Trong ngôi nhà bốn tầng lầu

TRẦN THỊ HÀ| 28/05/2010 08:58

Bà con lối xóm ai cũng biết bà cụ Miên đang nuôi Thoa là bà nội cháu. Ngôi nhà lầu là do bà bỏ tiền ra làm để chia cho mỗi gia đình ba đứa con trai, mỗi nhà một tầng, còn hai bà cháu ở tầng cuối cùng...

Trong ngôi nhà bốn tầng lầu

Tự dưng con gái tôi hỏi: “Chị Thoa trước nhà mình ốm nhách, do không chịu uống sữa phải không mẹ?”. Con gái tôi chuẩn bị vào lớp 1, không bụ bẫm nên tôi thường bắt nó uống sữa vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Để con đủ dinh dưỡng, tôi thường dọa nó nếu không chịu uống sữa sẽ ốm nhom, xấu xí. Có lẽ vì thế mà nó mới hỏi tôi như vậy.

Mới dọn về khu phố này, chưa kịp làm quen với láng giềng, nhưng khi nghe con hỏi vậy, tôi để ý ngay đến bé Thoa. Thoa khoảng mười một, mười hai tuổi, gầy như cây sậy, nét mặt lúc nào cũng buồn hiu. Nhà Thoa ở ngã tư hẻm trước, tầng trệt, khoảng vài chục mét vuông, ngổn ngang đồ đạc, hình như toàn đồ đáng vứt đi.

Trước nhà, lâu lâu thấy một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi rã máy xe máy cho khách, bên cạnh bày bán mấy chai nước ngọt, mấy bao thuốc lá và mảnh giấy dán trên tường có dòng chữ “Ở đây có bán dấm nuôi”. Tất cả đều tương phản với vẻ khang trang của ngôi nhà bốn tầng lầu, chắc mới xây cách nay không lâu vì trông còn mới.

Một sáng Chủ nhật, ra chợ xép đầu hẻm, tôi thấy Thoa đang mua một ngàn xôi, bèn kêu cháu ghé vào xe hủ tíu bên cạnh. Thoa từ chối, nhưng người bán xôi (hình như là “mối quen” của cháu) nói thêm vào, nó mới chịu. Nhìn Thoa ăn ngon lành tô hủ tíu bình dân, tôi biết cháu không được ăn uống đầy đủ. Tôi muốn mua cho cháu chục quả trứng gà, nhưng cháu dứt khoát không nhận. Có lẽ tôi chưa đủ thân tình để cháu tin tôi làm vậy là do lòng tốt.

Thoa thường đạp xe đi học ngang qua nhà tôi. Nhìn cái dáng lầm lũi, không chút hồn nhiên, với linh cảm người mẹ, tôi biết Thoa đang phải sống trong hoàn cảnh không dễ chịu. Một phần thương Thoa, một phần tò mò, tôi không thể không tìm hiểu gia đình cháu.

Bà con lối xóm ai cũng biết bà cụ Miên đang nuôi Thoa là bà nội cháu. Ngôi nhà lầu là do bà bỏ tiền ra làm để chia cho mỗi gia đình ba đứa con trai, mỗi nhà một tầng, còn hai bà cháu ở tầng cuối cùng, cũng là nơi chứa đồ vặt và để dụng cụ sửa xe.

Bà Miên có tiền xây nhà, theo bà con lối xóm là do bà dành dụm suốt mấy chục năm bán rau ở chợ Thị Nghè. Bà con trong khu phố ai cũng thương và phục bà Miên vì bà già rồi, không làm ra tiền được nữa mà có bao nhiêu bà đổ hết vào ngôi nhà cho con cháu có chỗ ở khang trang, giờ hai bà cháu phải sống lay lắt bằng việc bán từng điếu thuốc lá, từng chai dấm nuôi.

Có lần bà Miên tâm sự với bà bán cơm tấm đầu hẻm rằng, bà phải làm nhà vì có một ít tiền dành dụm, nếu chia cho gia đình ba thằng con trai, chẳng bao lâu chúng cũng xài hết. Bà đã tính để lại gần trăm triệu đồng để sống chờ ngày theo chồng xuống đất, nhưng do không tính được số tiền phát sinh trong quá trình làm nhà, mà mấy thằng con thì nhìn nhau, chẳng đứa nào chịu chi ra vài chục triệu, thành ra khi ngôi nhà hoàn thành, bà chẳng còn đồng nào, trong khi còn phải nuôi cháu Thoa.

Năm, sáu năm trước, Thoa còn cả ba lẫn má, dù ba má không kiếm được nhiều tiền nhưng Thoa vẫn được nuôi nấng đầy đủ. Thế rồi ba Thoa yêu một cô phục vụ quán nhậu xinh đẹp nhưng đanh đá. Từ đó ba má Thoa thường xuyên cãi cọ, nhiều lần ba Thoa đánh má Thoa chết giấc. Chịu không nổi sự hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần của chồng, má Thoa nuốt nước mắt ra đi, dặn Thoa ráng xa má một thời gian rồi má sẽ về rước. Mới năm tuổi, Thoa ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra, nhớ má đêm nào Thoa cũng khóc.

Rồi ba Thoa dẫn người đàn bà bán quán nhậu ấy về ở chung, sau mấy tháng thì sanh em bé. Thoa không còn được ba săn sóc, không còn được ăn uống đủ chất và bắt đầu bị ba đánh, bị người đàn bà xa lạ ấy đánh, chửi. Bà nội quá thương cháu, chỉ biết khóc cùng cháu.

Bà con lối xóm thấy cảnh ngang trái ấy, đã báo với chính quyền phường nhưng chẳng thấy ai can thiệp. Bà Miên cũng chẳng khuyên can được ba Thoa. Để cháu đỡ cực, bà đưa cháu xuống tầng trệt nuôi ăn học.

Sáu, bảy năm đã trôi qua, Thoa chỉ còn mang máng nhớ khuôn mặt má, nhớ má có hứa về đón Thoa nhưng mãi không thấy. Giờ Thoa cũng đã hiểu vì sao mình không có má mà chỉ có bà nội, vì sao người đàn bà xa lạ kia đánh mình, vì sao ba ở chung nhà mà không thương yêu mình.

Thấy người đàn bà xa lạ kia đánh lại ba, có khi đánh ba chảy cả máu đầu, Thoa hiểu bà ta dữ dằn lắm, ba sợ là phải. Khi họ có đứa con thứ hai thì những trận đánh lộn ngày càng nhiều, mà theo Thoa hiểu thì do ba không kiếm được nhiều tiền nên bà ta hỗn. Thấy họ đánh lộn, Thoa chỉ không thể tập trung làm bài, còn thì vô cảm.

Bà nội không còn tiền dành dụm nên hai bà cháu ăn uống kham khổ lắm. Bà gầy, cháu cũng ốm dơ xương. Thoa thương bà nội nhất trên đời, và bà nội cũng thương cháu như vậy.

Khi đã hiểu hết hoàn cảnh của Thoa, tôi bần thần như con mình đang bị hoạn nạn. Bà Miên đã ngoài bảy chục tuổi, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đủ sức bán đồ vặt vãnh để nuôi cháu và nuôi thân. Đến lúc ấy liệu ba đứa con trai trên ba tầng lầu kia có giúp đồng nào cho bà, ba của Thoa có tỉnh mộng tình mà lo cho Thoa?...

Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu làm tôi càng băn khoăn trước tương lai mù mịt của hai bà cháu. Tôi có thể giúp Thoa một ít sách vở, quần áo và những lời động viên, nhưng cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Sực nhớ trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn có mục “Câu chuyện gia đình”, tôi viết lại chuyện của bà cháu Thoa, biết đâu ba con trai của bà Miên đọc được...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong ngôi nhà bốn tầng lầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO