Vấn đề mới, phức tạp và rất “nóng”

TRÌNH TIÊU thực hiện| 28/12/2011 00:39

Trước ý kiến Chính phủ can thiệp quá sâu vào quá trình tái cấu trúc là không nên, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn nói: “Bây giờ, không có giải pháp nào khác!”

Vấn đề mới, phức tạp và rất “nóng”

Trước ý kiến Chính phủ can thiệp quá sâu vào quá trình tái cấu trúc là không nên, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn nói: “Bây giờ, không có giải pháp nào khác!”.

* Thưa ông, Chính phủ đã làm gì để thu xếp vốn cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?

Hệ thống ngân hàng (HTNH) bộc lộ nhiều hạn chế trước những đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô. Tái cấu trúc HTNH là vấn đề mới, phức tạp và rất “nóng” không chỉ với ngành NH mà cả nền kinh tế.

Chúng ta không cần thiết phải có một lượng tài chính quá lớn. Nợ xấu sẽ từng bước được xử lý và khắc phục, bởi nợ xấu gắn liền với thị trường, với hoạt động của các ngành nghề kinh doanh, của DN. Trước mắt, chúng ta tập trung vào xử lý các tổ chức tín dụng quá yếu kém, nợ xấu quá lớn, có thể gây rủi ro cho cả hệ thống.

Về lâu dài, chúng ta từng bước xây dựng HTNH với một quy chuẩn và hệ thống giám sát tốt hơn. Các ngân hàng phải tự hạn chế, để không rơi vào rủi ro quá lớn, còn những nợ xấu ở mức gây khó khăn cho thanh khoản của hệ thống thì chúng ta mới hỗ trợ, khắc phục.

Quan điểm của tôi là Chính phủ không bỏ tiền cho tất cả các định chế tài chính để khắc phục những khó khăn đó mà về cơ bản, họ phải tự lo liệu.

* Không tiến hành tái cấu trúc quyết liệt như các nước, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu, nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới?

Tái cấu trúc nào cũng phải chấp nhận sự đau đớn, bởi đó là sự thay đổi. Các nước trên thế giới, chẳng hạn như Hàn Quốc, thực hiện tái cấu trúc HTNH chỉ trong một năm với liệu pháp sốc, phá sản một cách khốc liệt.

Quá trình tái cơ cấu của chúng ta diễn ra từ nay đến 2015. Về mặt tài chính, cách làm của Việt Nam không như các nước, chúng ta không định lượng số tiền để tái cấu trúc. Chúng ta quyết liệt, song triển khai từng bước, không gây liệu pháp sốc.

* Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài tham gia ?

Hiện nay, NH nước ngoài vào Việt Nam khá đông, nhưng chúng tôi thấy chưa cần thiết để các NH nước ngoài tăng thêm thị phần. Với quy mô, khả năng hiện nay, chúng ta vẫn đủ khả năng tái cơ cấu lại HTNH.

Trong dài hạn, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, chúng ta sẽ xem xét, nhưng đó là để thu hút thêm kỹ năng về quản trị.

* Ông từng khẳng định, sẽ không để cho ngân hàng nào phá sản, vậy còn bây giờ?

Trước mắt, chúng ta không để cho NH nào phá sản là nhằm ổn định tâm lý thị trường, khi người dân chưa sẵn sàng với ý niệm NH phá sản. Nhưng trong tương lai, chúng ta phải dần từ bỏ được ý niệm đó.

Cái khó nhất đối với nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách là phải có được một chính sách, một biện pháp phù hợp với thực tế, với văn hóa của quốc gia ở từng thời điểm lịch sử. Trong tương lai, nếu chúng ta cũng khẳng định NH không bao giờ phá sản, thì sẽ không bao giờ có được một nền kinh tế thị trường.

* Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò gì trong quá trình tái cấu trúc này?

Tái cấu trúc một cách toàn diện, đồng bộ hệ thống NH như một yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Ủy ban đã trình Thủ tướng một đề án tái cấu trúc HTNH theo chức năng của mình.

Đề án của Ủy ban nằm trong giới hạn phạm vi tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Còn NHNN được Chính phủ giao thực hiện đề án chính thức. Hai đề án này hoàn toàn độc lập.

NHNN đã được Chính phủ giao xây dựng đề án và thực hiện Điều 4, Luật Ngân hàng là được phép bỏ tiền đầu tư vào các tổ chức tín dụng, khi các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo đó, với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong tương lai, NHNN phải làm thế nào để xây dựng được một quy chuẩn an toàn, một hệ thống giám sát để ngăn chặn được các tổ chức tín dụng đầu tư mạo hiểm vượt quá khả năng kiểm soát.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vấn đề mới, phức tạp và rất “nóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO