Vấn nạn lao động xuất khẩu: Bất đối xứng thông tin

THIÊN THUẬN| 15/09/2012 00:12

Tuần qua, một tòa nhà ở Nga bắt lửa khiến ít nhất 14 công nhân nhập cư người Việt Nam thiệt mạng. Báo Nga đưa tin các công nhân này làm công việc may vá bên trong một căn phòng nhỏ, bị ông chủ khóa cửa ngoài và chỉ được cung cấp thức ăn cũng như các nhu yếu phẩm mỗi ngày một lần.

Vấn nạn lao động xuất khẩu: Bất đối xứng thông tin

Tuần qua, một tòa nhà ở Nga bắt lửa khiến ít nhất 14 công nhân nhập cư người Việt Nam thiệt mạng. Báo Nga đưa tin các công nhân này làm công việc may vá bên trong một căn phòng nhỏ, bị ông chủ khóa cửa ngoài và chỉ được cung cấp thức ăn cũng như các nhu yếu phẩm mỗi ngày một lần.

Lính cứu hỏa tìm cách tiếp cận căn phòng bị cháy ở Iegorievski (Nga) hôm 11/9, nơi có các công nhân người Việt đang làm việc. Ảnh: Reuters
Iegorievski cũng là thành phố đã phát hiện ra một xưởng may sử dụng và ngược đãi lao động người Việt Nam một cách bất hợp pháp hồi đầu tháng 8. Lùi thêm tháng nữa, dư luận chắc chưa quên vụ 40 lao động Việt kêu cứu. Lần lượt từng tốp người may mắn quay trở về trong trạng thái “không một xu dính túi”, có người còn cười hạnh phúc với hai dòng nước mắt dài, có người không bao giờ cười.

Một bức tranh nhiều gam màu tối về số phận của người lao động Việt Nam xuất khẩu sang Nga không hợp pháp và bị hành hạ trong những nhà máy dệt may “đen” tồn tại chui rúc ven các thành phố lớn đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải.

Xuất phát từ cả hai phía

Hiện nay có khoảng 7.000 lao động Việt Nam tuổi mười chín đôi mươi tấp nập đi “xuất khẩu lao động” theo hình thức này, chiếm tỷ lệ 70% số nhân công xuất khẩu lao động. Phần đông lực lượng này xuất phát từ những tỉnh chưa phát triển hoặc thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai như Bình Định, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên, Nghệ An… Nhiều trường hợp phải bán đất, bán ruộng để có tiền thế chấp cho người môi giới với nhiều mức giá khác nhau, từ 10 đến 50 triệu đồng. Số tiền đó “một đi không trở lại”, vì hợp đồng của họ không thông qua bất kỳ một cơ quan chức năng nào của Nhà nước, do đó cũng chẳng có ai bảo vệ quyền lợi cho họ.

Theo lý giải của ông Lê Minh Dần, Bí thư thứ nhất, Thường trực Ban công tác Cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, việc Nga tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch, nhất là ngành công nghiệp nhẹ mà trường hợp đang được quan tâm là ngành may mặc, khiến cho cung ở các ngành hàng này giảm mạnh dẫn đến việc xuất hiện nhiều công ty may rải rác ven các thành phố lớn như Moskva, Ekaterinburg.

Nhiều nhà máy mọc lên song phần lớn đều hoạt động bất hợp pháp do việc đảm bảo các điều kiện để xin giấy phép của Nhà nước Liên bang Nga buộc các chủ xưởng phải chi tiêu nhiều, lợi nhuận sẽ không còn bao nhiêu. Ngành may mặc là ngành đòi hỏi nhiều nhân công, và chủ những “xí nghiệp may đen” này đã tìm đến nguồn nhân công giá rẻ ở Việt Nam.

Hiện nay, ngay cả những xí nghiệp trong nước cũng không đảm bảo được điều kiện sống của người lao động phổ thông. Mức lương cơ bản được đa số các xí nghiệp đưa ra hiện nay cho những ngành đòi hỏi nhiều nhân công dao động từ 1,5 -2,5 triệu.

Giữa tình cảnh khó khăn trước mắt khi làm ở Việt Nam với những rủi ro phải đối mặt khi làm ở nước ngoài qua miêu tả, người lao động không phải là không có lý do khi chọn phương án thứ hai với mức lương đến hàng trăm đô la Mỹ.

Lại nói đến thành phần trung gian, bên cạnh những cơ quan được Nhà nước cấp phép, những kẻ môi giới trái phép cũng sinh hoạt như những người dân bình thường và làm việc chủ yếu qua quen biết với chủ xưởng ở Nga. Cơ quan Nhà nước hiện nay chưa có biện pháp nào khác hơn là chờ sự tự nguyện xin giấy phép, trong khi đó chế tài cho việc hoạt động ngầm chưa mạnh, nên những kẻ môi giới trái phép vẫn hoạt động ngang nhiên, và cuộc sống của người dân bị đe dọa.

Đến lượt người lao động Việt Nam, với khát vọng đổi đời và mong muốn xuất ngoại, sau khi nhận được thông tin một chiều từ những người môi giới đã vội vàng thu xếp chạy tiền để, đi mặc cho sự mù mờ về môi trường làm việc chỉ được thể hiện qua lời nói.

Tựu chung, đó là vấn đề bất đối xứng thông tin giữa cung - cầu trong thị trường xuất khẩu lao động.

Làm sao “nhổ cỏ tận gốc”?

Nhận định của Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định, cũng như những địa phương có nhiều trường hợp xuất khẩu lao động sang Nga, về vấn đề trên, trách nhiệm của Nhà Nước là chưa tổ chức được những chương trình tuyên truyền về vấn đề xã hội, điển hình có thể là những nội dung về thủ tục xuất khẩu lao động và cảnh giác đối với những đối tượng môi giới lao động trái phép. Người lao động biết quá ít thông tin chính xác trong khi giới trung gian thì hiểu rất rõ những rủi ro và điều kiện lao động tồi tệ mà người lao động phải đối mặt. Việc đưa những thông tin này đến đại đa số người dân lao động ở những tỉnh thường xuyên diễn ra tình trạng xuất khẩu trái phép lao động, đặc biệt là trường hợp xuất khẩu sang Nga như hiện nay không đơn giản, khi mức độ tập trung dân cư và điều kiện truyền bá thông tin chưa cao.

Một điểm nổi bật cần quan tâm nữa là công ăn việc làm của người lao động hiện nay không mang lại đủ thu nhập là nguyên nhân khiến họ phải xoay sở tìm kiếm những cách mưu sinh khác nhau, không ngoại trừ những phương án tiêu cực. Do đó, việc nâng cao trình độ và nhận thức người dân phải đi kèm với nhiệm vụ tạo công ăn việc làm với thu nhập hợp lý để người lao động không phải ngậm ngùi chọn những cách mưu sinh nguy hiểm mà không hiệu quả như vậy.

Chính quyền các địa phương có thể phối hợp với các doanh nghiệp để đưa những thông tin về việc làm trong nước cùng những điều kiện ưu đãi tiếp cận được người dân, đặc biệt là những người dân vùng sâu vùng xa và khu vực nghèo, để họ có sự lựa chọn tốt hơn. Việc này cũng giải quyết được một vấn đề nan giải của doanh nghiệp - thiếu lao động sau mỗi dịp lễ Tết hay triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất.

Cần phải nói thêm về sự xuất hiện của những “xưởng may đen” trên đất Nga, hiện tượng này rộ lên xuất phát chủ yếu từ hai chính sách của Nga. Chính sách bảo hộ mậu dịch của Nga trước các mặt hàng công nghiệp nhẹ dẫn đến sự tụt nhanh về nguồn cung. Lượng hàng sụt giảm này thường là những nguồn hàng giá rẻ mà chất lượng khó có thể phân biệt rạch ròi với hàng nội địa của Nga. Nhu cầu của thị trường không thay đổi đáng kể là điều kiện để nhiều nhà máy, đặc biệt là nhà máy dệt may mọc lên để bù đắp sự khan hiếm hàng hóa.

Giải pháp mang tính vĩ mô để giải quyết triệt để vấn đề này là Việt Nam và Nga cần tiến tới xây dựng một hiệp định thương mại song phương về vấn đề xuất nhập khẩu lao động và hàng hóa.

Hiệp định này không những có thể giúp Việt Nam tăng nguồn xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ từ Việt Nam và người lao động không phải lao động trên xứ người, mà từ phía Nga cũng không phải chịu sức ép nhập cư trái phép và hàng hóa nhập lậu tràn lan như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vấn nạn lao động xuất khẩu: Bất đối xứng thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO