Trẻ mồ côi trong vòng tay doanh nhân

Nguyễn Thị Ngọc Hải| 26/09/2021 06:00

Con người đang say mê tốc độ bỗng "đứng yên" vì phải giãn cách, phải lockdown, không ai đến, không ai đi. Ở nhà có vẻ bớt bận rộn nhưng không ai thấy được thư giãn.

Trẻ mồ côi trong vòng tay doanh nhân

Nhân loại gồng mình chống đại dịch Covid-19 bằng nhiều cách và mất mát cũng theo nhiều cách: chết người, kinh tế suy sụp, học hành gián đoạn... Nhưng nỗi đau bất ngờ nhất là riêng ở TP.HCM, 1.500 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, có trẻ mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong vài tháng khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Tin trên báo đọc mà choáng váng: có 4 chị em trong 10 ngày đã không còn cha mẹ. Có cô bé chậm phát triển trí tuệ, mới 14 tuổi, nay mất hết gia đình, cả ông bà, cha mẹ. Có một phụ nữ ở Q. 8 chết để lại ba con thơ và mẹ già! 

1.500 trẻ mồ côi lập tức được xã hội giang tay bảo bọc, ngoài các cơ quan chức năng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức từ thiện, quỹ bảo trợ trẻ em, đặc biệt có sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân.

Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM kêu gọi đỡ đầu nuôi trẻ mồ côi vì đại dịch ăn học cho đến 18 tuổi. Sáng kiến độc đáo "ATM gạo", "ATM oxy", nay TP.HCM có thêm "ATM tình thương", sẽ có sự phối hợp của Hội Bảo trợ trẻ mồ côi, khuyết tật để cưu mang các em.

Nỗi đau bất ngờ khiến ta nhớ lại những trẻ em mồ côi trong chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam - cuộc chiến tranh đẩy 700.000 trẻ vào cô nhi viện. Ta chưa quên chiến dịch "Không vận trẻ em" (Operation Babylift) từ ngày 3-26/4/1975 mà quân Mỹ đã đem 3.300 trẻ đến hàng chục nước trên thế giới. Các cuộc biểu tình ở Mỹ, Thụy Điển nổ ra phản đối Babylift vì quá choáng trước việc tách những đứa trẻ khỏi quê hương, gây hệ lụy suốt đời người đối với chúng. Cho đến tận bây giờ, nỗi khắc khoải quê hương và nguồn cội chưa nguôi ở rất nhiều đứa trẻ ấy, nên vẫn ước vọng tìm lại quê nhà.

Lùi xa hơn nữa, trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhân loại không thể quên Bản danh sách Schindler. Đó là danh sách những công nhân Do Thái mà kỹ nghệ gia Oskar Schindler đã giúp trốn thoát khỏi nạn diệt chủng của Adolf Hitler. Người ta còn nhắc mãi đến Irina Sendler - người phụ nữ đã cứu 2.500 trẻ em Do Thái khỏi bị Đức Quốc xã sát hại. Đứa trẻ còn sống sót do bà cứu đến nay thành người thọ nhất, vừa mới qua đời.

Nhiều người trong số "cứu tinh" đó là doanh nhân. Trong chiến dịch Babylift, máy bay vận tải quân sự không đủ để chuyên chở trẻ em, vì thế doanh nhân người Mỹ Robert Macauley đã thuê một chiếc Boeing 747 để chở khoảng 300 trẻ em rời sân bay Tân Sơn Nhất. Số tiền Robert Macauley bỏ ra để thuê máy bay có từ việc thế chấp ngôi nhà của chính ông. Tác giả cuộc giải cứu Bản danh sách Schindler cũng là doanh nhân người Đức Oska Schindler.

32323-5330-1632563058.jpg

Hôm nay ở Việt Nam, ở TP.HCM, doanh nhân Việt lại viết tiếp tên họ vào lịch sử nhân đạo. Doanh nhân Trương Gia Bình của FPT đã cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và thành lập trường nuôi dạy chúng trong 20 năm, theo mô hình trường thiếu sinh quân.

Ông Trương Gia Bình trưởng thành từ gian khó, không chỉ mong muốn nuôi trẻ cho ăn học mà còn muốn các em lớn lên với dũng khí vượt nghịch cảnh. 

Trẻ em mồ côi thường mặc cảm với số phận, thiếu giáo dục nhưng có thể tự lập sớm, vì thế dễ trở nên liều lĩnh, bất cần. Nhưng nếu có môi trường giáo dục tốt, các em sẽ biết thương yêu, sẻ chia, quý trọng tình cảm và tự lực. Đó cũng chính là mong muốn của nhiều doanh nhân hôm nay muốn nuôi dạy trẻ mồ côi trở thành những người có tri thức chứ không chỉ là đủ cơm áo.

Tinh thần doanh nhân nhìn vào vấn đề "y tế khẩn cấp" ấy đầy chất nhân văn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trẻ mồ côi trong vòng tay doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO