuất linh kiện trong nước để có thể đánh giá đầy đủ năng lực, tiềm năng cũng như kết nối DN với thị trường XK.

Hỗ trợ cần đúng và trúng

Trở lại câu chuyện của Savidaxim khi tham dự Hội thảo “CNHT Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu” IPSI tổ chức mới đây để giới thiệu về chương trình tài trợ, đại diện của DN cho rằng việc giới thiệu các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tìm kiếm đối tác ở châu Âu là hình thức rất tốt cho DN để tiếp cận được đơn hàng. Tuy nhiên, theo ông Hiệu một trong những nội dung của chương trình là lựa chọn các DN đã XK vào EU để hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của EU là… thừa.

Cũng bởi, với những DN đã có đơn hàng XK được sang các nước trong EU như Savidaxim, nắm rõ yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của EU, có sản phẩm đáp ứng thị trường, việc đào tạo là không cần thiết, trong khi cái DN cần là thông tin tiếp cận dự án và đối tác thì chưa được đưa ra đầy đủ.

EU được đánh giá là thị trường tiềm năng cho XK các sản phẩm linh kiện, phụ tùng do nhu cầu của thị trường này đang ngày càng tăng lên. Các lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng cũng đang được chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt khi Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ mở ra cơ hội XK lớn cho DN sản xuất linh phụ kiện sang thị trường này. Tuy nhiên, theo TS. Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương), hiện mạng lưới sản xuất toàn cầu đã cơ bản hoàn thành, các quốc gia trong khu vực đã có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, do đó DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức để có thể “chen chân” vào chuỗi cung ứng này.

“Muốn gia nhập các chuỗi cung ứng, XK sang EU DN Việt Nam không những phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh cạnh tranh gay gắt từ hệ thống các DN trong khu vực và trên thế giới, các quốc gia trong khu vực đã có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, dù năng lực còn hạn chế song DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp các sản phẩm với yêu cầu công nghệ và tiêu chuẩn ở mức trung bình, từ đó tham gia sâu hơn vào thị trường này. Dự án tài trợ này cho thấy, DN công nghiệp phụ trợ có tiềm năng mới nhận được hỗ trợ, sẽ giúp ích rất nhiều cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối thông tin thị trường”, Ts. Bình nói.

Nên nhắm tới thị trường Hà Lan - Ông Guenther Fandrich, chuyên gia hỗ trợ chiến lược ngành linh kiện điện tử của Malaysia

Những mảng thị phần mà Việt Nam có thể tham gia, là lắp ráp điện tử, ngành tự động hoá hay lắp ráp tích hợp, sản phẩm tự động hoá động cơ điện. Hiện DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt trước hết với Trung Quốc, nên để đuổi kịp, ngay từ bây giờ DN cần nâng cao giao tiếp bằng tiếng Anh, có khả năng linh hoạt xây dựng nhóm, đưa ra sản phẩm thích ứng.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu, tuỳ từng sản phẩm và thị trường mục tiêu, DN sẽ phải tích hợp thêm các tiêu chuẩn khác. Cần nhắm đến thị trường Hà Lan để XK linh kiện, vì đây dù là thị trường nhỏ nhưng có nhiều trụ sở công ty toàn cầu, và đây cũng là nước đứng đầu về công nghệ tự động hoá, ứng dụng công nghệ và viễn thông.

Sẽ kết nối các hiệp hội DN cơ khí quốc tế với Việt Nam - TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương)

Việc kết nối với EU sẽ được tăng cường khi nâng cấp website Vietnam-manufacturing.com thành cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ từ năm 2015. Bên cạnh xuất bản thường niên sách về công nghiệp hỗ trợ, dự án sẽ tổ chức cho các đoàn đi dự hội chợ Hannover hàng năm với 50% chi phí máy bay và cho 20 DN/lần.

Dự án sẽ kết nối các hiệp hội DN cơ khí quốc tế với Việt Nam và cải thiện chính sách liên quan tới công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, sẽ xây dựng cổng thông tin với 500 DN tham gia trong đó 10% là DN EU và đào tạo 100 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn EU.

Dự kiến, 50% DN tham gia dự án có hiệu quả thực sự khi áp dụng tiêu chuẩn của EU vào DN.

>Cung ứng cho Samsung: "Cửa hẹp" cho doanh nghiệp Việt
>Dệt may trước thềm TPP: Khó có ló khôn?
>
Kinh tế đi lên, ai đi xuống?
>Phòng vệ thương mại: “Cú huých” từ ngành thép

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang EU: Dò dẫm tìm đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO