Trong bối cảnh hiện nay, ta có thể làm được gì?

HẢI VÂN thực hiện| 18/10/2011 04:37

Phải xác định tính cần thiết và hình thức can thiệp của Nhà nước, trong đó, chú trọng tác động của can thiệp đối với xã hội và nền kinh tế”.

Trong bối cảnh hiện nay, ta có thể làm được gì?

Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách khác nhau nhằm cải thiện cơ chế điều hành. Nhưng để cải cách được thể chế, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: “Phải xác định tính cần thiết và hình thức can thiệp của Nhà nước, trong đó, chú trọng tác động của can thiệp đối với xã hội và nền kinh tế”.

* Ông nói, cải cách thể chế không phải là cải cách thủ tục hành chính. Vậy, cụ thể nó là gì?

Cải cách thể chế ở tầm cao hơn cải cách thủ tục hành chính, cải cách pháp lý. Nó làm thay đổi vai trò của Chính phủ trong cách thức can thiệp, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung và thị trường nói riêng.

Muốn cải cách thể chế, trước hết phải xác định thể chế/quy định đó có cần thiết hay không?

Nhưng ngay cả khi xác định được sự cần thiết, ta vẫn phải trả lời được câu hỏi: Mục đích của thể chế/quy định đó là gì, có làm thay đổi một nhà nước quản lý và kiểm soát sang nhà nước phục vụ, kiến tạo và phát triển hay không? Và có ba phương án có thể lựa chọn cho vấn đề này.

Thứ nhất, không làm gì cả, để thị trường tự vận hành. Thứ hai, tìm những công cụ mà theo cơ chế thị trường không phải là ban hành luật pháp để thay thế, thực hiện, tức là làm cho thị trường vận hành tốt hơn. Thứ ba, ban hành một quy định của Nhà nước để can thiệp vào thị trường.

Nhưng phải tính đến việc ta sẽ được gì và mất gì nếu nhà nước can thiệp vào thị trường. Nhà nước chỉ nên sử dụng can thiệp đó để ban hành một quy định mà lợi ích thu được lớn hơn chi phí xã hội bỏ ra để tuân thủ các quy định ấy.

* Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều thành lập một cơ quan trung ương để điều phối các cơ quan chính phủ có liên quan trong việc soạn thảo, ban hành các chính sách và giám sát chất lượng các văn bản. Theo ông, Việt Nam cần có một cơ quan như vậy?

Đó là một thực tiễn tốt nhưng khi đề cập đến vấn đề này ở nước ta, nhiều người nói, hiện, vai trò các cơ quan đã được xác định trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu ta đặt thêm một cơ quan trung ương, thì vai trò của nó sẽ là gì để không trùng lặp và tránh được xung đột với chức năng của các cơ quan khác.

Cá nhân tôi vẫn thiên về một cơ quan đủ thẩm quyền, chuyên trách, chuyên nghiệp và tương đối độc lập trong việc thẩm định. Tuy nhiên, phải nhìn vào bối cảnh hiện nay xem ta có thể làm được gì. Với hệ thống hiện hành, nếu có các tiêu chí cụ thể hơn, công khai hóa quá trình và kết quả thẩm tra, thẩm định, sẽ góp phần cải thiện chất lượng văn bản.

* Theo ông, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng đó chưa?

Thuật ngữ cải cách thể chế còn mới ở Việt Nam. Chúng ta vẫn chủ yếu nhấn mạnh ở cải cách thủ tục hành chính mà chưa nói nhiều đến cải cách thể chế, tức là cải cách để thay đổi vai trò, cách thức của Nhà nước trong việc điều tiết, quản lý xã hội. Chúng ta phải nhìn cải cách thể chế ở tầm cao hơn so với cải cách thủ tục hành chính, như vậy mới thúc đẩy vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

* Có ý kiến cho rằng, việc ban hành các văn bản pháp luật ở Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều từ các nhóm lợi ích. Vậy còn quan điểm của ông?

Thực tế ở nước nào cũng có những nhóm lợi ích tìm mọi cách để ảnh hưởng đến chính sách. Vấn đề ở chỗ cơ quan soạn thảo, trước hết phải có quy trình đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan, mà trước hết là những người bị chi phối, bị tác động được tham gia, được tham vấn một cách công bằng, thực chất vào quá trình xây dựng chính sách.

Ngoài ra, cơ chế để kiểm soát quá trình vận động chính sách phải rất minh bạch để người dân biết rằng, Chính phủ ban hành chính sách như thế nhằm đạt mục tiêu gì? Các công cụ, giải pháp kèm theo có hướng đến mục tiêu đó không hay là bị chi phối? Những cái này phải được tất cả các bên đánh giá, nhằm giảm tác động, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong bối cảnh hiện nay, ta có thể làm được gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO