Thèm cái khổ cực

HỒNG BÍCH| 30/08/2015 06:34

Khối người lên tiếng xác nhận rằng họ thèm lắm, nhớ lắm cái cực khổ ngàn đời, hay cái cực khổ nhất thời buổi chinh chiến.

Thèm cái khổ cực

Thật không? Ai thèm cái khổ cực? Vậy mà khối người lên tiếng xác nhận họ thèm lắm, nhớ lắm cái cực khổ ngàn đời, hay cái cực khổ nhất thời buổi chinh chiến.

Đọc E-paper

Trưa nay có người gửi cho tấm ảnh, với lời đề tựa thắm thiết: "Tôi nhớ cái này lắm!". Trong ảnh, giống như cái chợ xép, lẫn trong vài người qua lại có một người dò dẫm đi, với cái cassette để rao và hát nhằm tạo sự chú ý cho món hàng nào đó.

Nhìn cái ảnh mới chợt nhớ lâu nay toàn mua hàng giữa thinh không, với tiếng động duy nhất từ cái nhấp chuột, bây giờ xài laptop với smartphone, tiếng nhấp đó cũng biến mất.

Tiếng vọng duy nhất là tiếng gọi ở cổng của người giao hàng. Vì thế mà cứ ngắm hoài tấm ảnh, với cái cassette nghèo dò dẫm đi giữa buổi chợ đông. Rồi chỉ là cái ảnh thôi mà nghe được cả tiếng huyên náo đầu chợ cuối chợ, nghe bao ước muốn của cái nghèo, cái cũ.

Nhớ một lần ra Vinh trong một chuyến đi thăm làng Sen, đầu làng có mấy em bé bán khoai. Những củ khoai xứ Nghệ An nhỏ bé, cùn quằn, trông rất ngộ nhưng không hấp dẫn mắt khách. Một chị doanh nhân vừa nói chuyện điện thoại, vừa mua hết rổ khoai, cứ tưởng chị ấy vì thương bé bán khoai mà mua.

Nhưng không, dứt cuộc điện thoại, chị đi mời từng người trong đoàn, không ngừng khen củ khoai bé tí nhưng ngon ngọt lắm, với thái độ rất chân thành.

Rổ khoai thế là hết trong ít phút. Khoai cũng ngon, nhưng vẫn là khoai lang, không thể vì thương cô bé bán khoai mà hương vị của nó thành cao lương. Nhưng ai nấy đều cảm thấy thích củ khoai xứ Nghệ. Bữa tối đó có nhiều món ngon hấp dẫn nhưng mọi người đều lơ là vì đã ngang bụng với món khoai chuột thương nhớ đồng quê hồi chiều.

Thế là sự nhớ thương cái khổ cực vẫn là nền tảng tạo nên những sự kiện kiểu như triển lãm đời sống thời bao cấp tại Hà Nội. Dòng người già trẻ lũ lượt xếp hàng vào xem, tâm trạng bùi ngùi, thương nhiều hơn là ngán sợ.

Có phải vì thế mà Cà phê Cộng phát triển thành chuỗi ở Hà Nội, rồi cứ thế nhượng quyền thương hiệu, ào ào xuất hiện ở Đà Nẵng rồi chuẩn bị vào Sài Gòn. Cộng đem theo hình ảnh những chiếc ghế gãy chân, không nệm, bàn gỗ sứt sẹo, cà phê đựng trong ca "Quyết thắng".

Khách của cà phê Cộng tuy còn trẻ nhưng vẫn thấy Cộng có chút quen thuộc cần níu giữ. Tuy nhớ cái cực khổ nhưng thức uống của Cộng không thể là thứ thức uống thời chiến và hậu chiến, vẫn phải ngon lành thời thượng và lấy giá cao. Ở vài nơi khí hậu quá nóng như Đà Nẵng, cà phê Cộng phải đầu hàng, bật máy lạnh cho khách ngồi trong không gian cực khổ, vất vả cũ.

Cùng một ý như thế, chủ nhân khu du lịch Làng lụa Hội An và hàng chục nhà hàng, quán ăn khác ở Hội An chỉ một mực bán những món ăn bản địa rất bảo thủ. Nhà hàng sang trọng chỉ bán bánh bèo, bánh bột lọc, bánh quai vạc, bánh xèo với mì quảng, cao lầu.

Khách đặt tiệc với số tiền lớn, làng chỉ bày vẽ thêm cái không gian cách điệu một phiên chợ quê, thêm đàn hát dân ca, thả đèn hoa đăng, vẫn không đưa cao lương mỹ vị vào bàn tiệc. Vậy mà khách vẫn hài lòng, bởi đôi khi cái sang trọng lại không tạo được cảm xúc khác biệt.

Điều thú vị là cái cũ kỹ đó được người kinh doanh hiểu cặn kẽ, nó chứa đựng một hàm lượng văn hóa không thể đào thải, nên đã chọn lọc và giữ lại như một cách vỗ về tâm hồn những người yêu cái cũ.

Cứ tưởng những giá trị cũ kỹ, bảo tồn cái nghèo khổ của một vùng đất và một giai đoạn chỉ thu hút khách quốc tế, nhưng một tính cách rất Việt cũng vẫn còn, rất nhớ, rất thương cái nghèo, bởi cái nghèo vẫn còn nguyên trên đất nước này.

>Cảm tình rơm rạ

>"Phở thật" phố Bát Đàn

>Giá trị của thật và ảo

>"Quà sáng" của người Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thèm cái khổ cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO