Vàng là nguyên nhân hay hệ quả?

CẢNH THÁI| 07/04/2011 05:58

Financial Times (FT.COM) vừa đưa tin, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu cả trăm tấn vàng trang sức sang Thụy Sĩ để đúc chảy làm vàng thỏi nhằm đối phó với lệnh cấm xuất khẩu vàng miếng trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Vàng là nguyên nhân hay hệ quả?

Financial Times (FT.COM) vừa đưa tin, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu cả trăm tấn vàng trang sức sang Thụy Sĩ để đúc chảy làm vàng thỏi nhằm đối phó với lệnh cấm xuất khẩu vàng miếng trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Thị trường vàng cho đến nay vẫn biến động - Ảnh: Quý Hòa

Điều này phản ánh một nghịch lý có thể hiểu được phần nào là khi vàng thế giới có giá cao, DN Việt Nam sẵn sàng bán vàng, kể cả vàng trang sức để thu lợi theo quy luật cung cầu. Dù rằng ai cũng thấy khó hiểu là vàng trang sức là vàng đã qua chế tác, tốn công và tốn của để làm, nhưng nay lại bán để nấu chảy và đúc thành vàng thỏi!

Mặc khác, có thể họ đã lách luật bằng việc chuyển vàng miếng, vàng nguyên liệu thành “vàng trang sức”, dù có tốn kém thêm, để được phép xuất khẩu, né các quy định cấm xuất khẩu vàng miếng của Nhà nước! Tới đây có thể thấy định nghĩa “thế nào là vàng miếng” và "thế nào là vàng trang sức” đã được các DN hóa giải dễ dàng.

Thực tế trên cho thấy, các chính sách hay chủ trương liên quan đến “cấm” hay “xóa bỏ” kinh doanh vàng miếng cần có các nghiên cứu thận trọng về những khả năng gây tác động đến đời sống DN và người dân cũng như các quy luật tự nhiên của thị trường.

Về thị trường vàng, USD, cũng như những yếu tố liên quan tới tình hình lạm phát, có một số câu hỏi đặt ra dưới đây có thể phản ánh một phần băn khoăn của DN và người dân:

1) Cấm hay hạn chế kinh doanh vàng miếng có làm phát sinh thị trường kinh doanh vàng nhẫn và nữ trang khác? Giá vàng nhẫn, có tăng lên và đóng vai trò thay thế vàng miếng trong giao dịch như thập kỷ 1980? Vàng được xem là nguyên nhân hay hệ quả của lạm pháp hiện nay?

2) Siết chặt kinh doanh ngoại tệ “chợ đen” hay vàng miếng tại tiệm vàng có khiến các chợ hay tiệm này rút vào bí mật? Nhà nước sẽ phải tốn thêm chi phí cho ngành công an, quản lý thị trường... chỉ nhằm kiểm soát việc mua bán chợ đen này, gây lãng phí nguồn lực quốc gia?

3) Giá vàng miếng nếu giảm có làm giảm được lạm phát? Nếu người dân sợ vàng miếng giảm giá, bán lấy tiền gửi ngân hàng, đồng VND lên giá nhưng có chạy vào sản xuất, kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng? Hay người dân lại tiếp tục đầu tư bất động sản hay các tài sản hàng hóa có giá trị đảm bảo khác?

4) Giá USD nếu giảm (tiền đồng lên giá) có giảm được lạm phát? Có đo lường được khối lượng giao dịch USD ở thị trường chợ đen hằng ngày? Lượng giao dịch này chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với khối lượng giao dịch chính thức qua ngân hàng? Nếu tỷ lệ chỉ là 10 - 20% thì có gây tác động nhiều lên tỷ giá? Chợ đen USD có phải là tác nhân gây lạm phát?

5) Nếu tiền vốn trong dân được huy động nhiều vào ngân hàng do lãi suất huy động cao, nhưng lãi suất cho vay rất cao (18 - 20%) như hiện nay khiến ít DN hay người dân dám vay, có làm đình trệ nền kinh tế? Có gây rủi ro về lâu dài cho hệ thống ngân hàng?

6) Có thể nói giữ lãi suất cao có thể là một yếu tố gây lạm phát? Nền kinh tế thừa tiền trong hệ thống ngân hàng, sổ tiết kiệm và tiền vốn nằm trong bất động sản nhưng thiếu tiền cho sản xuất, kinh doanh lâu dài sẽ ra sao?

7) Lạm phát cao là do đâu? Do chính sách tiền tệ hay tài khóa? Do tác nhân bên ngoài hay bên trong quốc gia là chủ yếu? Có thể lượng hóa được không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng là nguyên nhân hay hệ quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO