Vết mờ của tình bạn

HỒNG BÍCH| 09/11/2012 00:45

Trên giấy mời họp lớp kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp PTTH ghi rõ đủ mặt 50 thành viên của lớp cũ. Lớp phổ thông cấp 3 ngày ấy thật đặc biệt. Sau năm 1975, 25 đứa học trò diện con nhà miền Nam tập kết ra Bắc theo bố mẹ về lại quê hương nói tiếng Bắc rặt, đến giờ học tiếng Anh phải qua lớp học riêng tiếng Nga.

Vết mờ  của tình bạn

Trên giấy mời họp lớp kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp PTTH ghi rõ đủ mặt 50 thành viên của lớp cũ. Lớp phổ thông cấp 3 ngày ấy thật đặc biệt. Sau năm 1975, 25 đứa học trò diện con nhà miền Nam tập kết ra Bắc theo bố mẹ về lại quê hương nói tiếng Bắc rặt, đến giờ học tiếng Anh phải qua lớp học riêng tiếng Nga.

Đọc E-paper

Hai mươi lăm đứa kia là người Đà Nẵng, được gọi là Hội Miền Nam, tiếng nói khác, quần áo cũng khác. Thầy cô hay gọi đùa đây là niên khóa của 50 con hổ vì chúng tôi sinh năm Nhâm Dần.

Trong giờ học chúng tôi tan loãng vào nhau, lúc ra chơi cái khác lại nổi rõ. Miền nào chơi với miền đó, những đứa lanh lẹ nhất, dễ hòa nhập nhất chơi với cả hai miền, chúng tôi không kỳ thị, không đối chọi, nhưng không gần gũi.

Ngày ấy tôi ở Hội Miền Bắc, giờ tiếng Anh tôi học tiếng Nga, chúng tôi thân với các thầy, cô cũng nói tiếng Bắc như mình. Những suy nghĩ của tuổi niên thiếu đầy cảm tính làm cho nhiều gương mặt bạn bè học với nhau ba năm nhưng có đôi chút khang khác như đã nói đâm ra nhòa nhạt, không nhớ tên, không nhớ mặt.

Trong những cuộc họp mặt kỷ niệm 20 năm, 25 năm ra trường, vỏn vẹn nửa lớp có mặt, và lúc này chúng tôi vẫn giống nhau khi tất cả đều giữ giọng Bắc.

Và để có một cuộc họp mặt lớp cũ nhân 30 năm rời xa mái trường, Ban tổ chức đã làm việc cật lực, tìm đủ hết 50 bạn, đưa giấy mời tận tay, điện thoại qua lại ràng buộc, mong một ngày đủ mặt 50 con hổ với ba thầy chủ nhiệm năm xưa đã rất vất vả khi dạy dỗ những đứa học trò ở lứa tuổi đặc biệt nghịch ngợm.

Rồi buổi họp lớp diễn ra và chỉ để thấy mọi cố gắng vẫn vô ích. Chúng tôi hỏi nhau (thật ra là vờ ngạc nhiên) tại sao đi họp mặt 30 năm ngày tốt nghiệp vẫn chỉ là nửa lớp, tại sao cái "hội kia" vẫn chẳng đến, dù giấy mời đã trao tận tay, điện thoại qua lại ràng buộc, hứa hẹn, quyết tâm dẹp hết mọi bận bịu bên ngoài và mắc mứu bên trong để gặp nhau.

Hai mươi lăm bạn ở "hội kia" nay chỉ có ba người đến. Người thứ nhất đã từng là đại biểu HĐND Thành phố, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, nhưng bạn ấy bảo chán rồi, về nhà mở một công ty kiến trúc tư nhân.

Tôi vẫn gặp bạn trong cuộc họp HĐND Thành phố mấy năm trước, chúng tôi trao đổi chuyện xây dựng quy hoạch thành phố, hỏi nhau có gặp bạn này, bạn kia không và cảm thấy rất rõ mình là bạn học ngày xưa. Nhưng trong không khí của cuộc họp lớp, tôi lại thấy bạn ấy xa cách, và chúng tôi lại phải cố để xích lại gần nhau.

Người thứ hai đến. Tôi nhớ mấy năm mới rời trường phổ thông, mỗi lần gặp bạn này tôi phải quay đi, làm bộ như không nhìn thấy chiếc xe đạp cà tàng không phanh, bộ đồ bảo hộ lao động của công nhân.

Tôi có cảm giác không phải đó là anh bạn giỏi toán nhất lớp, bởi vì tôi học thua bạn nhưng vẫn vào được giảng đường đại học. Bây giờ anh bạn với bộ đồ bảo hộ lao động đến họp lớp và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bạn đã cởi bỏ được bộ đồ ấy để đứng trên bục giảng dạy tiếng Anh dù không hề có bằng cấp vì không được vào đại học.

Rồi đất nước mở cửa, bạn đã được một công ty thương mại lớn của nước ngoài tuyển dụng. Lúc ấy mới bắt đầu học, học mãi đến lúc giật mình mái tóc loăn xoăn đã thưa thêm, đã nhạt màu để có sự thành đạt. Bây giờ bạn có thể đến họp lớp để tự hào mình đã vượt qua số phận.

Người thứ ba đến, đại diện cho 22 người còn lại không đến dự. Bất kể ngày xưa các bạn đứng thứ mấy trong lớp, nhưng các bạn không may mắn, không có nghị lực vượt khó như anh bạn công nhân, cũng không học giỏi xuất sắc như anh bạn kiến trúc sư, các bạn ấy ra trường và hòa vào cuộc sống, góp phần nhỏ bé và khiêm nhường vì quá ít cơ hội.

Buổi họp lớp vẫn diễn ra. Các thầy về rồi, chúng tôi mới ngồi lắng lại, không làm thêm thủ tục nào nữa, chỉ đề nghị một vài người giới thiệu thân phận sau 30 năm không gặp.

Chúng tôi thật sự vui mừng vì có bạn ở trong đội ngũ lãnh đạo thành phố, các bạn khác cũng có chỗ đứng tốt trong xã hội, không phải lo chuyện nắng mưa sự đời.

Chỉ có một điều mà tôi nghĩ phải mất 30 năm chúng tôi mới đủ trưởng thành để đột ngột có một tràng vỗ tay thân tình, chân thành đến tận đáy lòng khi cô bạn gái khờ nhất lớp rụt rè bày tỏ cô ấy chẳng có công việc gì hết, chỉ ở nhà nội trợ, và hiện là bà mẹ đơn thân của một đứa trẻ.

Sau cuộc họp lớp, mãi mới nhận ra, lớp tôi, thế hệ chúng tôi sao mà chậm trưởng thành đến thế. Suốt 30 năm nay vẫn một câu chuyện đó, một lớp học bé nhỏ và ngây thơ đến thế, vẫn không nắm được tay nhau chỉ vì 25 đứa có một bộ lý lịch tốt, đảm bảo có nhiều cơ hội lúc vào đời.

Một nửa lớp không dự cuộc gặp mặt, cứ như các bạn ấy chưa thông cảm cho chúng tôi vậy. Tôi sợ hãi, nghĩ chúng ta sao cứ mãi để những định kiến ám ảnh.

Một lần vào blog của một nhà báo, tôi giật mình khi nghe chủ nhân blog "tự kiểm" rằng anh ấy không gả con cho kẻ thù ở bên kia đại dương.

Lần khác lại giật mình khi một "đại gia" giàu có bị dư luận "ném đá” vì một lời nói hớ hênh, hoặc vì chuyện tiêu pha cho đám cưới, hay vì chuyện xe siêu sang, bởi vì xã hội ghét người quá giàu.

Hơn lúc nào hết, chúng ta đang đứng trước giai đoạn khó khăn, dân tộc ta đi chậm hơn nhiều nước láng giềng cũng bởi những suy nghĩ hẹp hòi, định kiến. Chỉ cần bỏ bớt lối tư duy đó, người Việt sẽ bớt chia rẽ trong tư tưởng, trong tình cảm, đất nước sẽ đủ sức mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vết mờ của tình bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO