Thương nhân nước ngoài giấu mặt, quản lý bó tay

10/09/2012 04:54

Hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam dồn dập thu mua nông sản, rồi đột ngột rút khỏi thị trường diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp.

Thương nhân nước ngoài giấu mặt, quản lý bó tay

Hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam dồn dập thu mua nông sản, rồi đột ngột rút khỏi thị trường diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp. Từ khi bị siết quản lý, các đối tượng này đã rút vào hoạt động bí mật, khiến công tác phát hiện, xử lý càng trở nên khó khăn.

Khó xử lý các vi phạm

Việc thu mua và xuất khẩu vải thiều Bắc Giang hiện đều do doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tiến hành

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thương nhân nước ngoài đã tương đối đầy đủ. Song đại diện nhiều địa phương đều cho rằng, những văn bản đó gần như vô hiệu, do chỉ túm được “kẻ có tóc”, trong khi các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam đều là những “kẻ trọc đầu”, không hề hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Theo ông Đào Nguyên Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, qua kiểm tra, Sở chưa phát hiện được thương nhân Trung Quốc nào trực tiếp mua vải thiều tại Bắc Giang, mà đa phần đều thu mua, xuất khẩu qua doanh nghiệp Việt Nam. “Vì chưa có căn cứ, nên đến nay, chúng tôi chưa xử lý vụ nào”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, rất khó xử phạt khi không có chứng cứ. Kể cả trong trường hợp bắt được tận tay thì khâu xử lý thương nhân nước ngoài cũng rất khó, do sự phối hợp giữa các bộ, ngành rất chậm. Cụ thể, dù quản lý thị trường đã bắt được tận tay, đã lập được biên bản vi phạm, nhưng muốn tạm giữ để xử lý thì phải trình lên các cơ quan chức năng khác, vì liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Mấy ngày sau, khi có quyết định thì đối tượng đã về nước.

Đưa thương nhân nước ngoài vào khuôn khổ

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, thuận lợi và quan trọng đối với việc tiêu thụ nông sản Việt Nam. Vì vậy, cơ quan quản lý hoàn toàn không muốn làm khó thương nhân Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Có điều, hoạt động này phải đúng pháp luật, tránh lối làm ăn phi pháp, chụp giật.

Trên thực tế, việc đưa hoạt động của các đối tượng này vào khuôn khổ không hoàn toàn bế tắc, nếu có sự vào cuộc tích cực của các chính quyền địa phương. Đầu năm nay, người dân Vĩnh Long đổ xô trồng khoai lang do thương nhân Trung Quốc đột ngột vào tỉnh này mua khoai với số lượng lớn, giá cao. Khi đó, Sở Công thương Hậu Giang đã tích cực tuyên truyền cho người dân Hậu Giang cảnh giác khi thương lái đặt trồng khoai lang. Chỉ sau vài tháng, khoai lang rớt giá thảm hại do thương lái Trung Quốc từ chối mua. Nông dân tỉnh Vĩnh Long thiệt hại nặng nề, trong khi nông dân Hậu Giang, do được cảnh báo trước, đã tránh được bàn thua trông thấy.

Tại Tiền Giang, ngay lúc có hiện tượng thương lái Trung Quốc dồn dập mua dứa, kể cả quả non, quả xanh với giá cao, tỉnh đã yêu cầu nhà máy chế biến dứa địa phương tăng cường mua nguyên liệu và cảnh báo người dân, nếu bán dứa cho thương lái Trung Quốc thì phải đòi trả tiền ngay. Chỉ 2 tuần sau, thương nhân nước ngoài ngừng thu mua dứa, nhưng thị trường vẫn diễn biến bình thường mà không xảy ra những thiệt hại lớn.

“Nếu thắt chặt quản lý quá, thì hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài chùng xuống, bà con không tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy, khi ban hành các quy định, chúng tôi cũng rất cân nhắc về mức độ chặt chẽ, tránh lợi bất cập hại”, ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) nói và cho hay, các địa phương cần tuyên truyền, quản lý để các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam hoạt động đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương nhân nước ngoài giấu mặt, quản lý bó tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO