Vẫn vướng cơ chế

10/04/2019 04:04

Tại sao thủ tục hành chính vẫn trong tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh"?  Các DN đều cho rằng, nguyên nhân nằm ở cơ chế.

Vẫn vướng cơ chế

Mặc dù điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng  vẫn chưa  đi vào thực chất, các điều kiện kinh doanh vẫn còn "núp bóng" trong các thông tư, nghị định mới , người thực thi không minh bạch và DN vẫn gặp khó. Đơn cử, hai mục tiêu đã được đưa ra trước đây là cắt giảm ít nhất 30% giấy tờ trong hồ sơ và áp dụng "một cửa" cho quy trình nhưng kết quả  rất hạn chế do số lượng giấy tờ, biểu mẫu cấp trên quy định được luật hóa. Các cơ quan tự áp dụng một cửa rồi đến liên thông nhưng nếu không giảm các quy trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ thì không giảm được chi phí thời gian và chi phí chính thức cho DN.

Cụ thể, thông qua hoạt động của Cổng trợ giúp DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: "Nhiều thủ tục, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thường có động tác hỏi ý kiến cấp trên hoặc hỏi các sở, ban ngành khác trước khi giải quyết hoặc trình lên cấp trên. Đây được xem là hình thức chia trách nhiệm cho người khác và quy trình này thường kéo dài 5-10 ngày. Một số thủ tục cần Hội đồng thẩm định liên ngành thì rất tốn kém và mất thời gian. Thực chất, trong hội đồng thẩm định nhiều khi không đủ người nên làm cho có, thiếu chuyên môn, thẩm định nhưng không  chịu trách nhiệm về kết quả  thẩm định.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có khoảng 178.000 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, có 337 văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành và 804 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Với số lượng văn bản khổng lồ như vậy, không  ai có thể nhớ hết nội dung  văn bản nên nhiều cán bộ quản lý "có quyền" được "quên" và thường quên theo hướng bất lợi cho DN. Nguyên nhân được các DN kết luận, do các bộ, ngành tự do ban hành văn bản, không có đầu mối kiểm soát nên chồng chéo nhau.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết: "Nhiều chủ trương của thành phố đến cấp dưới là... tắc nên các thủ tục giấy tờ, cấp phép kéo dài. Ví dụ, năm 2016 Thành phố có khoảng 110 DN khởi nghiệp đăng ký giấy phép nhưng hết năm 2016 mới chỉ có 40% DN có được  đăng ký, các DN sản xuất xin  giấy phép xây dựng nhà xưởng, văn phòng cũng phải qua rất nhiều... cái đuôi và thời gian xin phép thường phải mất tối thiểu nửa năm". Liên quan đến đất đai, nhà xưởng, ông Lý Minh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh chia sẻ: "Nhiều DN tại Bình Chánh bị mất nhân công sang DN khác vì không xây dựng được chỗ ở cho nhân viên, không nâng cấp được điều kiện làm việc, nhà xưởng do... vướng Nghị định 60-CP về quyền sở hữu nhà ở và đất ở tại đô thị”.

Theo ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thép TP.HCM, rất nhiều DN bị thiệt hại khi mua đất đai, nhà xưởng đầu tư vì không biết thông tin quy họach được công bố chính thức ở đâu. Đơn cử, nhiều năm nay, công ty của ông Khương không xin được giấp phép xây dựng vì phải chờ... quy hoạch, trong khi mỗi năm, công ty vẫn phải trả lãi suất hơn 300 triệu/năm. Ngành thép hiện cũng đang phải chịu rất nhiều thủ tục chồng chéo, phức tạp khi nhập thép về cảng. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh, công ty  ông thường xuyên nhập khẩu dây chuyền sản xuất, có bản vẽ đi kèm nhưng khi máy móc về cảng, Hải quan yêu cầu phải có giấy chứng nhận dây chuyền đồng bộ là rất vô lý.

Riêng vấn đề thanh toán cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở một số nước mà ngân hàng Việt Nam chưa có liên kết hoặc có trụ sở tại nước đó nhưng chỉ thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên nước đó, như BIDV tại Myanmar, chỉ chuyển tiền cho các DN có yếu tố VN, còn các DN 100% vốn Myanmar thì không thanh toán tiền mua hàng về  VN qua BIDV Myanamar được,  ông Trần Văn Phát,  Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp quận 3 chia sẻ.

Nói thêm về thủ tục hành chính, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội  Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cho hay: "Có nhiều thủ tục, quy định không còn hiệu lực nhưng lại không có quy định mới ban hành, ngược lại, nhiều luật đã ban hành  nhưng lại không có thông tư, nghị định cụ thể để thực hiện". Bà Nguyễn Thị Thiêm,  Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 9 cũng cho biết: "Có nhiều văn bản đề nghị thanh kiểm tra DN của các sở, bộ ngành vào thời điểm không phù hợp như  dịp cuối năm là  thời điểm các DN đang phải tăng tốc, tập trung sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do không có cơ chế nên quận, huyện khó "lên tiếng" bảo vệ cho DN trên địa bàn.

Liên quan thủ tục bảo hộ sản phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến nói thêm, công ty ông đã đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng trên 20 nước có hàng xuất khẩu nhưng không có quốc gia nào thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ lại lâu như Việt Nam. Thường thời gian đăng ký khoảng một năm nhưng thực tế kéo dài đến 15, 16 tháng, dẫn đến thiệt hại cho DN vì thời gian chờ đợi quá lâu, đủ để các DN khác có thể sản xuất giống sản phẩm của DN mình, mà nếu đủ cơ sở khiếu nại thì thị trường cũng đã mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn vướng cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO