Xót xa vạn chài

NGUYÊN VI| 14/10/2011 09:29

Lênh đênh trên những con thuyền dột nát bao đời nay, những người dân ở xóm 16, với tất cả sự cùng khổ, vẫn nuôi một giấc mơ được lên bờ để được “trở thành người”.

Xót xa vạn chài

Lênh đênh trên những con thuyền dột nát bao đời nay, những người dân ở xóm 16, với tất cả sự cùng khổ, vẫn nuôi một giấc mơ được lên bờ để được “trở thành người”.

Xóm 16

Đã biết bao thế hệ trôi qua, dân vạn chài vẫn lênh đênh trên dòng nước

Từ thành phố Vinh, chúng tôi vượt quốc lộ 46 đi vào đường đê sông Lam và rẽ ngang men theo con đường nhỏ lởm chởm đất đá. Những ổ gà, ổ chó khiến chiếc xe cứ nghiêng ngả hất chúng tôi ngã bần bật. Sau mấy chục phút bị “hành xác” trên “con đường đau khổ” chúng tôi cũng ra đến xóm 16, xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Xóm 16 nằm khép mình bên bờ sông Lam, ẩn hiện sau những lũy tre cằn cỗi cùng dàn phi lao uốn mình theo từng làn gió thổi vun vút. Đây là xóm nằm hoàn toàn ngoài đê sông Lam, cả xóm có hơn 100 hộ dân thì đã có đến 52 hộ là dân vạn chài.

Ông Nguyễn Văn Bá, người dân ở xóm 16, cho biết: “xóm 16 chúng tôi có nhiều dân vạn chài nhất, với khoảng một nửa là các hộ gia đình quanh năm lênh đênh trên sông nước. Với các hộ dân vạn chài, mang tiếng là dân của xóm 16 thế thôi chứ mấy ai có đất đai để làm nhà, ở đây thuyền nốc là nhà, sông nước là nơi nương tựa để họ sống đời này qua đời khác”.

Được biết, hơn 50 hộ dân vạn chài tại đây đa số đều có hoàn cảnh khá khó khăn, đặc biệt có nhiều hộ phải chạy ăn từng bữa, được bữa nào hay bữa ấy.

Không khó khăn sao được khi cuộc sống cứ thế trôi đi, tháng năm trôi dài đằng đẵng mà họ vẫn cứ lênh đênh trên dòng nước vô cảm. Có nhiều hộ đã sống hàng chục đời nay trên dòng sông Lam này mà chưa bao giờ có được một miếng đất hay một căn nhà tạm trên bờ để trú chân.

Với ánh mắt buồn rười rượi, chị Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Từ thời cha ông chúng tôi đã gắn bó với sông nước, ở đây chủ yếu làm nghề khai thác cát sỏi và đánh bắt tôm cá.

Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình anh Lê Văn Tuấn (9 người) trên một con thuyền chật hẹp tại sông Đào (TP. Vinh)

Thế nhưng, tôm cá ngày càng cạn kiệt do số người làm nghề tăng lên và nhiều người đánh bắt bằng “ba pha” (dùng điện kích) nên giờ nghề tôm cá cũng khó kiếm ăn lắm, chú ạ. Giờ đa phần chuyển sang làm cát sỏi thì cũng có cái khó về đầu tư máy móc, tàu nốc... nên đầu tư quy mô nhỏ chỉ kiếm đủ ăn chứ chả tích cóp được gì”.

Được biết, chị Hương có 4 đứa con, trong đó 2 đứa đã lập gia đình, còn 2 đứa sau đang học cao đẳng nên cả hai vợ chồng chị trầy trật quanh năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Số tiền kiếm được ngoài chi phí cho sinh hoạt thì gửi cho hai đứa con ăn học cũng vừa hết veo, có khi còn phải đi vay thêm bà con mới tạm đủ.

Nhưng xem ra gia đình chị Hương cũng may mắn lắm rồi, vì nhiều gia đình khác có đến 6-7 đứa con thì hầu như đều thất học. Và, mai đây lại sẽ quanh quẩn bên dòng nước để sống tiếp cuộc sống vạn chài như bố mẹ của chúng bây giờ.

Học chữ, quá khó cho vạn chài

Một góc vạn chài xác xơ lênh đênh trên dòng nước

Hoàn cảnh của vợ chồng anh Ngô Văn Chỉ và chị Nguyễn Thị Vân khiến chúng tôi vô cùng ái ngại. Bước vào trong cái “lều thúng” cũ nát nhìn thấu trời đất, chúng tôi thấy đứa con thứ tư trong bảy đứa con của anh chị đang hì hục ngắt bó rau muống vàng úa, hai đứa nhỏ tuổi hơn với thân hình đen đúa đang vừa tắm vừa đùa nghịch trên sông; vừa lúc đó anh

Chỉ cũng từ một cái nốc khác về lấy nước uống. “Cả bốn cha con làm nghề hút cát, mẹ nó thì đi mò hến, bắt ốc đem bán. Cả nhà làm cật lực, trừ các khoản chi phí mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn. Mấy năm nay cát sỏi có lên giá nên cũng đỡ đi phần nào, chỉ tội phí đầu tư cũng lớn, khấu hao máy móc nhiều nên cũng chỉ nhặt đây chắp đó mà thôi”, anh Chỉ than thở.

Được biết, trong bảy đứa con của người đàn ông khốn khổ này thì chỉ có đứa đầu học hết lớp 4 và đứa thứ ba học hết lớp 2, năm đứa còn lại không được đi học.

Cũng theo anh Chỉ thì tại xóm vạn chài này đa số các gia đình đều có 4 - 5 đứa con, thậm chí 6 - 7 đứa, hiếm có gia đình đẻ ít con. Vì thế, khó khăn càng thêm chồng chất; những đứa trẻ ở đây ít được đi học vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến điều kiện gia đình quá khó khăn.

Dẫn chúng tôi ngược lên các hộ vạn chài phía trên là một cô bé trạc 13 tuổi, người gầy gò, đen đúa nhưng rắn rỏi. Em tên là Trần Thị Lụa, đã bỏ học từ năm ngoái. Lụa hiện đang ở nhà phụ giúp bố mẹ bắt tôm, giặt giũ và lo chuyện cơm nước cho cả gia đình.

Khi chúng tôi hỏi vì sao em không tiếp tục đi học, giọng em trầm buồn:

“Trước đây em cũng từng được đến trường, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em quyết định bỏ học để phụ giúp cha mẹ. Em nghỉ học từ năm chuẩn bị lên lớp 6 và theo cha mẹ đánh cá để mưu sinh. Em cũng muốn đi học lắm nhưng lấy tiền đâu ra mà học. Bây giờ em sẽ cố gắng làm để có tiền cho các em ăn học là em vui rồi...”.

Khát vọng lên bờ

Không chỉ riêng trường hợp em Lụa, theo lời chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm 16 Nguyễn Thị Nhung thì hầu hết trẻ em ở đây chỉ học qua tiểu học rồi bỏ giữa chừng. Thậm chí có nhiều em còn chưa một lần tới trường.

Trong số hơn gần 300 nhân khẩu ở làng chài mới có vài chục người học hết lớp 12, dăm đứa học cao đẳng. Xét theo từng cấp học, số học sinh theo trường, bám lớp không nhiều, đầu năm học có vài chục đứa đến trường nhưng rồi cũng vơi dần với lèo tèo vài đứa đến lớp mà thôi.

Điều đáng buồn hơn là những bậc làm cha mẹ trong làng ở độ tuổi từ 30 - 40 nhiều người không biết chữ. Vì vậy mà có một số giấy tờ như khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy vay nợ... người dân đều ký bằng cách điểm chỉ.

Thất học dường như là căn bệnh truyền đời ở nơi đây. Một thế hệ cư dân vạn chài đang mòn đi vì khát chữ. Không được đến trường, không được học hành, tương lai của các em sẽ đi về đâu?

Ngày lên bờ sao quá  xa vời?

Một trong số những thiếu thốn của các hộ vạn chài là nước sạch

Ánh mắt xa xăm cùng vẻ mặt buồn rười rượi, ông Phan Văn Dương nhìn vào vùng đất trống phẳng tắp trong đê chỉ tay nói: “Đề án tái định cư cho dân vạn chài chúng tôi đã thấy nhắc đến lâu rồi, thế nhưng không hiểu vì lý do gì chúng tôi vẫn cứ mãi phải lênh đênh trên dòng nước mênh mông như thế này.

Sống cuộc đời vạn chài trăm thứ khốn khó, chưa kể nước nôi thiếu thốn, phải dùng nước sông ô nhiễm thì chuyện điện đóm, đường sá cũng không giống ai. Chòng chành bên dòng nước quanh năm, mùa lũ cũng như mùa khô thế này nguy hiểm vô kể...”.

Lên bờ, đó là mong ước của người dân làng chài. Hàng chục hộ dân của xóm vạn chài 16 bao thế hệ nay đều có chung một giấc mơ, đó là giấc mơ lên bờ, có đất, có nhà, không phải nổi trôi cùng những chiếc thuyền chông chênh.

Thế nhưng, người làm nghề chài lưới, cát sỏi ở đây hầu hết là dân nghèo nên không thể mua đất ở, xây dựng nhà cửa và thỏa các điều kiện khác để lên bờ sinh sống.

Chị Nguyễn Thị Hương thở dài: “Sống trên đời ai chả muốn có nhà, có cửa. Ông cha ta đã nói, an cư rồi mới lạc nghiệp mà. Thế nhưng, bà con ở đây có ước mơ nhỏ nhoi là được có đất, có nhà để sống cuộc đời yên bình, chân chất, vậy mà cũng quá khó chú ạ!”.

Nhìn những mảnh đời lam lũ, những lều chõng tạm bợ và một cuộc đời lênh đênh trên sông nước mà lòng cảm thấy ái ngại, xót xa. Ngồi lên xe để về với thành phố yên bình, hào nhoáng quen thuộc mà trong lòng người viết vẫn canh cánh một câu hỏi chưa có lời đáp: “Bao giờ người dân nơi đây chấm dứt cuộc sống vạn chài?”.

Tại Công văn số 284/TTg-NN ngày 28/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các khu định cư làng chài trên sông Lam với mục đích giúp dân chài sớm ổn định đời sống. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 3114/QĐ-UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm địa điểm, quy hoạch hạ tầng các khu định cư làng chài. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã 6 năm trôi qua nhưng hàng trăm hộ dân vạn chài vẫn đang sống lênh đênh trên sông nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xót xa vạn chài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO