Vẫn loay hoay xác định ngành chủ lực

27/05/2010 00:13

Bộ Công thương mới đây đã đưa ra kết quả nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và đề xuất một số ngành chủ lực cần tập trung phát triển.

Vẫn loay hoay xác định ngành chủ lực

Bộ Công thương mới đây đã đưa ra kết quả nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và đề xuất một số ngành chủ lực cần tập trung phát triển.

Ngành điện tử tuy có kích thích nhập khẩu cao nhưng vẫn nên chọn là ngành chủ lực vì mức độ kích thích sản xuất trong nước cao hơn mức kích thích nhập khẩu.

Dường như người ta cho rằng nguyên nhân chính của những bất ổn vĩ mô như nhập siêu, thâm hụt cán cân thương mại là do không phát triển công nghiệp hỗ trợ (hoặc phụ trợ) tốt. Thực ra, ở Việt Nam ngoại trừ nhóm ngành nông, lâm thuỷ sản, gia công, lắp ráp và nhóm ngành chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp thì đa phần là công nghiệp phụ trợ đấy chứ.

Mặt khác, một khi chưa xác định được những ngành nào là ngành chủ lực (Key sectors) của nền kinh tế thì làm sao xác định được những sản phẩm hỗ trợ cho nó.

Thông thường, để xác định ngành chủ lực phải xem xét các ngành trong nền kinh tế xem những ngành (hoặc nhóm ngành) nào có hệ số lan toả và độ nhạy cao. Điều này hàm ý, đó là những ngành mà khi phát triển nó sẽ có tác dụng kích thích các ngành khác trong nền kinh tế. Thông qua đó có thể xác định những ngành nào lan tỏa đến nó (những ngành đã xác định là chủ lực) và nó lan toả đến những ngành nào trong nền kinh tế.

Một điểm cần chú ý khi xác định những ngành có hệ số lan toả và độ nhạy cao, là cần song song nghiên cứu xem xét sự lan toả về nhập khẩu của các ngành (Import multipliers) để hạn chế mức nhập siêu. Bởi một số ngành, tuy có kích thích các ngành khác và mặc dù được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu nhiều nhưng nếu chúng kích thích nhập khẩu cao thì thực chất là kích thích sản xuất của nước khác và làm tăng thêm nhập siêu.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nêu một ví dụ rất đúng về điều này: Ví dụ một ngành thôi, mặc dù dân mình nuôi heo song tỷ lệ nội địa hoá thịt heo của mình là bao nhiêu? Ta phải bỏ ra hàng mấy trăm triệu USD/năm nhập bột cá về nuôi heo trong khi nước ta bờ biển rất dài, có khả năng về hải sản… Như vậy, đồng thời với việc xác định các ngành chủ lực thông qua hệ số lan toả và độ nhạy cao, cần tính đến hệ số kích thích nhập khẩu của các ngành trong nền kinh tế (1)phải nhỏ hơn 1 (thấp hơn mức lan toả bình quân của toàn nền kinh tế).

Dựa vào cấu trúc kinh tế của bảng I-O mới nhất của Việt Nam (2007), có thể thấy hầu hết các ngành (nhóm ngành) mà bộ Công thương đưa ra như là những ngành chủ lực (may mặc, giày dép, lắp ráp ôtô, xe máy, máy móc thông dụng và chuyên dụng) đều có độ nhạy và độ lan toả đến nền kinh tế rất thấp, thậm chí có những ngành có mức độ lan toả và độ nhạy thấp nhất trong toàn bộ các ngành, và những nhóm ngành này cũng là những ngành kích thích nhập khẩu mạnh nhất.

Duy chỉ có ngành điện tử có độ nhạy và độ lan toả cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế nhưng độ kích thích nhập khẩu cũng cao hơn mức bình thường. Như vậy việc chọn những ngành như may mặc, giày dép, lắp ráp ôtô, xe máy, máy móc thông dụng và chuyên dụng không kích thích nền kinh tế trong nước mà chỉ kích thích nhập khẩu (thực sự) mà thôi. Ngành điện tử tuy có kích thích nhập khẩu cao nhưng vẫn nên chọn là ngành chủ lực vì mức độ kích thích sản xuất trong nước cao hơn mức kích thích nhập khẩu. (xem bảng dưới)

Cấu trúc lại nền kinh tế để giải quyết các bất ổn vĩ mô hầu tăng trưởng bền vững thì quan trọng hơn sự tập trung cho tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu cấu trúc lại đi trật hướng thì bất ổn vĩ mô không những không giảm mà thậm chí có thể còn trầm trọng hơn.

(1) Xem Bùi Trinh, Phạm Lê Hoa, Bùi Châu Giang “Import multiplier in input-output analysis” Vietnam, National University, Hanoi; Volume 25, No. 5E, 2009

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn loay hoay xác định ngành chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO