Tản mạn cà phê Việt

26/12/2015 01:53

Thói quen thưởng thức cà phê phin bắt nguồn từ người Pháp, nhưng chính thiên nhiên, đất đai, khí hậu và văn hóa Việt Nam đã mang lại cho cà phê phin một tinh thần khác, một hương vị khác.

Tản mạn cà phê Việt

Trở ngược lại với nguồn gốc của cà phê phin, có thể thấy hành trình lịch sử của cà phê phin gắn liền với tâm thức của người Việt gần 300 năm nay.

Thói quen thưởng thức cà phê phin bắt nguồn từ người Pháp, có thể vào khoảng năm 1857, nhưng chính thiên nhiên, đất đai, khí hậu và văn hóa Việt Nam đã mang lại cho cà phê phin một tinh thần khác, một hương vị khác. Đó là sự đậm đặc của triết lý Á Đông, hài hòa giữa Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo, thể hiện trong cách trồng, cách chế biến, và cách thưởng ngoạn cà phê của người Việt.

Một số nghiên cứu cho rằng chính các cha xứ người Pháp ở Nam Định đã truyền cho nông dân vùng này cách trồng những cây cà phê đầu tiên. Trong những nhà thờ ở Nam Định hiện vẫn còn sót lại vài gốc cà phê già cỗi không rõ tuổi đời từ bao giờ.

Đến đầu thế kỷ 20, cây cà phê phiêu bạt từ Nam Định vào Nghệ An, rồi xuôi theo bước chân làn sóng di cư của người Bắc đến Tây Nguyên. Chính nơi đây cây cà phê đã tìm được quê hương đích thực của mình.

Với thời tiết hai mùa rõ rệt, độ cao trên 1500 mét so với mặt nước biển, Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng nhất cho cà phê, vừa có độ lạnh, lượng mưa, nguồn nước nguyên sơ, đất đỏ bazan giàu dưỡng chất để cà phê đơm hoa kết trái, và những cơn gió tự do, cái nắng cháy người trong quá trình thu hoạch, sơ chế, để dâng cho đời những hạt cà phê có một không hai, biến Việt Nam thành cường quốc cà phê lớn nhất nhì thế giới.

Sài Gòn, hòn ngọc của Viễn Đông, đã sớm mở cửa đón chào cà phê như một sứ giả của hòa bình, văn minh và sáng tạo. Những năm 1930, khắp các con phố Sài Gòn tràn ngập quán cà phê, trở thành nơi để khởi động một ngày mới đầy năng lượng. Nhưng phải đến thập niên 1960, cà phê phin mới có sự chuyển mình dữ dội, trở thành thức uống dành cho mọi người, từ bình dân đến cao cấp.

Mỗi quán cà phê có thể là một "Chốn thiên đường" với mỗi người, nơi bạn không cảm thấy cô đơn trong đám đông, nơi bạn tận hưởng sự xa xỉ với mức giá phải chăng.

Họa sĩ Nguyễn Trúc - người được giới “giang hồ” coi là một tín đồ của cà phê - có thể nói về cà phê phin cả ngày cũng không hết chuyện: “Người ta có thể cảm nhận được hương thơm của cà phê nhiều nhất trong lúc rang, xay hạt, thời gian pha chế và lúc uống. Như vậy chỉ có sử dụng phin pha cà phê mới có thể thưởng thức được toàn bộ hương và vị ngon của cà phê trong hai giai đoạn pha và uống. Phương thức này có ưu điểm là chiết xuất được hương thơm và cafein trong khoảng 40 giây đầu. Thế nhưng có một nhược điểm là nếu không kiểm soát được thời gian chiết xuất, có thể làm vị cà phê quá đắng hay quá chát nếu ủ nóng quá lâu. Đây chính là bí quyết của người pha phin sành điệu”.

Tôi chợt nhớ đến triết lý về cuộc sống của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Đẹp là khi bạn là chính mình, không cần được ai đó công nhận, bạn chỉ cần chấp nhận bản thân mình".

Chỉ hương vị độc đáo của ly cà phê phin, dù là cà phê đen hay cà phê sữa, mới cho tôi cảm giác đó. Cảm giác được sống đúng với bản chất thật của chính mình, không đánh mất mình trước dòng sống ào ạt sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ.

Buổi sáng thức dậy, tâm hồn còn tinh khôi, hãy ngồi xuống thật yên ngắm những giọt cà phê đầu tiên rơi xuống, sóng sánh trong như hổ phách, ta như thể đang chứng nghiệm lại cuộc đời mình, ở chính giây phút này của thực tại, tâm thốt nhiên nở hoa và miệng mỉm cười…

>Tản mạn hủ tíu gõ

>“Ông Tây” tản mạn về các món ăn độc đáo của người Việt

>Đi săn sương ở Đà Lạt

>Làm sao về miền ký ức?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tản mạn cà phê Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO