Tăng thuế VAT: Cần kế hoạch kiểm soát và sử dụng nguồn thu

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ - Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC)| 08/09/2017 04:38

Bộ Tài chính dự báo, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 - 2018, ở mức 64,8% GDP vào năm 2017. Cạnh đó, số liệu Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2017 cho thấy...

Tăng thuế VAT: Cần kế hoạch kiểm soát và sử dụng nguồn thu

Bộ Tài chính dự báo, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 - 2018, ở mức 64,8% GDP vào năm 2017. Cạnh đó, số liệu Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2017 cho thấy, năm 2017 ngân sách nhà nước bội chi 3,5% GDP (tương ứng 178.300 tỷ đồng) và chi trả nợ lãi 98.900 tỷ đồng.  

Đọc E-paper

Viện dẫn những lý do ấy, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% vào năm 2019 và đây là "biện pháp bắt buộc" để cân đối ngân sách nhà nước. Bởi vì, theo tính toán, việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 59.000 tỷ đồng/năm, tức tỷ lệ VAT trong tổng thu ngân sách là 33%.

Số liệu Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2017 cho thấy, khoản chi trả nợ lãi chiếm tỷ trọng lớn, gần 11% tổng chi cân đối ngân sách trung ương. Theo thông tin công bố thì vào năm 2017, Chính phủ sẽ vay 342.060 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) để trả nợ, thấp hơn khoảng 5 tỷ USD so với kế hoạch vay năm 2016.

Phần lớn khoản vay này từ nguồn trong nước, khoảng 243.300 tỷ đồng, (gần 10,7 tỷ USD), vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là 98.760 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD). Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là 144.000 tỷ đồng. Do đó, vấn đề tăng thu đồng thời kiểm soát chi là rất cần thiết để cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thuế VAT hiệu quả hơn về khía cạnh phục vụ phát triển kinh tế so với thuế thu nhập đánh vào lao động và vốn. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi cơ cấu thuế phụ thuộc nhiều hơn vào thuế VAT.

Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang áp dụng sắc thuế này để đánh vào tiêu dùng, trừ Mỹ. Trong khi đó, các nước lớn ngoài OECD cũng đang áp dụng sắc thuế này, trong đó Ấn Độ đã áp dụng từ nhiều năm qua.

Tại Việt Nam, VAT là thuế đánh vào tiêu dùng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và nhập khẩu, riêng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu loại thuế này. Vì vậy, lần tăng thuế VAT này, dù đánh vào lao động hay vốn, đều làm tăng gánh nặng lên quá trình sản xuất và tác động tiêu cực đến người nghèo. Kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, người thu nhập thấp, trung bình chi 59% thu nhập để mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, trong khi đó, người giàu chỉ chi 39%.

Do đó, việc tăng VAT lần này tác động vào người nghèo là rất đáng kể. Đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính chưa chú trọng đánh giá tác động tới phân bổ thu nhập để có những điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Việc tăng thuế VAT cần cho mục tiêu tăng trưởng, nhưng phải có những biện pháp cụ thể để tăng nguồn thu nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư bền vững.

Theo nghĩa đó, quyết định tăng thuế VAT phải được đính kèm kế hoạch cụ thể về kiểm soát và sử dụng nguồn thu. Nhà nước cần đánh giá kỹ lưỡng những tác động tăng thuế đối với người nghèo và có giải pháp cụ thể cho nhóm đối tượng này.

Vấn đề ưu tiên hàng đầu khi tăng thuế VAT là phải giải quyết được tình trạng vay nợ để trả nợ. Nhà nước có thể sử dụng việc trích khoản tăng thu từ VAT 10% lên 12% để lập kế hoạch cụ thể chi tiêu ngân sách nhằm sớm trả cả lãi lẫn gốc các khoản nợ thay cho tình trạng vay nợ để trả nợ như hiện nay.

Cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt hơn danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao, tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ; chú trọng hơn đến hiệu quả sử dụng đầu tư công và nợ công.

Cùng những giải pháp đó, Nhà nước cần dành một phần ngân sách từ tăng thuế VAT để hỗ trợ trực tiếp cho các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như giám sát, kiểm soát kỹ các khoản vay mới trên cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa.

Theo ông Sebastian Eckhardt - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính là rất quan trọng và kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ số thuế trên tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016. Tuy nhiên, các bước cải cách thuế cần được cân nhắc một cách cẩn trọng. Cải cách cần theo hướng thu bền vững, gánh nặng thuế phải được chia sẻ công bằng để hỗ trợ đầu tư và phát triển.

>Đề xuất miễn, giảm thuế VAT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng thuế VAT: Cần kế hoạch kiểm soát và sử dụng nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO