Thay đổi để giữ “vai trò chủ đạo”

DIỆU TIÊN| 20/08/2009 08:13

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới về tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thay đổi để giữ “vai trò chủ đạo”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới về tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là cho phép các tập đoàn kinh tế được tự quyết định cách thức trả lương.

Dự thảo sẽ có một bước ngoặt lớn là cho phép các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước, nếu đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động lớn hơn tốc độ tăng tiền lương, sẽ được quyết định hình thức và cách thức trả lương nhằm khuyến khích người lao động, tránh tình trạng chảy máu chất xám đang ngày có xu hướng gia tăng.

Hình minh họa

Vài năm trở lại đây, tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra ngày càng phổ biến. Ở khối DN nhà nước, khá nhiều người có khả năng, kinh nghiệm nhưng không được trọng dụng. Khi họ bỏ việc, sang làm ở các công ty tư nhân, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, họ nhanh chóng được cất nhắc, được làm việc đúng sở trường, được trả lương, thưởng tương xứng.

Hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN nhà nước nói chung, tại các tập đoàn, tổng công ty nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với qui mô và vai trò trong nền kinh tế. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi trong quản lý. Trao cho các tập đoàn nhà nước quyền tự quyết cách trả lương, nếu thực hiện tốt sẽ có tác dụng giải phóng sức lao động, khơi dậy nguồn cảm hứng cống hiến trong mỗi cán bộ, nhân viên. Song, nếu thực hiện không công bằng, không hợp tình hợp lý, thì nội tình DN sẽ rối ren.

Tập đoàn nhà nước được tự quyết cách trả lương không có nghĩa là những người có quyền quyết định được quyền ban phát lợi lộc để tạo vây cánh. Không phải vô lý khi Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, trong buổi thảo luận về báo cáo giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cho rằng: “Các thứ trưởng chỉ nên thực hiện quản lí nhà nước, không cần tham gia HĐQT tại các tập đoàn”, và “chỉ trong trường hợp thuê tổng giám đốc người nước ngoài hoặc tư nhân, HĐQT mới có giá trị”.

Hoạt động kém hiệu quả của khối DN nhà nước đến nay đã đặt ra nhiều câu hỏi: Nền kinh tế đã theo xu hướng thị trường đến đâu, vai trò quản lý nhà nước thông qua các tập đoàn đã được thực hiện như thế nào và phải làm sao để tập đoàn nắm giữ được vai trò chủ đạo? Đúng là cần phải có một cơ chế quản lý khác đối với những DN đang nắm nhiều tài nguyên, tiền vốn quốc gia. Bởi vì, những DN được gọi là “vai trò chủ đạo” không chỉ phải biểu hiện ở số lượng các cơ sở kinh tế của nhà nước, ở tỷ trọng giá trị sản lượng kinh tế tạo ra, mà trước hết phải thể hiện được trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất, hiệu quả kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thay đổi để giữ “vai trò chủ đạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO