Xuất ảo, nhập thật

HẢI VÂN (thực hiện)| 27/04/2011 05:25

Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hạng cao trên thế giới, nhưng theo ông Bùi Trinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển bền vững - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: “Giá trị thu về rất thấp, bởi chúng ta vẫn xuất khẩu theo cơ cấu xuất ảo, nhập thật”.

Xuất ảo, nhập thật

Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hạng cao trên thế giới, nhưng theo ông Bùi Trinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển bền vững - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: “Giá trị thu về rất thấp, bởi chúng ta vẫn xuất khẩu theo cơ cấu xuất ảo, nhập thật”.

* Lấy xuất khẩu (XK) làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay trong những năm Việt Nam có mức XK tăng trưởng ngoạn mục vẫn ẩn chứa bất cập?

- Tổng thể nền kinh tế cho thấy, để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng sẽ kích thích 1,44 đơn vị nhập khẩu (NK). Về trị giá XK, theo bảng phân loại tiêu chuẩn ngoại thương, gồm hai nhóm chính là hàng hóa thô và hàng hóa qua chế biến.

Nhập siêu tăng cao những năm qua, quý I/2011, nhập siêu trên 3 tỷ USD (nguồn: Tổng cục Thống kê). Về cơ bản, nhập siêu tăng cao là do nhập nguyên liệu cho sản xuất, chế biến hàng XK.

Điều này cho thấy, cơ cấu XK thay đổi tương đối rõ rệt, nếu năm 1995, tỷ trọng XK hàng hóa thô là 67,2%, thì những năm gần đây chỉ còn khoảng 45%.

Thoạt nhìn, đây là một tín hiệu đáng mừng, XK của Việt Nam đã chuyển dịch từ xuất thô sang xuất sản phẩm chế biến, tạo hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Nhìn sâu vào nhóm hàng xuất thô có tỷ trọng cao nhất là lương thực, thực phẩm và nhóm “nhiên liệu, dầu mỡ nhờn và vật liệu liên quan” sẽ thấy, tỷ trọng của nhóm này giảm cơ bản.

Nguyên nhân là do nhóm “lương thực, thực phẩm” giảm từ 38% năm 1995 xuống còn 19% những năm gần đây trong khi nhóm “nhiên liệu” lại hầu như không giảm.

* Kim ngạch XK các mặt hàng may mặc, da giày, điện tử, phần mềm, đồ gỗ chiếm tỷ lệ cao, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc ta đã chuyển cho nước ngoài phần lớn lợi nhuận trong chuỗi giá trị được tạo ra từ sản xuất đến XK?

- Tỷ trọng XK của nhóm hàng chế biến tăng khá mạnh, từ 33% năm 1995 đến trên 55% những năm gần đây. Tuy nhiên, hàm lượng giá trị gia tăng của các nhóm hàng này trong nền kinh tế rất thấp, chỉ khoảng 23% giá trị sản xuất, trong đó, hàng dệt may, thép (chỉ chiếm khoảng 9 - 10% trong tổng giá trị sản xuất), nhóm da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất cũng chỉ vào khoảng 15 - 18%.

Nếu xem xét kỹ hơn cơ cấu của xuất nhập khẩu và chỉ số lan tỏa về NK có thể thấy, ngành dệt may và da giày chiếm cao nhất, xấp xỉ 22% trong tổng kim ngạch XK.

Nhưng những ngành chiếm tỷ trọng XK cao cũng là những ngành có hệ số lan tỏa về NK cao nhất, chẳng hạn như dệt may và da giày có hệ số lan tỏa về NK là 1,35. Điều này có nghĩa những ngành này kích thích NK rất mạnh.

Về bản chất, nhóm hàng qua chế biến có hàm lượng gia công cao. Chỉ số lan tỏa về NK cao hơn so với mức độ ảnh hưởng lan tỏa chung khá nhiều. Ví dụ, nếu mức độ lan tỏa chung về nhập khẩu là 1, thì mức độ của nhóm ngành này khoảng 1,3.

Điều quan trọng hơn cả là hàm lượng NK trong giá trị hàng XK trong giai đoạn hiện nay tăng mạnh so với giai đoạn 1995. Tốc độ tăng về mức độ lan tỏa của XK đến NK tăng 23% trong giai đoạn hiện nay so với giai đoạn 1995.

* Người ta vẫn nói một cách “khách quan”, khủng hoảng toàn cầu là một trong những nguyên nhân XK không bền vững. Ý kiến của ông?

- Như tôi đã nói, việc thay đổi tỷ trọng về XK từ khu vực xuất khẩu thô sang XK đã qua chế biến chỉ khiến phải NK nhiều hơn. Vấn đề là làm sao thay đổi cơ cấu sản xuất để sản phẩm đã qua chế biến thực sự là công nghiệp chế biến chứ không chỉ là sắp xếp phân tổ.

Trong bối cảnh chống đô la hóa và lạm phát lên cao cũng tiềm ẩn một rủi ro khác: Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa XK, nhất là hàng nông sản, có thể mất lợi thế cạnh tranh.

Nói thế để thấy vấn đề quan trọng của nền kinh tế, ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn cần những chính sách dài hơi hơn, đó là cải thiện hiệu quả sản xuất và thay đổi cấu trúc kinh tế.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất ảo, nhập thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO