Về với Điện Biên

LÊ QUỐC KHÁNH| 06/05/2014 03:58

Từ Tân Sơn Nhất đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi lên ô tô tiến thẳng về Điện Biên với lòng háo hức của những đứa con miền Nam lần đầu đến chiến trường xưa.

Về với Điện Biên

Từ Tân Sơn Nhất đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi lên ô tô tiến thẳng về Điện Biên với lòng háo hức của những đứa con miền Nam lần đầu đến chiến trường xưa.

Do đoạn đường từ Hà Nội đến Điện Biên gần 500km, chúng tôi phải ngủ đêm ở TP. Sơn La. Dù còn hơn nửa tháng mới tới ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng có rất đông các đoàn cựu chiến binh, du khách từ khắp mọi miền đất nước đổ về Điện Biên.

Nghe nói các khách sạn ở Sơn La cũng như Điện Biên Phủ đêm nào cũng kín phòng. Có khách sạn phải vận động khách dồn phòng để có thêm chỗ cho các đoàn cựu chiến binh hành hương về nguồn. Cảm động nhất là có hàng trăm gia đình ở TP. Điện Biên Phủ vui lòng cho khách ở nhờ.

Thời tiết tháng 4 ở Tây Bắc khá thú vị. Dù đã sang Hè, trời nắng nhưng không ngột ngạt như ở Hà Nội, sáng sáng sương mù vẫn lãng đãng thung sâu lũng thấp.

Trước khi đến Điện Biên, hầu hết du khách đều dừng chân thăm di tích nhà tù Sơn La. Thực dân Pháp xây nhà tù Sơn La năm 1908, từ năm 1930 đến 1952, biến thành nhà tù chính trị để đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản bị giam cầm nơi đây.

Nhưng cũng chính nhà tù Sơn La đã trở thành trường học cách mạng rèn luyện và bổ sung cho Đảng những chiến sĩ kiên trung như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng,... và bao đồng chí khác. Khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản từ nhà tù Sơn La đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh giải phóng đất nước khắp vùng Tây Bắc.

Từ năm 1980, nhà tù Sơn La được phục chế dần, nhưng tôi quan tâm nhất là khu di tích đã sưu tầm được danh sách 870 tù nhân trong số 1.007 lượt tù nhân, trong đó có 250 hồ sơ gốc cùng danh sách 61 liệt sĩ, danh sách 180 người đã được rèn luyện, thử thách nơi đây, sau này giữ những chức vụ cao của Đảng và Nhà nước.

Đến TP. Điện Biên Phủ, đầu tiên chúng tôi đi thăm đồi Him Lam (quân Pháp gọi là Béatrice) cách Phân khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 2,5km, án ngữ đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên, và đồi A1 (quân Pháp gọi là Eliane 2) - hai cứ điểm quan trọng nhất cũng đồng thời là hai trận đánh mở màn và kết thúc 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.

Him Lam là một pháo đài do một cố vấn Mỹ ở chiến trường Triều Tiên đến vẽ kiểu và trực tiếp đôn đốc xây dựng, được coi là một công trình phòng ngự mẫu mực. Bảo vệ Béatrice là Tiểu đoàn lê dương 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 bất khả chiến bại trong Thế chiến II.

Chiều ngày 13/ 3/1954, quân ta bắt đầu nã pháo vào Him Lam và gần một đêm giành giật từng tấc đất, trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tiêu diệt được cứ điểm Him Lam là mở được cánh cửa vững chắc nhất để tiến đánh trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Tại đây đã xuất hiện người anh hùng đầu tiên ở Điện Biên Phủ: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ngăn hỏa lực địch cho đồng đội tiến lên.

Sau Him Lam, chúng tôi đến đồi A1 nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía đông Mường Thanh, cao hơn mặt đất 49m, dài 200m, rộng 80m, hình bầu dục, rất tiện cho việc tổ chức các tuyến phòng ngự.

Nơi đây đã xảy ra những trận đánh ác liệt nhất, kéo dài từ đêm 30/3 đến sáng ngày 7/5, kể cả hơn nửa tháng đào đường ngầm đưa 1.000kg thuốc nổ vào cho nổ tung A1, bên ta có đến 1.004 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 1.512 cán bộ, chiến sĩ bị thương, là trận đánh mà Quân đội nhân dân Việt Nam chịu thiệt hại lớn nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vì A1 là cứ điểm được Pháp xây dựng kiên cố nhất, bố trí các lực lượng tinh nhuệ nhất và được liên tục tăng viện cả quân số lẫn hỏa lực để cố thủ tới cùng.

Chiếm được A1, gần như quân ta đã nắm chắc phần thắng, và đúng như vậy, cũng trong ngày này, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Đã từng đọc nhiều hồi ức của những anh bộ đội tham gia đánh đồi A1 nhưng hôm nay đến tận nơi, nhìn thấy địa hình cùng hệ thống hầm ngầm, giao thông hào và lớp lớp dây thép gai bao bọc ngọn đồi, chúng tôi càng hiểu rõ vì sao trận đánh đồi A1 là trận quyết định giờ đầu hàng của Tập đoàn cứ điểm.

Đứng trên đồi A1, nhìn xa xa là TP. Điện Biên Phủ với cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi càng hiểu thêm vị trí chiến lược của ngọn đồi này. Từ đồi A1 đến hầm của Tướng De Castries (tên họ đầy đủ là Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries) chỉ vài trăm mét.

Điều ấn tượng nhất khi tham quan hầm Tướng De Castries là được nghe cô thuyết minh kể: Khi nghe lệnh cấp trên tại Hà Nội phải tử thủ, giữ vững trận địa, không được đầu hàng, tướng De Castries đã chập gót "Tuân lệnh!", thế nhưng sau đó nửa tiếng, một cú điện thoại của vợ từ bên Pháp gọi sang bảo bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải về với vợ con, thì viên tướng dày dạn trận mạc từ Thế chiến II đã suy nghĩ lại. Chính vì vậy, khi quân đội Việt Nam tiến chiếm hầm, De Castries và bộ tham mưu của ông ta đã đầu hàng ngay!

Khi đến thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 (ảnh) ở độ cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi không đi bằng ô tô mà leo lên 340 bậc thang. Tượng đài Chiến thắng là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là công trình văn hóa - lịch sử tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào Điện Biên cùng với cả nước chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập - nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ, trong đó có những nhân vật được ghi danh vào sử sách như Anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can... Những ngày này, trên các phần mộ liệt sĩ luôn nghi ngút hương khói và hoa tươi của các cựu chiến binh và du khách. Đứng trước mộ phần của các anh hùng liệt sĩ, ai cũng toát lên vẻ thành kính, khâm phục, thương tiếc xen lẫn tự hào...

Sau khi thăm Sở Chỉ huy của De Castries, chúng tôi đến thăm Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Mường Phăng (thuộc huyện Điện Biên) - nơi Đại tướng đã có một quyết định lịch sử: Chuyển từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Sở Chỉ huy của Đại tướng cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 25km nhưng đường xe phải đến 41km, băng qua những cánh rừng, bản làng dân tộc Thái.

Thật thú vị, đã hết Xuân mà hoa ban còn nở rộ đó đây, trông thật thơ mộng. Để tái hiện lịch sử, tỉnh Điện Biên cho phục dựng lại toàn bộ quần thể di tích, từ chòi canh, hầm thông tin, đài quan sát, lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và nơi làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến đường hầm giao thông, bếp Hoàng Cầm...

Trước khi trở về nghỉ đêm, chúng tôi chọn bữa ăn chiều ở bản Teng gần TP. Điện Biên Phủ, thưởng thức những món ăn của đồng bào dân tộc Thái. Bữa ăn hết sức thịnh soạn với các món dân dã là lợn mán nướng, măng đắng chấm với chẩm chéo, cá trắm chưng tương, xôi lá cẩm, thịt gà luộc, rau rừng luộc, chả hấp cùng rau thơm... uống với rượu táo mèo. Hai cô gái Thái tên Lò Thị Bích và Lò Thị Mỹ Châu ngồi tiếp rượu chúng tôi.

Các cô gái biết chúng tôi từ miền Nam lần đầu đến Điện Biên nên đã hát cho nghe những bài dân ca Thái và những ca khúc nổi tiếng như Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên... khiến anh em trong đoàn như sống lại những ngày hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Các em cứ chuốc rượu bằng những lời mời "khát vọng" khiến chúng tôi uống đến mềm môi...

Thời gian lưu lại Điện Biên Phủ ít ỏi, nhưng sao cảm thấy thành phố này quá thân quen, thân quen có lẽ là do chúng tôi được nghe, được đọc nhiều về trận quyết chiến chiến lược giữa lực lượng Việt Minh với quân đội Pháp, dẫn đến Hiệp định Genève 1954 lập lại hòa bình cho ba nước Đông Dương.

Cánh đồng Mường Thanh rộng đến 120km2, trong đó TP. Điện Biên Phủ chiếm khoảng 6km2, còn lại chuyên cấy giống lúa bắc thơm, nghi hương. Đang là tháng Tư, lúa đương thì con gái trải dài một màu xanh ngút tầm mắt. Vài tháng nữa, cánh đồng Xứ Trời này sẽ cho ra loại gạo ngon nức tiếng mà du khách gần xa thường mua về xuôi làm quà.

Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng Thái nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ” của nhiều nhánh người Thái ở Đông Nam Á. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên (Điện nghĩa là "kiến lập", Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải). TP. Điện Biên Phủ có khoảng 7 vạn dân, là thành phố có dân số thấp nhất nước.

Chạy dọc thung lũng Mường Thanh là con đường 279 nối Tuần Giáo, trong đó có một đoạn cắt qua TP.Điện Biên Phủ được đặt tên là đại lộ Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi cứ nghĩ, con đường hiện đại này quả là xứng với tên tuổi vị tướng từng đánh bại nhiều vị tướng của Pháp và Mỹ?

Không có cơ hội thăm được nhiều di tích và thắng cảnh khác ở Điện Biên, như Noọng Nhai, đại thủy nông Nậm Rốm, hồ Huổi Phạ, Pa Khoang... để hiểu phần nào cuộc sống và bản sắc các dân tộc Tây Bắc, nhưng chúng tôi tự an ủi bằng việc đã đến được nơi mà bao người con đất Việt mong muốn: Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ!

>Đèn xanh đỏ vẫn nhấp nháy...
>Đường lên Điện Biên
>
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về với Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO