“VJEPA giúp tăng cường xuất khẩu thủy sản vào Nhật”

LÂM THAO thực hiện| 30/06/2010 05:28

Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 được các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế trông chờ sẽ là bệ phóng cho sản phẩm xuất khẩu vào Nhật, trong đó có mặt hàng thủy sản.

“VJEPA giúp tăng cường xuất khẩu thủy sản vào Nhật”

Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 được các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế trông chờ sẽ là bệ phóng cho sản phẩm xuất khẩu vào Nhật, trong đó có mặt hàng thủy sản. Ông Võ Thanh Hà, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) khẳng định, VJEPA là cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả, đặc biệt là với thủy sản.

* Làm việc lâu năm tại Nhật Bản, ông đánh giá cao mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản?

- Tôi nhận thấy người Nhật rất thích thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là tôm. Nhật là một thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch nhập khẩu 15 tỷ USD/năm, và Việt Nam cũng luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản vào thị trường này với kim ngạch gần 800 triệu USD trong năm 2009.

* Có ý kiến cho rằng, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật chưa được hưởng ưu đãi lắm với VJEPA?

- Các mức thuế mà phía Nhật áp cho thủy sản VN trong VJEPA chia ra làm các nhóm khác nhau. Đầu tiên là nhóm mặt hàng được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó, tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Trong tổng số 330 mặt hàng thủy sản, 64 mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, có 28 mặt hàng đã có thuế ưu đãi từ trước khi ký Hiệp định. Tuy chỉ là 28 mặt hàng nhưng lại chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang Nhật, đáng kể nhất là tôm sú, tôm chế biến, ghẹ, cua...; nhóm thứ hai là nhóm các mặt hàng có lộ trình giảm thuế trong 3 năm, với 8 dòng thuế phổ biến ở mức 3,5 - 7,2%, có kim ngạch chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu, trong đó lưu ý là động vật thân mềm, cá đông lạnh; nhóm khác nữa sẽ có lộ trình giảm thuế trong 5-10 năm tới...

Thực ra, so với các đối thủ khác như Indonesia, Malaysia..., thủy sản Việt Nam vẫn yếu thế hơn vì những nước này đã ký hợp tác song phương từ trước với Nhật. Do Việt Nam ký Hiệp định sau nên lộ trình giảm thuế sẽ không được bằng so với họ. Ví dụ, cá đông lạnh xuất khẩu của Malaysia vào Nhật hiện ở mức 0 – 0,6%, trong khi Việt Nam chịu thuế từ 0 - 2,9%. Nhưng nếu xét tổng thể, VJEPA giúp tăng cường xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam vào Nhật hơn là so đo về mức thuế.

* Hiệp định đã ký, Việt Nam còn lo ngại những rào cản nào từ phía Nhật Bản?

- Rào cản hạn ngạch cũng có, nhưng Nhật lại áp theo số lượng chứ không theo giá trị, nên cũng không gây khó khăn gì. Biện pháp chống bán phá giá của Nhật có nhưng so với EU, Mỹ, cũng không sử dụng nhiều. Nhưng đáng lưu ý nhất cho sản phẩm xuất khẩu vào Nhật chính là rào cản kỹ thuật.

Nhật nổi tiếng vì có tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên cả thị trường nội địa, chứ không riêng gì với hàng nhập khẩu.

Tôi từng gặp trường hợp một công ty du lịch tại TP.HCM gửi 2 container hàng sang làm Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo. Dù trước đó chúng tôi đã nhắc nhở, nhưng phía công ty lại gửi gia vị, đồ ăn chung với container đựng khung nhà, cổng chào lắp ráp. Vì vậy, hải quan bắt mở ra kiểm hết, dù những mặt hàng khung thuộc loại không phải kiểm tra. Thời hạn chuẩn bị gian hàng tham gia hội chợ gần hết, mà tôi làm một tuần vẫn không xong, dù đã xin nhiều công hàm của Nhật để nhờ giúp đỡ.

Cuối cùng, vì mối quan hệ ngoại giao, hai container đó cũng được thông quan sát ngay ngày khai mạc. Vì vậy, theo tôi, doanh nghiệp xuất hàng sang Nhật phải nên gửi mẫu, chuẩn bị hồ sơ trước. Bởi vì khi đến Nhật, họ thấy đúng mặt hàng đã kê khai trước sẽ làm rất nhanh. Nếu không, hải quan sẽ lôi ra kiểm duyệt gắt gao, làm chậm hết thời hạn giao hàng. Do đó, khi làm việc với nhà nhập khẩu Nhật, nên chủ động nhắc nhở họ hợp tác làm các thủ tục này trước.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“VJEPA giúp tăng cường xuất khẩu thủy sản vào Nhật”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO