Vò đầu bứt tai khi học tiếng Việt

MARK JONES - LÊ TÂM dịch| 13/04/2013 08:40

Trong vòng năm năm qua, tôi luôn cố gắng học tiếng Việt để có thể giao tiếp tốt hơn với gia đình bên vợ và trải nghiệm văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi thấy để thành thạo được tiếng Việt quả là một việc khó. Tôi nghĩ có thể các bạn cũng gặp những khó khăn này khi học tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác.

 Vò đầu bứt tai khi học tiếng Việt

Trong vòng năm năm qua, tôi luôn cố gắng học tiếng Việt để có thể giao tiếp tốt hơn với gia đình bên vợ và trải nghiệm văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi thấy để thành thạo được tiếng Việt quả là một việc khó. Tôi nghĩ có thể các bạn cũng gặp những khó khăn này khi học tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác.

Đọc E-papper

Với tôi, cái khó nhất của việc học tiếng Việt là phân biệt dấu trên các chữ cái và cách phát âm. Ví dụ cụ thể nhất là cách phát âm âm “ng”. Trong tiếng Anh, âm này luôn luôn ở giữa hoặc cuối của từ, nhưng trong tiếng Việt âm này lại có thể nằm ở vị trí đầu.

>>Tiếng Việt “kho qua”!

Tôi thấy rất khó khi phải gọi tên người nào đó mở đầu bằng âm “ng”. Thật ngại với một người làm giáo viên như tôi mà không gọi đúng được tên sinh viên, ví dụ như tên Ngân.

Thêm vào đó, cách phát âm theo các dấu trên chữ cái cũng rất phức tạp. Trong tiếng Anh, khi gọi tên một ai đó, chúng tôi thường lên cao ở cuối tên. Tuy nhiên, khi gọi tên tiếng Việt, chỉ cần bạn thay đổi dấu trên từ thì có thể bạn đã thay đổi ý nghĩa của cả từ.

Có vài lần tôi phát âm sai dấu và tên của các sinh viên bỗng trở thành những từ rất kỳ cục. Tất nhiên tôi không cố ý làm thế và cũng rất ngại làm người khác bực mình vì bị gọi tên sai. Cũng may là các sinh viên của tôi thường đón nhận sự nhầm lẫn ấy một cách vui vẻ.

Người Anh nhìn chung có thể đoán người nước ngoài muốn nói gì cho dù người ấy phát âm tiếng Anh không chính xác lắm. Có thể vì chúng tôi có kinh nghiệm tiếp xúc với rất nhiều người nói tiếng Anh ở khắp nơi trên thế giới và biết những lỗi phổ biến.

Tuy nhiên, người Việt Nam lại không thể hiểu người nước ngoài nói gì nếu phát âm không chuẩn. Điều này chắc là bởi người Việt mới chỉ tiếp xúc nhiều với người phương Tây khoảng hơn 15 năm nay.

Trong số những người nước ngoài sống tại Việt Nam lại không có nhiều người học tiếng Việt. Vì thế mà thật đau đầu khi tôi cố nói tiếng Việt nhưng chẳng ai hiểu.

Ví dụ, tuần trước, tôi nói với ông xe ôm quen của mình bằng tiếng Việt: “Anh có thể chở tôi đến quận 7?”. Anh ta lắc đầu: “Tôi không biết tiếng Anh”. Tôi nói lại lần nữa, vẫn bằng tiếng Việt: “Anh có thể chở tôi đến quận 7?”. Anh ta lại bảo: “Không nói tiếng Anh”.

Sau đó tôi quyết định không cố nói tiếng Việt nữa mà chuyển sang tiếng Anh: “Nghe này, anh có thể chở tôi về quận 7?”. Anh ta vui vẻ gật đầu: “À. Quận 7. Tôi biết”. Tóm lại là anh ta chỉ hiểu khi nghe tôi nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt.

Như vậy đấy, khi một người Việt gặp một người nước ngoài, họ thường cho rằng người ấy sẽ nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Vì thế, khi một người nước ngoài nói tiếng Việt, họ không chuẩn bị trước tâm lý để hiểu.

Rõ ràng đây quả là một sự hiểu nhầm trong giao tiếp gây thất vọng với những ai đang cố gắng học ngoại ngữ. Tôi và nhiều người nước ngoài khác đều trải qua những câu chuyện tương tự khi học tiếng Việt. Hãy thông cảm khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt vì quả là ngôn ngữ của các bạn khó học vô cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vò đầu bứt tai khi học tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO