Vẫn bất cập trong xử lý chất thải

NGUYÊN BẢO| 20/07/2016 06:14

Formosa chỉ là một trong số ít các đơn vị gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện.

Vẫn bất cập trong xử lý chất thải

Những thông tin về việc Formosa xả thải làm ô nhiễm trầm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung chưa lắng dịu thì mới đây, chất thải rắn từ nhà máy sản xuất thép Formosa lại được phát hiện chôn lấp trong công viên ở phường Sông Trí và bãi rác ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng như ở trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.  

Đọc E-paper

Formosa chỉ là một trong số ít các đơn vị gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện. Một cán bộ trong ngành đầu tư chia sẻ đã từng trao đổi với vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện - điện tử, họ đều xác nhận có nhiều loại chất thải rắn thải ra môi trường còn nhiều độc tố như thủy ngân trong đèn tuýp phế thải, nếu không được xử lý trước sẽ rất nguy hại.

Báo cáo Môi trường Quốc gia 2011 với chủ đề Chất thải rắn cho thấy tốc độ gia tăng của loại chất thải này mỗi năm vào khoảng 10%, nhưng sẽ tiếp tục tăng cả về lượng lẫn mức độ độc hại và tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Có khoảng 46% chất thải rắn phát sinh từ các đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp và phần còn lại từ nông thôn (sản xuất nông nghiệp), làng nghề và y tế.

Thời điểm đó, báo cáo cũng đã đưa ra dự báo, năm 2015, tỷ trọng này sẽ có sự hoán đổi lớn, trong đó chất thải rắn đô thị và công nghiệp sẽ chiếm lần lượt 50,8% và 22,1%. Với chất thải rắn công nghiệp, một số ngành, khu vực có mức độ phát thải lớn như khai khoáng, dầu khí, đóng tàu, hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN).

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010, mỗi ngày các KCN Việt Nam thải ra khoảng 8.000 tấn chất thải rắn, tương đương khoảng gần 3 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm. Tính bình quân cả nước, năm 2005 - 2006, một ha đất cho thuê phát sinh 134 tấn chất thải rắn/năm. Đến 2008 - 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm, tăng khoảng 50%, tức bình quân 10%/năm.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm đó, cả nước có khoảng 170 KCN hoạt động và lượng chất thải rắn tăng lên cùng với việc gia tăng KCN cũng như DN hoạt động trong các KCN.

Như vậy, với 206 KCN đã vận hành (tính đến tháng 12/2015) trên tổng số 463 KCN nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng 2020, đồng thời đến cuối 2015 đã có trên 6.000 dự án của DN FDI, thì mức độ phát thải từ các KCN chắc chắn vượt tỷ lệ hơn 22% và mức 6 - 7,5 triệu tấn/năm mà Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 đã dự báo.

>>“Mua bán chứng chỉ giảm phát thải dự án”

Theo các chuyên gia thực hiện Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011, thành phần chất thải rắn của các KCN có thể thay đổi theo hướng gia tăng chất thải nguy hại - thành phần chiếm trên 20% trong chất thải rắn công nghiệp, do tác động của tốc độ công nghiệp hóa và mức độ sử dụng hóa chất ngày càng cao.

Điều đáng quan tâm là việc xử lý chất thải rắn tại các KCN, đặc biệt là chất thải nguy hại hiện chưa được các doanh nghiệp sản xuất lẫn đơn vị thu gom chú trọng. Chẳng hạn, các nhà máy giấy và thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhập phế liệu với số lượng rất lớn để sản xuất làm phát sinh ô nhiễm môi trường và hàng nghìn bao chứa bụi lò được đặt trên nền đất nhưng không có giải pháp thoát nước mưa nên chất thải nguy hại bị cuốn ra sông Thị Vải.

Vậy, chất thải rắn công nghiệp, cụ thể là chất thải nguy hại sẽ được xử lý ra sao? Hiện tại, doanh nghiệp tư nhân tham gia thu gom, đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn bài bản khá hiếm. Công việc này chủ yếu do các công ty môi trường đô thị đảm trách và một vài doanh nghiệp được Bộ và các Sở Tài nguyên - Môi trường cấp phép nhưng việc xử lý ra sao, xứ lý bằng công nghệ gì vẫn còn là vấn đề tranh cãi.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được phép thu mua chất thải rắn công nghiệp, nhưng các cơ quan cấp phép cần phải kiểm tra năng lực xử lý phế liệu. Nếu các công ty thu mua không đủ năng lực, điều kiện để xử lý chất thải nguy hại mà đem chôn lấp thì phải mạnh tay thu hồi giấy phép hoạt động, xử phạt nếu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Từ thực tế này cũng cần có quy định bắt buộc các nhà đầu tư phải xử lý trước phế liệu để đảm bảo thân thiện với môi trường mới được bán cho các doanh nghiệp được phép thu mua.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh nguồn vốn lớn, công nghệ xử lý chất thải rắn cũng là vấn đề đáng bàn. Do chất thải ở Việt Nam chưa được phân loại nên công nghệ nhập khẩu nước ngoài không phù hợp để xử lý, doanh nghiệp phải nghiên cứu, chế tạo máy mới, bắt đầu từ phân loại nguồn riêng biệt rồi mới đưa vào xử lý.

>>Việt Nam sẽ thoát nỗi ám ảnh rác thải điện tử

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn bất cập trong xử lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO