Tượng đài của lòng yêu nước

PHƯƠNG HÀ| 28/04/2017 06:30

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng hoành tráng mà gần gũi như làng quê, như phố thị Việt Nam.

Tượng đài của lòng yêu nước

2 năm trước, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2015), tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ được khánh thành.  

Đọc E-paper

Từ đó đến nay đã có gần 30 vạn người đến kính cẩn nghiêng mình tri ân các bà mẹ đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của đất nước, tri ân những người mẹ, người chị đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc suốt 30 năm đằng đẵng với 2 cuộc chiến tranh giữ nước.

Tôi không muốn so sánh tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng với tổ hợp tượng đài Người Mẹ Tổ quốc trên đồi Mamaev ở thành phố Volgagrad để tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Liên Xô những năm 1941 - 1945, nhưng chợt nghĩ, tại sao lại không xây dựng tổ hợp tượng đài ấy ở Núi Thành không xa về phía Nam?

Núi Thành là ngọn đồi khoảng 7ha, cao 50m, bên cạnh quốc lộ 1A, là cứ điểm đầu tiên của quân đội Mỹ lập nên ngay sau khi đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng ngày 8/3/1965 để bảo vệ sân bay Chu Lai, kiểm soát một vùng rộng lớn phía nam tỉnh Quảng Nam và phía bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Để rút kinh nghiệm đánh quân Mỹ cho toàn chiến trường, đêm 25 rạng sáng 26/5/1965, một đại đội bộ binh và 12 chiến sĩ đặc công bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tập kích tiêu diệt gọn cứ điểm Núi Thành.

Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa rất lớn bởi là trận đầu Quân Giải phóng thử sức với quân đội Mỹ, là bài học quý báu về cách "nắm thắt lưng địch mà đánh", tức đánh gần nhất có thể để giảm bớt thiệt hại do bom pháo dày đặc của đối phương, trong điều kiện phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh.

Cũng như tổ hợp tượng đài Người Mẹ Tổ quốc được xây dựng trên đồi Mamaev lịch sử - nơi xảy ra những trận đánh ác liệt nhất giữa Hồng quân Liên Xô với quân đội Đức Quốc xã trong năm 1942, mà thắng lợi của Hồng quân đã tạo bước ngoặt trong thế chiến II, Núi Thành xứng đáng được chọn để xây dựng tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng khi tìm hiểu về địa hình, không gian chung, sự thuận tiện cho đồng bào trong Nam ngoài Bắc viếng thăm, tôi thấy những người có trách nhiệm chọn Núi Cấm là hợp lý.

>>Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

Đã 13 năm kể từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam đề xuất rồi sau đó cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam vận động quyên góp kinh phí xây dựng tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (sau đây gọi tắt là Tượng đài), đã 8 năm trôi qua kể từ khi khởi công, đã 2 năm đưa công trình văn hóa đặc biệt này vào hoạt động nhưng vẫn chưa hết những ý kiến cho rằng xây dựng Tượng đài với kinh phí 411 tỷ đồng trong khi đất nước còn nghèo là một sự lãng phí.

Thậm chí có vị đăng đàn trên VnExpess, cho rằng "Xây dựng tượng đài được ví như nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi, tốn kém vô cùng, và sự ảnh hưởng về mặt giáo dục tinh thần, xã hội cho cộng đồng nói chung là không cao".

Người ta không thôi bàn tán trên báo chí chính thống, trên mạng xã hội về số tiền 411 tỷ đồng, mà hầu hết những người "bàn ra" đều chưa thấy hình mẫu Tượng đài, chưa biết trên diện tích 15ha - một phần của quả đồi trong dãy Trường Sơn lan xuống mé biển, mà chắc có gì linh thiêng lắm người xưa mới đặt tên là Núi Cấm - nơi đặt Tượng đài, là một tổ hợp văn hóa - cảnh quan - địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điểm nhấn cho đô thị mới Tam Kỳ.

Quảng Nam là vùng đất tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của con người Việt Nam, trong 2 cuộc kháng chiến có đến 7.778 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong tổng số 50.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước. Trân trọng những gì các mẹ đã cống hiến cho tổ quốc, quyết định xây dựng tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng không có gì gọi là "lãng phí"! Kiến quốc sau bao năm chiến tranh là việc phải làm, và việc đền ơn đáp nghĩa lại càng không được thất lễ, nhất là với các mẹ!

Ngày nay thì tổ hợp tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành công trình văn hóa cấp quốc gia, xứng tầm với ý nghĩa mẹ là linh hồn đất nước, mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng, mẹ sẽ sống mãi, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ con cháu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Có người nghĩ rằng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng là tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ. Điều đó chỉ đúng một phần. Ý tưởng xây dựng Tượng đài xuất hiện 10 năm sau khi có Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (ngày 29/8/1994) và lấy cảm hứng từ mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu nhất, không chỉ có 11 người con và cháu là liệt sĩ mà suốt 2 cuộc kháng chiến, vợ chồng bà và người con cả Lê Thị Trị (cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) đã nuôi giấu, bảo bọc bao chiến sĩ cách mạng, trong khuôn viên nhà có đến 5 hầm bí mật. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước cũng như đức hy sinh.

Là công trình văn hóa cấp quốc gia, là công trình tôn vinh người mẹ Việt Nam, Tượng đài phải đáp ứng 3 yêu cầu: Giá trị nghệ thuật cao, hoành tráng, bền vững vĩnh cửu. Vì thế tỉnh Quảng Nam đã kết hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức 3 vòng thi tuyển, cuối cùng mẫu tượng và tổ hợp Tượng đài của họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận được Hội đồng Nghệ thuật chọn, Công ty Xây dựng thương mại và Mỹ thuật Đà Nẵng 2 thi công. Điều đó cho thấy tính cẩn trọng của những người có trách nhiệm khi đặt chất lượng nghệ thuật của Tượng đài lên hàng đầu.

Tượng đài được làm từ hơn 3.000m khối đá hoa cương, chính giữa là hình tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18,37m (do Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị làm hình mẫu vì lúc ấy mẹ Thứ đã gần 100 tuổi, quá yếu), rộng 84,7m, chiều dài theo hình cánh cung 117m.

Trong lòng Tượng đài là không gian 1.800m2 lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng gồm 3 chủ đề lớn: Mẹ Việt Nam - Mẹ tổ quốc, Mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Dưới chân Tượng đài là hồ nước 1.000m2 đón suối nguồn từ thân tượng như nước tuôn trào từ suối đá, mỗi bên là một thảm hoa 600m2 được trang trí họa tiết của 54 dân tộc sống trên dải đất Việt Nam, phía sau là bãi cỏ, vườn đá và chẳng bao lâu nữa sẽ xanh ngát những danh mộc bản địa.

Phía trước Tượng đài là quảng trường tiền môn với 30 ngọn đèn đá tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng và 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9m, đường kính 1,2m, bằng đá sa thạch, chạm khắc hình tượng phụ nữ Việt Nam anh hùng, trung hậu, đảm đang.

>>Làng Kol Sơ Lăl - huyền thoại Tây Nguyên

Mấy chục năm qua, tôi có dịp thăm thú nhiều tượng đài ở các tỉnh - thành và không thể không đồng ý với nhiều người, rằng nước ta có khá nhiều tượng đài được xây dựng theo phong trào nên chất lượng nghệ thuật thấp, thậm chí nhiều bức tượng vô hồn, lại đặt trong không gian không thích hợp, rất tốn kém mà hiệu ứng thẩm mỹ, giáo dục lại thấp.

Nhưng khi được chiêm ngưỡng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi không thể không nghĩ đó là một trong những kỳ quan của Việt Nam bởi tính nghệ thuật toát lên từ khuôn mặt hiền từ, đôn hậu, phảng phất nỗi lo, niềm hy vọng của người mẹ, bởi tổng thể kiến trúc hoành tráng mà gần gũi như làng quê, như phố thị Việt Nam...

Cứ mỗi lần nghĩ về tượng đài của lòng yêu nước, bài hát Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại da diết trong tôi:

Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi
... Mẹ là nước chứa chan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành.
..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tượng đài của lòng yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO