Thành phố của tôi: Chùa người Hoa

TRẦN THANH PHƯƠNG| 04/09/2009 07:08

Chùa người Hoa ở TP.HCM tọa lạc chủ yếu ở quận 5,6,11 và quận 1. Quá trình hình thành các ngôi chùa Hoa gắn liền với sự định cư của người Hoa trên đất Sài Gòn-Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XVIII...

Thành phố của tôi: Chùa người Hoa

Chùa người Hoa ở TP.HCM tọa lạc chủ yếu ở quận 5,6,11 và quận 1. Quá trình hình thành các ngôi chùa Hoa gắn liền với sự định cư của người Hoa trên đất Sài Gòn-Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XVIII, bởi những kiều dân là thân phận hải ngoại cô nhi của đất nước Trung Hoa rộng lớn, dần dần họ nhận ra nẻo đường về cố quốc nhiều trắc trở, nên chọn mảnh đất đang sống làm quê hương thứ hai. Trong số hơn 300 ngôi chùa Hoa cổ ở thành phố, nổi tiếng nhất là các chùa Minh Hương Gia Thạnh, Ông, Bà, Tam Sơn, Nhị Phủ Miếu...

Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Và do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán

Chùa Hoa độc đáo với đường nét Trung Hoa cổ xưa, vừa có sự pha trộn kiến trúc của cư dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Một số chùa lợp ngói lưu ly, âm dương càng tôn vẻ Trung Hoa. Khuôn viên chùa Hoa khoáng đạt và trang nhã. Nhiều tượng đá chạm hình kỳ lân, sư tử, nghê ngay trước sân chùa, cổng chùa. Trên các bệ thờ có nhiều tượng thần hoặc quần thể các tượng thần làm ta nghĩ ngợi bao điều về cuộc đời hôm nay và mai sau...

Như trong chùa Ông, ngoài tượng Quan Công cao 2,2 mét còn có tượng Quan Bình, Châu Xương... Rằm tháng giêng là lễ hội lớn nhất trong năm của chùa: “Đi lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Lễ hội kéo dài tới 10 ngày, có hát bội, múa lân, múa rồng, hát Tiều, hát Quảng, treo đèn rực rỡ, phân phát bánh kẹo ăn lấy phước. Còn chùa Bà có tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Việt quen gọi là chùa Bà Thiên Hậu, người Hoa gọi là Phò Miếu. Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính.

Truyền thuyết về bà tuy có khác nhau ít nhiều nhưng chủ yếu vẫn là sự hiển linh của bà: Người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh. Ngưỡng mộ thành kính bà, người Hoa muốn qua đó giáo dục cho cộng đồng mình hãy noi gương và học theo lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, xã thân vì mọi người như bà. Theo truyền thuyết, những người đi biển, hễ cầu khấn bà thường được bà phù hộ tai qua nạn khỏi khi gặp sóng to gió lớn. Không biết lời thỉnh cầu có đến được những người “khuất mặt khuất mày” không, nhưng mọi người tin rằng, sau khi đi lễ chùa trở về, tâm hồn như được thắp sáng hơn, thấy lòng yên ổn hơn.

Đặc biệt là ở chùa Hoa hầu như quanh năm hương khói không ngớt. Các vòng hương hình chiếc nón lá to rủ xuống khắp chùa, cháy suốt hàng tháng ròng, mùi thơm ngào ngạt càng tạo cho cảnh sắc chùa thêm phần trang nghiêm, cuốn hút thiện nam, tín nữ. Đi lễ chùa Hoa không chỉ có người Hoa mà bà con người Việt cũng thành tâm đến lễ rất đông. Trong không khí khói hương, hoa tươi và hoa quả, tiếng Hoa và tiếng Việt râm ran đến ấm áp...

Từ khá sớm, chùa Hoa ở thành phố không chỉ của riêng người Hoa, không ít chùa có sự đóng góp xây dựng của bà con người Việt và bà con người Việt cũng chân thành chia sẽ niềm vui tín ngưỡng của bà con người Hoa.

Chùa người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã đi vòng ký ức bao thế hệ người dân trên vùng đất phương Nam này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thành phố của tôi: Chùa người Hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO