Vàng, chuẩn vàng và quy luật thị trường

26/09/2012 06:03

Trong vòng mười ngày, việc gia công sản xuất 350.000 lượng vàng, tương đương 13 tấn, mang lại cho SJC 17,5 tỉ đồng.

Vàng, chuẩn vàng và quy luật thị trường

Trong vòng mười ngày, việc gia công sản xuất 350.000 lượng vàng, tương đương 13 tấn, mang lại cho SJC 17,5 tỉ đồng.

Cho dù SJC, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM hay ngân hàng Nhà nước, thì 17,5 tỉ đồng doanh thu từ gia công trên danh nghĩa thuộc quyền Nhà nước quản lý. Xét trên bình diện tổng thể, việc đóng góp ngân sách dù cho địa phương hay cho Trung ương, cũng không thay đổi ý nghĩa chung. Nhưng với người sở hữu vàng miếng, việc chuyển đổi lại ảnh hưởng tới giá trị tài sản họ đang nắm giữ.

SJC chiếm lĩnh 90% thị phần vàng miếng

Trong bối cảnh Nhà nước sở hữu nhãn hiệu SJC và độc quyền sản xuất cũng như kinh doanh vàng miếng được thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra khi trả lời chất vấn đại biểu quốc hội hồi cuối tháng 11/2011, người sở hữu vàng miếng sớm hay muộn đều muốn hoặc phải chuyển đổi miếng vàng mình giữ sang nhãn hiệu sao cho có lợi nhất.

Trước đây, để cạnh tranh với vàng SJC, doanh nghiệp kinh doanh vàng thường định giá bán mỗi lượng vàng mang nhãn hiệu của họ thấp hơn 100.000 đồng so với vàng SJC.

Kể từ khi có quyết định về số phận vàng miếng SJC của ngân hàng Nhà nước, khoảng cách giữa giá vàng mang các nhãn hiệu khác với vàng SJC vốn đã cách biệt lại càng gia tăng cách biệt. Có lúc, sự cách biệt này của một lượng vàng bốn số chín mang thương hiệu khác với SJC lên tới cả triệu đồng.

Sự cách biệt lớn như vậy khiến người nắm giữ vàng có nhu cầu chuyển đổi nhãn hiệu vàng.

Ra đời từ năm 1989, sau 22 năm hoạt động, từ hai nhãn hiệu ban đầu là Rồng vàng và Bông hồng, SJC là doanh nghiệp quốc doanh đầu tiên trên cả nước xây dựng thành công thương hiệu khi chiếm lĩnh 90% thị phần vàng miếng.

Kể từ khi thị trường vàng có thêm sức cạnh tranh đến từ một nhãn hiệu quốc doanh có lợi thế về nguồn vốn và hệ thống, người dùng được hưởng lợi khi không chịu sự chi phối của phương thức “mua vàng hiệu gì bán lại hiệu đó”. Bởi sự khác biệt về chất lượng, hay còn gọi là tuổi vàng, trước đây bị quy định bởi nhãn hiệu vàng nay đã được chuẩn hoá thông qua phương thức cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh.

Giá trị của miếng vàng SJC được xây dựng không chỉ bằng niềm tin của người dùng vào các con số chỉ tuổi vàng mà còn ở sự thuận tiện khi giao dịch với một hệ thống có độ phủ tốt. Hệ quả là khi hệ thống càng phát triển, giá trị mang lại cho người dùng càng cao, bởi ngày càng có nhiều đơn vị bán lẻ hay sỉ ngoài hệ thống chấp nhận.

Nếu đo sức mạnh của thương hiệu, căn cứ dễ thấy nhất chính là con số 100.000 đồng chênh lệch giá bán giữa vàng hiệu khác với vàng SJC. Tính ra, trong 23 năm qua, thương hiệu SJC tạo thêm giá trị vật chất vào khoảng 2.200 tỉ đồng cho Nhà nước. Nay sức mạnh thương hiệu SJC càng lớn hơn, nhưng không phải thông qua phương thức cạnh tranh, mà bằng một quyết định của cơ quan quản lý.

Tuy ông Nguyễn Quang Huy, vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối khẳng định hồi đầu tháng 4 năm nay rằng không có sự phân biệt đối xử giữa vàng quốc doanh và các loại vàng mang nhãn hiệu khác, song vàng miếng lưu thông trên thị trường thời gian qua như một dòng chảy bị lùa qua một chiếc phễu mà đầu lớn là phía người mua, còn đầu kia là một đầu mối độc quyền của Nhà nước.

Chiếc phễu đó không chỉ làm biến đổi nhãn hiệu mà trong giai đoạn vừa qua, còn đóng vai trò góp phần khuếch đại chênh lệch giá. Trong khi quy chuẩn về vàng trở nên đồng nhất trên thế giới đến độ một hãng bia phải mượn đó làm căn cứ so sánh về chất lượng, thì trong giai đoạn vừa rồi ở Việt Nam, căn cứ đó không hẳn đã đúng. 

Giải thích về sự ra đời của nghị định quản lý sản xuất vàng miếng, đại diện ngân hàng Nhà nước cho rằng, một trong những mục đích là để chống đầu cơ, làm giá vàng. Thực tế cho thấy, phương thuốc chống đầu cơ như vậy trong thời gian qua chưa trị được bệnh. Vì vậy, cần phải xem lại phương thuốc cũng như căn nguyên gây bệnh.

Cho dù SJC thuộc quyền chủ quản của địa phương hay Trung ương, thì đó cũng là doanh nghiệp nhà nước. Sở hữu một công cụ chiếm 90% thị phần như SJC, thì thế lực thị trường nào có đủ sức làm giá, hoặc đầu cơ nếu thị trường được xây dựng và vận hành theo đúng quy luật?

Giả sử hoàn tất việc chuyển đổi các nhãn hiệu vàng, giá trị gia công mà SJC nhận được có thể tới vài chục tỉ đồng, thậm chí cả trăm tỉ. Khi thị trường vận hành thông suốt, phí tổn này rồi sẽ phản ánh đầy đủ vào giá. Nghĩa là cuối cùng, người mua sẽ phải chịu. Song đến lúc này, việc chống đầu cơ, làm giá vàng miếng chưa thể tính toán đầy đủ chi phí khi bài toán hãy còn dang dở.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, khi độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, ngân hàng Nhà nước đã xem vàng như một tiền tệ cần quản lý.

Mục đích như vậy hoàn toàn hợp lý bởi khó có thể quản lý, điều hành một nền kinh tế mà ngoài đồng tiền chính thức, còn có thêm các đồng tiền khác như vàng và đôla.

Song các giải pháp đã ban hành vừa qua mới loại bỏ vàng như một phương tiện thanh toán trên danh nghĩa, trong khi thiếu nhóm giải pháp có thể vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư, khai thông dòng vốn, vừa bảo đảm thị trường tiền tệ vận hành ổn định. Con đường để đạt mục tiêu như vậy chỉ có thể được xây dựa trên các nguyên tắc của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng, chuẩn vàng và quy luật thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO