Xử lý nợ xấu: Nên bắt đầu vào nửa đầu năm tới

HẢI VÂN thực hiện| 03/10/2012 06:09

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương: “Chậm xử lý nợ xấu, phí tổn đối với nền kinh tế sẽ rất lớn”.

Xử lý nợ xấu: Nên bắt đầu vào nửa đầu năm tới

TS. Võ Trí Thành (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương: “Chậm xử lý nợ xấu, phí tổn đối với nền kinh tế sẽ rất lớn”.

* Ông nhận định thế nào về việc xử lý nợ xấu hiện nay?

- Phải thừa nhận việc xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu khó khăn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chưa kể các vấn đề về cơ chế, các vấn đề thông tin cũng đã rất khó. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều. Đến nay, chưa có phương án xử lý nợ xấu nào được bàn thảo một cách thật đầy đủ nhằm đưa ra quyết định cuối cùng.

*Không ít quan điểm cho rằng, cứ để doanh nghiệp và ngân hàng “tự xử”. Vậy quan điểm của cá nhân ông là gì?

- Không cá nhân, tổ chức nào dám đảm bảo xử lý tốt 100% số nợ xấu này. Tôi cho rằng, trước vấn đề phức tạp và nghiêm trọng như vậy, rất cần sự can thiệp của Nhà nước. Sự can thiệp ấy phải thể hiện rõ qua việc minh bạch thông tin để xã hội hiểu đầy đủ, chính xác về vấn đề này.

Xử lý nợ xấu liên quan đến định chế và những nguyên tắc của nó. Một là, định chế phải đủ quyền lực, bởi nợ xấu gắn với tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Với quyền lực như Công ty Mua bán nợ (DATC) của Bộ Tài chính, chắc là không đủ để xử lý nợ xấu.

Thứ hai, định chế này phải được giám sát chặt chẽ, bởi đây là vấn đề xã hội rất bức xúc và gắn với nó là các dòng tiền. Do đó, định chế phải vừa giảm tổn thất cho Nhà nước, vừa “né tránh” được sự méo mó dòng tiền do các lợi ích nhóm gây ra.

Thứ ba, chúng ta cần những sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia để đảm bảo rằng quá trình này khách quan hơn. Kinh tế Việt Nam cần có những nguyên tắc kết hợp với sự điều hành công khai, minh bạch đủ cho thị trường nợ phát triển với tính thanh khoản tốt. Tôi hy vọng, quá trình xử lý nợ xấu sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm tới.

* Theo ông, vai trò của nước ngoài với quá trình xử lý nợ xấu là gì?

- Có nhiều vai trò, trong đó có vai trò hỗ trợ kỹ thuật tổng thể. Chuyện này liên quan đến các tổ chức quốc tế và gần đây, IMF đã khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam xây dựng chương trình này.

* Nhưng bằng cách nào và tham gia đến đâu?

- Có nhiều cách. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, nước ngoài có thể tham gia về nguồn lực cho các định chế để xử lý nợ xấu. Nhưng tôi cho rằng, Việt Nam phải xem xét một số khía cạnh liên quan đến cam kết của Việt Nam với WTO.

Cụ thể, xác định rõ vai trò của các nhà đầu tư, các định chế nước ngoài, tổ chức nước ngoài trong quá trình xử lý nợ xấu; họ được “chơi” đến đâu trên thị trường sơ cấp và thứ cấp của thị trường nợ; người nước ngoài sở hữu tối đa số vốn của các ngân hàng Việt Nam đến đâu... Cá nhân tôi cho rằng, trong những chừng mực nhất định, quy mô lớn nhất định, chúng ta vẫn cần những sự hỗ trợ ấy.

Để làm được những điều đã nói trên, chúng ta cần rà soát lại nợ xấu. Đây là một trong những vấn đề hết sức khó khăn, mà đứng cạnh đó là vấn đề cơ chế và tổ chức bộ máy của định chế xử lý nợ xấu. Khó, song chúng ta phải làm ra được một văn bản pháp lý cho cơ chế hoạt động của định chế ấy.

Như vậy, phải rà soát tất cả các văn bản liên quan đến cam kết, đặc biệt là những văn bản liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản, chuyển giao tài sản, mua bán tài sản trong pháp luật của Việt Nam... Chỉ như vậy, mới có thể xử lý những vấn đề chúng ta mong muốn.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý nợ xấu: Nên bắt đầu vào nửa đầu năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO