Tránh những cú đổ vỡ khổng lồ

ĐINH TUẤN MINH (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia - Hà Nội)| 14/07/2010 09:20

Không ít doanh nghiệp lớn của Nhà nước phải đối mặt với rủi ro thua lỗ, phải tái cấu trúc, thậm chí là phá sản. Nhiều nguyên nhân được phân tích, nhưng ít ý kiến đề cập một vấn đề mới, đó là quản trị rủi ro.

Tránh những cú đổ vỡ khổng lồ

Không ít doanh nghiệp (DN) lớn của Nhà nước phải đối mặt với rủi ro thua lỗ, phải tái cấu trúc, thậm chí là phá sản. Nhiều nguyên nhân được phân tích, nhưng ít ý kiến đề cập một vấn đề mới, đó là quản trị rủi ro.

Trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2008, giá các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dầu thô, đã tăng lên rất cao. Khi khủng hoảng xảy ra, giá nguyên liệu thô đã giảm đột ngột đến vài lần. Những DN tích trữ nhiều nguyên liệu với giá cao sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Rủi ro tín thác liên quan đến các tổn thất khi DN bị đối tác phá vỡ cam kết.

Việc người dân Mỹ không có tiền trả tiền mua nhà dẫn đến phải trả lại nhà cho ngân hàng đã châm ngòi cho khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại các tổ chức tài chính Mỹ. Rủi ro vận hành liên quan đến các tổn thất do sự cố kỹ thuật, logistic khiến cho các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, mà sự cố tràn dầu gần đây của BP là một ví dụ điển hình...

Những DN quản trị tốt luôn có hệ thống phòng ngừa các loại rủi ro này thông qua các công cụ phòng ngừa rủi ro khác nhau. Một DN có hệ thống quản trị tốt khi tiến hành đầu tư mở rộng sẽ không chỉ tính toán các rủi ro và các phương pháp phòng ngừa rủi ro liên quan đến bản thân dự án đó, mà còn phải tính rủi ro cộng hưởng đối với toàn bộ hoạt động hiện có của DN khi dự án đó được thực thi.

Một DN muốn phát triển bền vững, vượt qua được các khủng hoảng thì cần phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro từ cấp tập đoàn cho đến cấp phân xưởng. DN càng lớn thì hệ thống quản trị rủi ro càng phải được xây dựng một cách bài bản và rõ ràng. Bất cứ khi nào có sự cố gì, các mô hình tính toán dòng tiền của công ty ở mọi cấp phải được điều chỉnh để phản ánh thực trạng của DN trong điều kiện mới nhằm đảm bảo DN không rơi vào tình trạng phá sản.

Một DN ôm một số tiền lớn của Nhà nước, thậm chí lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, tiếp tục vay nợ để đầu tư dàn trải sẽ phải đối diện với hai rủi ro cực kỳ nghiêm trọng khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra. Thứ nhất là rủi ro kinh doanh và thứ hai là rủi ro tín thác. Sự thua lỗ trong kinh doanh cho thấy DN không có hệ thống quản trị rủi ro, hoặc nếu có thì hệ thống này rất có vấn đề. Đó chính là vấn đề của các DN nhà nước hiện nay.

Thông thường doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có xu hướng ngại rủi ro vì hệ thống ra quyết định chịu rất nhiều ràng buộc hành chính. Vì lẽ đó, DNNN chỉ có thể đạt được các mức lợi nhuận thấp hơn so với các DN tư nhân trong cùng ngành. Tuy nhiên, trường hợp các DNNN của Việt Nam hiện nay lại không hẳn như vậy. DNNN được quyền tự chủ kinh doanh, nếu làm ăn có lãi thì DN có quyền sử dụng tiền lãi để tái đầu tư thay vì tăng nộp ngân sách nhà nước. Vì lẽ này, một số DNNN sẽ có thiên hướng đầu tư vào những dự án có vẻ cho lợi nhuận cao trước mắt, bất chấp việc những dự án đó có gây ra rủi ro cho toàn bộ DN hay không.

Trong khi đó, cơ chế giám sát cũng như thanh tra nhà nước đối với các DNNN thường có tính hậu kiểm. Công việc thanh tra thường chỉ dựa trên sổ sách kế toán để xem liệu những người điều hành DNNN có vi phạm các quy định hiện hành hay không. Công việc thanh tra này khác hoàn toàn với sự đánh giá của các chủ sở hữu thực sự trong các DN tư nhân. Các chủ DN tư nhân sẽ đánh giá hoạt động trong quá khứ để phán đoán khả năng sinh lời trong tương lai và đưa ra các biện pháp để khả năng sinh lời là cao nhất.

Vì tính chất khác nhau này nên việc thanh tra các DNNN thường mất rất nhiều thời gian, nhưng cũng không hình thành được hệ thống phòng ngừa rủi ro khi các DNNN đầu tư mạo hiểm. Việc các DNNN chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên về cơ bản không giải quyết được vấn đề giám sát rủi ro các hoạt động của DNNN.

Cơ chế giám sát về cơ bản vẫn chỉ là hậu kiểm, chứ không phải là đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Vì vậy, các DNNN này sẽ tiếp tục đối diện với tình huống hoặc tăng trưởng chậm so với khối DN tư nhân, hoặc tăng trưởng nhanh nhưng đối diện với nguy cơ đổ vỡ lớn.

Để tăng cường khả năng quản lý rủi ro, việc chuyển đổi các DNNN dưới hình thức công ty TNHH một thành viên sang mô hình cổ phần với sự tham gia của tư nhân là điều tất yếu. Nếu không, một sự đổ vỡ những DN khổng lồ trong tương lai sẽ là điều khó tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tránh những cú đổ vỡ khổng lồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO