Trăm lỗi đổ đầu nông dân?

LAM HỒNG| 01/10/2009 08:36

Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu, trong 9 tháng qua, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm so với cùng kỳ 2008.

Trăm lỗi đổ đầu nông dân?

Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu, trong 9 tháng qua, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm so với cùng kỳ 2008.

Ảnh: Công Toại

Theo đánh giá chung, ba tháng cuối năm, xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ thu về khoảng 3,05 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 12,4 tỷ USD, vẫn giảm 5,9% so với năm 2008. Hiện tượng này được DN gọi là tình trạng “lượng bù giá”, diễn ra tràn lan ở nhiều ngành hàng xuất khẩu. Điển hình nhất là gạo xuất khẩu 9 tháng tăng tới 33% (5 triệu tấn), nhưng giá giảm nên tăng trưởng vẫn âm 8,22%. Sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 884 ngàn tấn, tăng 15,7%, nhưng giá trị lại giảm 18,8%. Tương tự là sản phẩm chè, lượng xuất khẩu tăng tới 25%, nhưng ngoại tệ mang về cho đất nước chỉ tăng thêm có 14,5% so với năm trước.

Giữ kỷ lục rớt giá nhiều nhất là cao su, nên dù tăng 10,3% về lượng, nhưng kim ngạch vẫn âm tới 40%. Câu chuyện được mùa, rớt giá không còn là câu chuyện của riêng một ngành hàng nông sản nào của VN. Và mỗi năm, khi mùa vụ đến nghịch lý được mùa - rớt giá lại đặt ra câu hỏi “Tại sao năm nào cũng vậy?”.

Phẩm cấp kém là nguyên nhân giải thích cho hiện tượng “lượng bù giá” làm nông dân khốn đốn. Vì các sản phẩm nông sản VN không ổn định, nhiều khách hàng chuyển qua mua hàng của Thái Lan, Indonesia... Nóng lòng không xuất được giá cao, không ít DN chấp nhận ký giá thấp hơn nên tạo cơ hội cho khách hàng nước ngoài được dịp ép giá.

Thói quen bán tháo hàng cho Trung Quốc - thị trường vốn không khắt khe về tiêu chuẩn - đã dần hình thành thói quen bán tháo cho mọi đối tác khác. Sự bung ra tràn lan khiến quá trình sản xuất hàng xuất khẩu không được quản lý, manh mún, dẫn đến tranh mua, tranh bán, vì hàng loạt lý do “hàng lỗi”, “hàng hư”, “hàng kém chất lượng”...

Khi khách hàng Mỹ muốn nhập cao su, họ chọn Indonesia, Malaysia, Thái Lan... trước VN vì các nước này có giấy chứng nhận phẩm cấp dù không nhất thiết là phẩm cấp tốt nhất, nhưng chắc chắn là đúng thông số. Thực tế cho thấy, DN đã không liên kết, lại giành khách hàng lẫn nhau, còn các hiệp hội lại thiếu chiến lược xuất khẩu căn cơ, chủ yếu xuất thô, giá cả bấp bênh nên xuất thô cũng chưa được, chứ chưa nói đến việc nâng cao vị thế cho hàng VN.

Không được tổ chức, nông dân mạnh ai nấy làm và không biết giá bao nhiêu... nhưng đã đến mùa thu hoạch phải bán theo giá "may nhờ rủi chịu". Vì lý do gì đi nữa, suy cho cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Như GS - TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành về cây lúa, từng nhận định: Nông dân vẫn là nhóm người nghèo nhất VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăm lỗi đổ đầu nông dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO